Người hâm mộ cho rằng cảnh Vũ cầu hôn Thư là môt trong những cảnh sến sẩm, nhiều "sạn" nhất tập cuối phim Về nhà đi con.
Chi tiết Vũ ném ô xuống biển gây nhiều tranh cãi. |
"Về nhà đi con" - bộ phim về đề tài gia đình của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã khép lại ở tập 85 sau hơn 4 tháng gây "bão". Phim đã chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả. Chính vì vậy mà khi hay tin bộ phim kết thúc ở tập 85, đông đảo người hâm mộ lại ngóng chờ và vẽ ra nhiều cái kết bất ngờ.
Thế nhưng, đúng là càng mong đợi, càng hi vọng bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu. Những gì diễn ra ở tập cuối, phát sóng tối 12/8 lại là một mô-típ cũ, không kịch tính, không bất ngờ. Đáng nói, phim cũng bị chê là làm hời hợt, không đến nơi đến chốn.
Có thể khẳng định, màn cầu hôn của Vũ lãng mạn, ngọt ngào nhưng còn nhiều chi tiết gây mất điểm. Trước tiên, Vũ đã cầu hôn Thư bên bờ biển, giữa nắng và gió. Họ từng ghét nhau, từng chẳng “đội trời chung”, nhưng nay Vũ quỳ trước chân Thư, nói lời mật ngọt. “Mẹ cu Bon làm vợ anh nha”, chất giọng của chàng trai phương Nam đã làm xiêu lòng cô gái Bắc. Thư xúc động, mắt hoen lệ.
Đó là một cảnh quay được nhiều người chờ đợi. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả chia sẻ rằng xem phim, họ bỗng nhớ lại màn cầu hôn của chính mình năm nào. Họ như thấy mình trong Vũ, trong Thư.
Nhiều người đã "soi" chi tiết Vũ ném ô xuống, và cho rằng hành động đó không đẹp mắt. Không ít người tiếc nuối, giá như Vũ để ô sang một bên, thì khán giả sẽ thích thú và thán phục anh biết chừng nào.
Hay như chi tiết Vũ quỳ cả hai chân để cầu hôn Vũ cũng bị khán giả chê kém sang. Nhiều người cho rằng khi cầu hôn chỉ nên quỳ 1 chân.
Chi tiết mất điểm nhất có thể kể đến chi tiết cây cổ thụ xuất hiện trong màn cầu hôn. Nhìn qua thôi cũng có thể thấy chiếc cây này là giả. Cây giả vô tình khiến cảnh cầu hôn lãng mạn trở nên hài hước, tức cười, thiếu nghiêm túc.
Màn cầu hôn kém lãng mạn khi khán giả tinh mắt phát hiện ra cây giả. |
Trước những phản ứng trái chiều của khán giả, Quốc Trường cho biết anh bất ngờ. "Tôi nghĩ đoàn phim đã làm việc nghiêm túc, chỉn chu. Các cảnh quay trong tập cuối khiến cả đoàn phải suy nghĩ, đắn đo nhiều. Tôi nghĩ một cái kết như hiện tại là vừa đủ, nhẹ nhàng và hợp lý" - Anh khẳng định.
Nói về cảnh cầu hôn có nhiều sạn, Quốc Trường lý giải trên Tri thức trực tuyến: "Trong kịch bản, cảnh cầu hôn của Thư và Vũ diễn ra ngay tại cửa hàng bán đồ thể thao. Tuy nhiên, mọi người sợ cảnh cầu hôn như thế sẽ làm khán giả thất vọng nên cuối cùng đưa ra quyết định phải quay ở bãi biển. Với bó hoa dại, nơi hoang sơ như thế để nói lên Vũ và Thư bắt đầu tình cảm từ sự tự nhiên và đơn giản nhất".
Quốc Trường thừa nhận đoàn phim đã sử dụng kỹ xảo, tạo cây giả. "Thú thực, chỗ tôi và Bảo Thanh quay cảnh cầu hôn có một cái trụ điện. Nhưng đoàn phim muốn khung cảnh lãng mạn hơn nên dùng kỹ xảo" - Anh cho biết.
Tập cuối bộ phim quốc dân cũng khiến khán giả "lắc đầu" về phân cảnh trong bữa tiệc cuối.
Tham dự bữa tiệc (có thể nói là đám cưới đơn giản của Thư và Vũ), Dresscode của các khách mời cũng rất kém duyên.
Khán giả cho rằng các nhân vật thiếu sự đầu tư từ trang phục cho đến lối diễn. |
Không hiểu đám cưới lần hai của Thư - Vũ được tổ chức theo phong cách Âu hay Á mà khách mời ăn mặc loạn xạ. Bà Giang (NS Ngân Quỳnh) thì mặc đầm đỏ, một sự kết hợp khó hiểu giữa phong tục cưới Việt Nam với chiếc váy dự tiệc kiểu châu Âu.
Ông Luật, chị Huệ, và bố Sơn thì mặc đồ trắng, theo phong cách đám cưới châu Âu. Dương và Thư thì mặc đồ... đen không hiểu là phong cách cưới hỏi của vùng nào.
Đặc biệt, Thư - cô dâu thì mặc váy đen, còn chú rể thì mặc vest màu... xanh da trời. Không ăn nhập gì với nhau cả. Ông Quốc tới muộn lại còn mặc vest màu... xanh đen?
Xâu chuỗi các chi tiết lại, có thể thấy tổng thể tập cuối "Về nhà đi con" khá mất điểm trong lòng một số người xem.
Mỹ An (T/h)