+Aa-
    Zalo

    'Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975': Ranh giới giữa văn học và báo chí đã bị xóa nhòa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ba lần tái bản, một lần ra mắt bản tiếng Anh, cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975” của nhà báo – nhà văn Trần Mai Hạnh đã chứng tỏ sức hấp dẫn nhất định, sau nhi

    (ĐS&PL)Ba lần tái bản, một lần ra mắt bản tiếng Anh, cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975” của nhà báo – nhà văn Trần Mai Hạnh đã chứng tỏ sức hấp dẫn nhất định, sau nhiều giải thưởng uy tín về văn học.

    Cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975” xuất bản lần đầu vào tháng 4-2014. Nhà báo Trần Mai Hạnh cho biết, ông đã ấp ủ ý tưởng về cuốn sách này trong suốt 39 năm. Nhà báo kể lại, năm đó ông mới 32 tuổi, lòng tràn đầy nhiệt huyết với nghề và đầy ắp những ý tưởng. May mắn có mặt tại Dinh Độc Lập và chứng kiến những giây phút lịch sử ngày 30-4-1975, ông đã nảy ra ý tưởng phục dựng toàn bộ những sự việc đã diễn ra trong những tháng ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn trước khi sụp đổ bằng những tài liệu nguyên bản tuyệt mật, những bức điện chỉ huy tác chiến, những bản văn tin cậy của chính phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ). Những tài liệu đó chính là khởi đầu cho cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975”.

    Ngoài những tài liệu, tư liệu thu thập trực tiếp trong thời kỳ đó, nhà báo Trần Mai Hạnh còn tiếp xúc, gặp gỡ và ghi chép lại tường thuật của những người có mặt trong các sự kiện xảy ra những ngày lịch sử đó, những người trực tiếp lấy lời khai của các tướng tá quân đội chính quyền Sài Gòn…

    Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Cuốn sách vừa có giá trị về văn học, vừa có giá trị về lịch sử và báo chí, với những tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật ở thời điểm đó của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hoà và phía Hoa Kỳ) cùng những tư liệu tác giả viện dẫn trong cuốn sách gắn với sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước có độ chính xác và tin cậy cao. Cuốn sách đã tái hiện và khắc họa trung thực, sinh động sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn do Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống trong bốn tháng cuối cùng của chiến tranh, từ tháng 1 tới hết tháng 4-1975”.

    Sách dầy 500 trang, gồm 19 chương: 1- Lễ giáng sinh cuối cùng. 2- Sài Gòn nơm nớp đón Tết Ất Mão. 3- Nước cờ định mệnh. 4- “Trên bốn phương trời đi tìm sự thật”. 5- “Chương bi thảm nhất của chiến tranh”. 6- “Người Mỹ nghĩ gì đây”. 7- Huế ngợp thở. 8- Thiệu lên gân trong cô độc sợ hãi. 9- Đà Nẵng điên loạn và sụp đổ. 10- Nha Trang tắt thở. Quân đoàn II bị xoá sổ. 11- Sài Gòn bên bờ sụp đổ. Cuộc đấu với Uây-en. 12- Cuộc phòng thủ sinh tử. 13- Chính quyền bán đấu giá. 14- Thiệu như ngọn đèn trước gió. 15- Giờ tận số đã điểm. 16- Thiệu cuốn gói. 17- Sức kháng cự cuối cùng bị nghiền nát. Sài Gòn trống rỗng về chính trị. 18- Chiếc trực thăng cuối cùng. 19- Phút tắt thở của Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hòa.

    Trừ phát biểu của Nguyễn Văn Thiệu trước khi từ chức, 20 tài liệu tham khảo còn lại in trong phần phụ lục đều là các tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến của phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ. Đây đều là các tài liệu được đánh máy nguyên văn từ hơn 40 năm trước theo đúng các tài liệu gốc thu được tại phòng làm việc và nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Dinh Độc Lập và phòng làm việc của Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn vào trưa và chiều ngày 30-4-1975. Cách trình bày, những chữ viết tắt, những câu tiếng Anh xen kẽ trong các tài liệu được giữ nguyên như tài liệu gốc, và có bảng chữ viết tắt để tiện sử dụng. Cuối mỗi chương ghi chú rõ những nguồn tài liệu đáng tin cậy mà tác giả đã viện dẫn khi xây dựng nên chương sách đó.

    Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 được Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự thật thẩm định, ấn hành lần đầu vào tháng 4-2014. Trong hai năm cuốn sách liên tiếp giành được các giải thưởng danh giá ở trong nước và khu vực: "Giải thưởng Văn học năm 2014" của Hội Nhà văn Việt Nam, "Giải thưởng Văn học năm 2015 của các nước Đông Nam Á (ASEAN)". Sách cũng được tái bản tới lần thứ ba và in với số lượng lớn.

    Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng nhận xét: “Trần Mai Hạnh là một trường hợp đặc biệt, anh chọn cách đến thẳng khán giả rồi mới đến với các nhà văn, khác với các tác giả khác. Anh viết tôn trọng sự thật và viết đúng sự thật. Sự hấp dẫn và giá trị của cuốn sách là người viết dựng lại toàn bộ sự kiện sau khi nó đã diễn ra, không hạ thấp phía đối phương. Khi xảy ra sự kiện, anh không chỉ là người tường thuật, đưa tin mà còn có độ lùi rất xa để nhìn lại sự kiện đó. Anh cũng giữ được vẻ tươi mới và tính hiện thực vốn có, khi dựng lại cả một giai doạn trong cuộc tổng tiến công năm 1975 và viết một cách rất sinh động”.

    Ông Phạm Chí Thành, Giám đốc NXB Chính trị Quốc gia và Sự thật, đơn vị ấn hành cuốn sách nhận xét: “Tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4-1975” là tác phẩm duy nhất thuộc thể loại văn xuôi được trao Giải thưởng Văn học 2014. Tác giả đã nhìn sự việc bằng con mắt khách quan, không thiên kiến, trung thực với lịch sử, cùng với một khối lượng khổng lồ tư liệu từ chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ”.

    Chính những điều này đã làm nên sức hấp dẫn cho cuốn sách đồ sộ tư liệu này, với nhiều lần tái bản và nhiều giải thưởng, cùng sự đón nhận của đông đảo bạn đọc ở mỗi lần tái bản.

    Theo NDĐT

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-ban-chien-tranh-1-2-3-41975-ranh-gioi-giua-van-hoc-va-bao-chi-da-bi-xoa-nhoa-a296968.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.