Các nhà khoa học mới đây phát hiện dấu vết cho thấy, biển sâu nằm dưới bề mặt một vệ tinh của sao Thổ, có thể là dấu hiệu sự sống tồn tại ngoài Trái Đất.
Vệ tinh Enceladus của sao Thổ. Ảnh: AFP/NASA |
Theo RT, tàu vũ trụ Cassini của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện vùng biển nằm ở độ sâu khoảng 10km bên dưới bề mặt băng ở cực nam của vệ tinh Enceladus.
Biển có diện tích tương đương với hồ Superior, một trong ba hồ nước ngọt lớn nhất Bắc Mỹ, và có thể bao quanh gần như toàn bộ bề mặt Enceladus. Theo ước tính ban đầu, biển có độ sâu khoảng 40km. Các nguyên tố photphorus, sulfur và potassium, sodium có thể tồn tại trong nước. Trong khi đó, đây là các nguyên tố cần thiết cho sự sống.
Các đầu mối về dấu hiệu của nước trên bề mặt Enceladus được phát hiện lần đầu vào năm 2005, khi tàu Cassini nhận thấy làn hơi nước mặn và băng từ các vết nứt ở khu vực cực nam của Enceladus. Các dữ liệu thu được từ năm 2010 - 2012 cho thấy, một dạng vật chất ở phía cực nam tương tự như nước lỏng nằm bên dưới bề mặt của mặt trăng.
Enceladus không phải là vệ tinh tự nhiên đầu tiên trong Hệ Mặt trời chứa biển dưới bề mặt. Các nhà khoa học từng có phát hiện tương tự đối với Titan, một vệ tinh khác của sao Thổ. Các bằng chứng nghiên cứu cũng cho thấy biển tồn tại trên vệ tinh Callisto, Ganymede và Europa của sao Mộc.
Tàu vũ trụ Cassini thực hiện nhiệm vụ thăm dò sao Thổ và vành đai của sao Thổ. Con tàu được phóng lên quỹ đạo từ căn cứ Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ, năm 1997 và đến quỹ đạo sao Thổ vào năm 2004.
N.H(theo VnE)