Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã lây lan đến ít nhất 174 quốc gia và khu vực trên thể giới. Riêng trong tuần từ ngày 30/8 đến 5/9, trên toàn thế giới ghi nhận thêm hơn 4,47 triệu ca nhiễm COVID-19 và gần 68.000 trường hợp tử vong.
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10/2020. WHO khi đó đã dự đoán rằng Delta sẽ có sức lây lan mạnh và có thể trở thành một chủng dịch bệnh lớn trên toàn cầu trong tương lai. Thực sự hiện tại, sự nguy hiểm của biến thể Delta không thể bị đánh giá thấp.
Tại Mỹ, tính đến cuối tháng 7 vừa qua, số lượng các ca nhiễm mới COVID-19 đã tăng thêm gần 90%. Trong đó, số ca bệnh được xác nhận do biến thể Delta ước tính chiếm 83,2% .
Tình hình châu Âu cũng không mấy lạc quan. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu cho biết, ở hầu hết các nước trong khu vực này, hơn 68% trường hợp nhiễm bệnh ở có liên quan đến biến thể Delta.
Ở châu Á, các trường hợp nhiễm biến thể Delta cũng không ngừng gia tăng gần đây.
Tại Nhật Bản, tỷ lệ người nhiễm biến thể Delta ở khu vực thủ đô Tokyo dự kiến sẽ vượt quá 90%. Trong khi đó, 48% các ca nhiễm mới ở Hàn Quốc là do biến thể nguy hiểm này.
Khu vực Đông Nam Á cũng đối mặt với nhiều khó khăn do biến thể Delta, đặc biết là ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến nguy cơ lây nhiễm gia tăng.
Sự lây lan nhanh chóng của biến thể này đã khiến nhiều quốc gia và khu vực lại phải hứng chịu những đợt dịch mới tồi tệ và triển vọng phục hồi kinh tế là rất bi quan.
Một nghiên cứu gần đây của IHS Markit, một công ty tư vấn nổi tiếng thế giới đã chỉ ra rằng trong tháng 8 năm nay, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đáng kể. Nguyên nhân là do sự lây lan của biến thể Delta đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế trên thế giới và khiến nhiều quốc gia bắt đầu thắt chặt chính sách chống dịch.
Dữ liệu của JPMorgan Chase cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất và dịch vụ chậm lại trong tháng 8. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 và tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất cũng xuống mức thấp nhất kể từ khi kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi vào tháng 7 năm ngoái.
Các chỉ số kinh tế của nhiều quốc gia và khu vực cũng có dấu hiệu giảm sút gần đây.
Vào tháng 8, số lượng việc làm mới ở Mỹ giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 7 tháng. Các dịch vụ sân bay, đặt phòng khách sạn hay đặt chỗ nhà hàng đều giảm.
Chỉ số môi trường kinh doanh chính của Đức cũng đã xấu đi và các công ty được khảo sát tỏ ra bi quan về môi trường kinh doanh trong vài tháng tới.
Robin Brooks, chuyên gia kinh tế trưởng của Hiệp hội Tài chính Quốc tế, cho rằng sự lây lan của biến thể Delta đang làm ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay từ 6,2% xuống 5,7%.
Sự phục hồi kinh tế toàn cầu lại gặp phải “cơn gió ngược”, cho thấy tính cấp thiết của việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hiện nay.
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cho biết mặc dù biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn nhưng tiêm chủng vẫn là cách tốt nhất để ngăn ngừa nó, đồng thời kêu gọi những người chưa được tiêm chủng "hãy tiêm càng sớm càng tốt".
Các nhà kinh tế chỉ ra rằng nếu vaccine có thể tiếp tục hạn chế tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và các hậu quả y tế nghiêm trọng, thì các chính phủ sẽ có nhiều cơ hội hơn để đưa ra các giải pháp phục hồi và tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế sẽ không còn nghiêm trọng như những đợt trước.
Tuy nhiên, biến thể Delta hoành hành sẽ khiến các quốc gia và khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn phải đối mặt với rủi ro lớn hơn. Điều này sẽ làm sâu sắc thêm sự phân cực trong tăng trưởng kinh tế giữa các ngành và khu vực.
Tính đến hết ngày 14/9, thế giới đã ghi nhận hơn 226,6 triệu ca nhiễm và hơn 4,66 triệu trường hợp tử vong do COVID-19.
Hoa Vũ (Theo China News)