(ĐSPL) - Câu chuyện này vốn chỉ được truyền tai nhau giữa những người làm nghề hoặc những người thân thiết.
Thậm chí với những nhân vật mà chúng tôi gặp, việc tiếp cận thông tin cũng rất khó khăn vì không ai nói, nhiều người còn phủ nhận. Tại sao lại có chuyện như vậy?
“Mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng”?!
Trong vai người đang có nhu cầu tìm “osin bệnh viện” để chăm sóc người nhà, chúng tôi bắt chuyện với một nhóm lao công nữ ở bệnh viện Bạch Mai. Những người này tự nhận mình làm môi giới “osin bệnh viện” với những người có nhu cầu nên khi nghe chúng tôi hỏi, họ vồn vã lắm.
Họ bốc máy gọi cho người này, người kia, sau cùng, một người phụ nữ trong nhóm “chốt” một câu nửa đùa, nửa thật: “Nếu chúng tôi môi giới được cho anh chị người ưng ý thì nhất định phải có quà cảm ơn đó nhé!”. Chúng tôi vui vẻ nhận lời.
Lao công bệnh viện là những người biết rõ nhất góc khuất của nghề “osin bệnh viện”. |
Trong lúc cao hứng, một chị tự giới thiệu tên Th. nhắc tới trường hợp của chị H., một “osin bệnh viện” vừa mới phải bỏ việc vì bị người bệnh... sàm sỡ. Thừa nhận câu chuyện của đồng nghiệp, những người phụ nữ trong nhóm còn khẳng định đây không phải là việc hiếm trong nghề này.
Chị Th. kể: “Thời gian trước ở khoa Hồi sức có một bệnh nhân rất đặc biệt. Chị em chúng tôi thắc mắc không hiểu vì sao bệnh nhân này mỗi ngày lại có một người chăm sóc như thế. Không hiểu gia đình bệnh nhân khó tính hay bệnh nhân bệnh nặng quá nên không ai dám nhận?
Chỉ đến khi gặp H. (một trong số những người chăm sóc bệnh nhân đó – PV), chúng tôi mới vỡ lẽ. Người bệnh là một ông già 75 tuổi, nằm liệt giường nhưng lại có máu... dê xồm. Cứ thấy cô nào tới là ông này kiếm cớ sờ soạng.
Thành ra ai thấy vậy cũng khiếp vía mà bỏ của chạy lấy người. Ngay cả người nhà của bệnh nhân cũng không hiểu nguyên do vì sao. Vì thông tin đã được “giới trong nghề” truyền tai nhau nên không ai dám nhận chăm sóc cụ ông nọ. Cuối cùng, con cháu ông cụ phải cắt cử nhau để trông nom. Nghĩ vừa tội, vừa buồn cười”.
Nghe xong câu chuyện của chị Th., một chị khác trong nhóm cũng góp vui bằng câu chuyện rất thú vị của nữ “osin bệnh viện” tên Nh. (quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Chị Nh. nhận chăm sóc một người bệnh hiện nằm ở khoa Cấp cứu.
Thông thường người trong nghề rất ngại chăm sóc bệnh nhân ở đây vì hầu hết là những ca bệnh nặng. Tuy nhiên, do tiền công chăm sóc bệnh nhân ở khoa này lại cao hơn những khoa khác nên có người vẫn “cố đấm ăn xôi”. “Người nhà bệnh nhân nhờ tôi tìm một người chăm sóc.
Tôi nói với họ trường hợp nặng như vậy thì nhờ đàn ông là tốt nhất nhưng khổ nỗi là người bệnh nhất quyết đòi người chăm sóc là phụ nữ. Liên hệ mãi chúng tôi cũng tìm được trưởng nhóm của Nh. vì nhóm này toàn người khỏe mạnh, xốc vác lại “biết điều” (ý là có trả tiền hoa hồng cho người môi giới – PV). Nhưng không hiểu sao mới được một ngày, người nhận chăm sóc bệnh nhân đó đã bỏ việc. Hóa ra bệnh nhân đó bị bệnh “chân tay miệng” nên cứ nằng nặc thuê phụ nữ chăm sóc”, chị này cho biết.
Sau khi xác nhận với chúng tôi, chị Nh. cười gượng gạo cho biết: “Làm nghề gì cũng có tai nạn em ạ. Tuy không phải ai cũng bị như thế nhưng hàng chục năm trong nghề, mình gặp phải mấy lần cũng không có gì là lạ. Nếu gặp trường hợp như thế thì đành phải bỏ việc thôi”.
Đồng tiền và nước mắt
Quá trình tiếp xúc với chị Nh. giúp chúng tôi biết thêm nhiều chi tiết thú vị. Theo chia sẻ thì nhóm của chị gồm 8 người, hoạt động chủ yếu ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, viện Lão khoa và bệnh viện Xanh Pôn. Hầu hết những thành viên trong nhóm đều đã có tuổi và có kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề. Vấn đề là trong nhóm, hầu như ai cũng từng một lần trải qua chuyện bị sàm sỡ với nhiều hình thức khác nhau.
Chị Nh. kể: “Hầu như thành viên nào trong nhóm cũng đã từng trải qua chuyện này. Giờ nhớ lại chỉ buồn cười thôi nhưng lúc đầu, quả thật chúng tôi cũng hoang mang, sợ hãi lắm. Nhiều người bệnh sắp xuống lỗ rồi mà vẫn không bỏ được “máu dê”. Bản thân tôi từng gặp một ông từ năm 2009, nằm ở khoa Hồi sức bệnh viện Xanh Pôn.
Ông này nhà chắc cũng có điều kiện nên nằm phòng VIP, tiền công chăm sóc cũng cao hơn hẳn những người khác nên khi mới nhận được mối này, tôi vui lắm. Tuy nhiên không hiểu sao khi tôi vào diện kiến thì ông này nhất quyết đòi tìm người khác. Nghĩ mình khỏe mạnh, nhanh nhẹn mà bị bệnh nhân chê thì tôi cũng tủi thân nhưng vì nghĩ chỗ này tiền công cao nên tôi gọi cho mấy chị em khác trong nhóm đến.
Tuy nhiên hai, ba người vào, bệnh nhân đều không ưng mặc dù khả năng chăm sóc của chúng tôi thì miễn chê. Cuối cùng một chị xinh nhất (tên là Đ.) được người bệnh chấp nhận mặc dù chị ấy không khỏe, không khéo bằng chúng tôi. Thấy vậy, chúng tôi ngạc nhiên lắm, không hiểu nguyên do vì đâu. Ai dè sau đó mấy ngày, ông này gạ tình chị Đ. bằng cách ngã giá cụ thể luôn. Sợ quá, Đ. đòi bỏ việc nhưng người nhà ông cụ bắt phải làm theo đúng thỏa thuận mới trả tiền (theo thỏa thuận, thời gian chăm sóc tính theo tuần). Đ. đành phải nghỉ việc mà không nhận được một đồng tiền công nào”.
Theo chị Nh., khi gặp chuyện tế nhị này, các chị đều rất khổ tâm nhưng không dám chia sẻ vì sợ bị hiểu nhầm và mất mối làm ăn. “Nghề của chúng tôi thường được các nhóm lao công hoặc điều dưỡng dắt mối giúp nên cũng phải đảm bảo uy tín với họ. Tuy nhiên bản thân tôi và các chị em khi gặp những trường hợp như thế thường không chia sẻ với ai, lại càng không dám nói với người nhà người bệnh. Thành ra đột nhiên bỏ việc chúng tôi cũng mất uy tín lắm.
Nhiều khi những mối quen trước đây họ không dám gọi vì sợ chúng tôi lại bỏ việc giữa chừng khiến họ mang tiếng với người nhờ. Thú thực, chuyện này đâu phải dễ dàng nói ra bởi nếu không cẩn thận, mình lại mang tiếng đặt điều nói xấu. Thực tế là đã có trường hợp như vậy rồi. Tuy không phải là người của nhóm tôi nhưng tôi có nghe kể lại từ một đồng nghiệp làm ở bệnh viện Việt Đức”, chị Nh. cho biết.
Theo lời kể của chị Nh., vì bức xúc chuyện bị bệnh nhân sàm sỡ, đồng nghiệp của chị đã làm toáng lên. “Có lẽ vì muốn giữ thể diện nên con cháu người bệnh không những không thừa nhận mà còn nói đồng nghiệp của tôi đặt điều, dựng chuyện cho người thân của họ. Thậm chí, họ còn đổ cho chị này lười không chịu làm nên lấy cớ chứ người nhà của họ già rồi, lại nằm liệt giường thì sao có thể làm như vậy?
Suýt chút nữa thì đồng nghiệp của tôi còn không được trả tiền công. Sau chuyện này, chúng tôi tự nhủ với nhau, nếu có gặp phải trường hợp như thế thì cứ lẳng lặng mà nghỉ, sau đó viện lý do này nọ để đòi tiền công. Như thế thuận cả đôi đường, người nhà bệnh nhân vừa không nói gì được mà mình cũng thoát được khỏi lão dê già”, chị Nh. cho biết thêm.
Kinh nghiệm đối phó “dê xồm” Khi được hỏi về chuyện này, một nữ “osin bệnh viện” tại viện Lão khoa cho biết: “Đây không phải là chuyện hiếm khi làm nghề này nhưng rồi cũng phải quen thôi. Thường thì chúng tôi bỏ việc vì khó chịu với thái độ của người bệnh, vì họ không tôn trọng mình chứ không phải sợ hãi. Chúng tôi kể cho nhau nghe để rút kinh nghiệm khi ứng xử lúc gặp tình huống đó thôi”. |
LẠC THÀNH - PHẠM THIỆU
Xem thêm video:
[mecloud]pIr0dr85SR[/mecloud]