Từ trước đến nay người ta ít để ý đến vấn đề nam giới bị vợ bạo hành mà chủ yếu là những câu chuyện của người vợ bị chồng dùng bạo lực với mình. Tuy nhiên, bạo lực ngược cũng đang diễn ra âm thầm ở nhiều gia đình.
Nhiều bà vợ bạo hành chồng bằng các cách tra tấn tinh thần, cấm vận... |
Vợ cấm vận, chì chiết vì không kiếm ra tiền
Ông Nguyễn Thành S. trú tại Long Biên, Hà Nội là nạn nhân của bạo lực gia đình được trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ huyện Gia Lâm, Hà Nội tư vấn và hỗ trợ tâm lý.
Trần tình với chuyên gia, ông S kể về cuộc đời của mình. Ông vốn là công nhân nhà máy thủy tinh. Nhưng do sức khỏe yếu nên ông về nghỉ mất sức. Vợ ông S làm kinh doanh buôn bán ngoài chợ. Ngày về nghỉ hưu non, ông nghe lời vợ lấy tiền mất sức cả cục để mang về làm nhà. Từ ngày về nghỉ, ông S chỉ ở nhà cơm nước cho vợ và các con.
Không kiếm được tiền nên ông thường bị vợ chì chiết. Từ ngày nhà ông sát nhập vào quận Long Biên, vợ ông càng được nước mắng chửi chồng vô dụng. Ông kể mỗi lần vợ ông đi bán hàng về, bà ấy lại ra lệnh cho ông lấy nước, ép nước hoa quả. Chua bà ấy cũng mắng mà ngọt quá bà ấy cũng chê. Ông trở thành ô sin trong nhà. Có lúc, ông lấy xe máy ra đầu ngõ làm xe ôm liền bị vợ chửi "làm xấu mặt vợ con, ở thành phố phải làm những công việc sang trọng hơn".
Cuộc sống của ông S như địa ngục. Khổ nhất, mỗi lần đến ngày giỗ cha mẹ ông, nếu ông không nhắc thì vợ ông không bao giờ góp giỗ với bác cả để làm cơm cúng bố mẹ chồng. Bà ấy có đưa tiền thì cũng nói bóng gió đủ điều. Trong con mắt của vợ ông S. ông và gia đình ông đều nghèo và thua kém thiên hạ.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết là người có thể chia sẻ của nhiều quý ông bị bạo hành. |
Trong chuyện chăn gối vợ chồng, ông S không bao giờ được chủ động. Nhiều lần, quàng tay ôm vợ bà ấy lại đẩy ra. Chuyện bị vợ cấm vận cả tháng là bình thường. Nhiều lần, ông S ra ngoài tìm việc nhưng sức khỏe không được tốt nên ông chỉ tìm được những công việc như rửa xe ô tô, bán xăng. Ông kể lương thấp quá không bằng tiền thuê người giúp việc, vợ ông lại yêu cầu ông ở nhà làm ô sin. Ông chỉ thương các con vì bố đi làm thì chúng cũng chẳng có cơm mà ăn.
Vì sĩ diện nhiều đàn ông đang bị bạo hành tinh thần
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết - giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ huyện Gia Lâm cho biết hiện nay đàn ông bị bạo hành tinh thần đang diễn ra hàng ngày nhưng không ai đủ xóa bỏ cái sĩ diện nam nhi để đứng ra chống lại bạo lực gia đình. Có lẽ vì thế nguy cơ bạo hành ngược gia tăng. Nhất là khi người phụ nữ lăng mạ chồng trước mặt con cái, đe doạ đến mối quan hệ cha con, hoặc chẳng thèm kiềm chế thái độ hung hăng khi có mặt con cái, họ hàng thân tộc, người cùng cơ quan, hàng xóm láng giềng.
Bác sĩ Quyết cho biết “bản lĩnh đàn ông thời nay” khiến các ông chồng lúc nào cũng phải tỏ ra cứng rắn, quân tử, dù bị vợ đánh cũng ít khi dám lên tiếng hay tìm sự giúp đỡ. Có anh sau khi “tỏ thái độ” phản kháng còn bị vợ xử lý nặng tay hơn. Tệ hại hơn nữa, người vợ kéo dài bi kịch gia đình bằng cách lôi kéo con cái đứng về phe mình, tạo bè phái, làm ngơ hoặc xúi giục những đứa trẻ tỏ thái độ bất kính, coi thường, hắt hủi chính cha đẻ mình. Điều này khiến người đàn ông mất dần tính tự tôn, sự tự tin và đến một lúc nào đó thực sự nghĩ rằng mình là một kẻ nhu nhược bất tài vô dụng, chẳng làm nên trò trống gì và coi tất cả những việc tồi tệ này là do lỗi của mình.
Có những người đàn ông khi đến với trung tâm họ mới biết mình bị vợ bạo hành tinh thần cả chục năm trời mà nghĩ đó là do vợ chồng không hợp nên có những lời chì chiết. Bác sĩ Quyết cho biết để giảm thiểu bạo hành ngược chủ yếu là bạo hành tinh thần ở gia đình các đấng mày râu cần thoải mái chia sẻ để cả hai cùng tìm hướng giải quyết.
Trường hợp của ông S sau khi chia sẻ với các chuyên gia tại trung tâm, các chuyên gia tâm lý đã tìm đến tận nhà ông để trò chuyện với vợ ông. Sau nhiều lần tiếp xúc và tư vấn về luật phòng chống bạo lực gia đình, vợ ông S cũng hiểu hơn và bà cảm thấy việc mình chì chiết chồng có thể khiến con cái cũng rơi vào bất hạnh.