Dòng sự kiện
    +Aa-
    Zalo

    Bi kịch bắt đầu từ ngày kết hôn đầy nhục nhã

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tôi không thể quên được cái ngày diễn ra hôn lễ của hai đứa. Hôm tổ chức tiệc vu quy ở dưới quê tôi, bố mẹ chồng đến dự nhưng khuôn mặt chẳng nở một nụ cười

    Tôi không thể quên được cái ngày diễn ra hôn lễ của hai đứa. Hôm tổ chức tiệc vu quy ở dưới quê tôi, bố mẹ chồng đến dự nhưng khuôn mặt chẳng nở một nụ cười mà còn thể hiện rất khó chịu.

    Năm 27 tuổi tôi kết hôn. Cuộc hôn nhân của hai đứa ban đầu không được nhà anh chấp nhận. Đơn giản vì tôi vốn xuất thân trong một gia đình nông thôn tỉnh lẻ còn anh là con trai ở thành phố.

    Về làm dâu cho nhà anh, tôi đã chuẩn bị sẵn cho mình tâm lý để chịu đựng tất cả những thứ gọi là ngang trái và khinh thường nhất từ bố mẹ chồng. Bản thân tôi dù có ấm ức đến đâu vẫn có thể chịu đựng một mình được. Chỉ có điều, nhiều lúc thấy bố mẹ chồng xúc phạm mình và kèm theo thái độ khinh thường cả nhà thông gia thì khiến tôi không khỏi chán ngán.

    Tôi không thể quên được cái ngày diễn ra hôn lễ của hai đứa. Hôm tổ chức tiệc vu quy ở dưới quê tôi, bố mẹ chồng đến dự nhưng khuôn mặt chẳng nở một nụ cười mà còn thể hiện rất khó chịu.

    Khi chuẩn bị ngồi vào bàn tiệc, mẹ chồng đã vội đưa tay quệt vào ghế thấy có bụi bẩn, bà liền bĩu môi gọi mẹ tôi ra mà phàn nàn. Mẹ chồng chua ngoa bảo: “Bà thông gia làm thế này thì mất mặt nhà tôi chết”. Nghe vậy, mẹ tôi liền đi giặt khăn rồi gọi thêm mấy thanh niên ra lau lại ghế cho sạch sẽ. Nhìn thấy mẹ đẻ mình đang tất tả trong bộ áo dài đi lau từng chiếc ghế, tôi không khỏi chạnh lòng.

    Hễ có chuyện gì không vừa lòng, bố mẹ chồng lại có cớ trách mắng và lôi luôn gốc gác của con dâu ra để khinh thường. (Ảnh minh họa)

    Trước hôm tổ chức lễ thành hôn trên thành phố một ngày, mẹ chồng còn gọi điện về cho mẹ tôi dặn dò những người đến dự phải ăn mặc cho tươm tất kẻo quan khách chê cười.

    Khi chưa đầy 2 giờ nữa là diễn ra hôn lễ, mẹ chồng liền vào phòng mắng tôi sa sả vì thấy bà thông gia mặc lại bộ áo dài hôm lễ vu quy. Bà trừng mắt bảo tôi: “Cô làm gì thì làm chứ phải tranh thủ chở mẹ cô đi thuê một bộ áo dài khác ngay cho tôi. Ngày quan trọng thế này mà không sắm nổi một bộ cho đẹp hay sao chứ!”. Lúc ấy, dù quá ấm ức nhưng tôi cũng phải lủi thủi tức tốc chở mẹ ruột ra tiệm thuê đồ kẻo mất lòng mẹ chồng.

    Cả đời mẹ tôi tích cóp dành dụm có được hai chỉ vàng cho con gái làm của hồi môn. Bao nhiêu ấy là tôi đã mãn nguyện và cảm thấy mình mang nợ bố mẹ quá nhiều. Vậy mà khi mẹ chồng dò hỏi chuyện đó, bà lại chìa môi chê bai ít ỏi và cho rằng bố mẹ tôi hẹp hòi và keo kiệt.

    Bố chồng tôi còn cười hô hố nói lớn: “Ối dào bố mẹ nó không có lương lậu gì, từng đó của người ta là đã hết mấy sào ruộng rồi ấy chứ!”. Từng câu, từng chữ của bố mẹ chồng như mũi dao đâm vào tim tôi. Tôi không nghĩ là ông bà lại đề cao giá trị vật chất mà khinh thường người bố mẹ tôi như vậy.

    Quãng thời gian tôi về làm dâu nhà anh, cũng là chuỗi ngày mệt mỏi và cay đắng nhất trong cuộc đời. Tôi không chỉ phải chịu đựng sự hách dịch từ bố mẹ chồng mà còn phải cắn răng chịu đựng sự dè bỉu của ông bà đối với bố mẹ ruột. Hễ có chuyện gì không vừa lòng, bố mẹ chồng lại có cớ trách mắng và lôi luôn gốc gác của con dâu ra để khinh thường.

    Ngày lễ, tôi muốn hai vợ chồng đưa con trai về thăm ông bà ngoại bởi cũng đã một thời gian dài theo chồng xa nhà mà tôi không có dịp về quê. Đến khi trở lại thành phố, mẹ chồng tôi vồ vập ôm thằng bé, thấy da nó có rám nắng thì liền rồi trách tôi và cả ông bà ngoại không chăm cháu chu đáo.

    Lúc thằng bé mang ra mấy gói kẹo mà bà ngoại mua cho nó, mẹ chồng lại bĩu môi và đem hết tất cả vứt vào sọt rác và nói chúng dơ bẩn sợ ăn vào ngộ độc. Thái độ và hành động của mẹ chồng khiến tôi như muốn nổi điên mà không biết làm gì hơn.

    Còn nhớ có lần, bố mẹ tôi tất tả dưới quê lên chơi. Vừa chuẩn bị bước vào nhà, mẹ chồng tôi đã vội ngăn cản bảo dừng lại để đưa dép cho ông bà thông gia kẻo sợ bẩn sàn nhà. Bữa cơm trưa thiết đãi thông gia, bố mẹ chồng hết chỉ trỏ món này đến món khác cho bố mẹ tôi xem. Đã vậy bà còn nói thẳng rằng mấy món này ở quê, chắc chẳng bao giờ ông bà được ăn khiến tôi và bố mẹ xấu hổ vô cùng.

    Ngày tiễn bố mẹ ra ga, thấy ông bà buông một tiếng thở dài khi nghĩ đến thái độ và cách cư xử của bố mẹ chồng mà tôi lại chạnh lòng. Làm dâu xa nhà, tôi không có nhiều cơ hội để báo đáp cho bố mẹ mà cứ để hai người phải luôn lo lắng và phiền lòng vì những chuyện không đâu. Tôi thấy mình thực có lỗi lớn.

    Quãng thời gian làm dâu còn lại, tôi không biết mình sẽ phải chịu đựng bao nhiêu tủi hờn và cay đắng nữa. Chỉ nghĩ đến sự khinh thường và xúc phạm của bố mẹ chồng dành cho bố mẹ ruột của mình là tôi lại chán ngán vô cùng. Tôi phải làm gì đây mọi người?

    Nguồn: Trí thức trẻ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-kich-bat-dau-tu-ngay-ket-hon-day-nhuc-nha-a138876.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan