(ĐSPL) - Để có cơ ngơi đồ cổ như ngày hôm nay, linh mục Triết đã phải mày mò, tìm kiếm hàng mấy chục năm trời.
Chẳng phải để kinh doanh, vị linh mục này sưu tầm hàng ngàn chiếc đèn dầu cổ chỉ để mong các thế hệ mai sau được chiêm ngưỡng lại những thứ mà cha ông đi trước đã tạo lập. Có người đã ví ông như một vị “thần đèn”.
Đường đời và cơ duyên của “thần đèn”
Khi ánh điện chiếu sáng chưa phổ biến như bây giờ thì những chiếc đèn dầu là vật không thể thiếu được trong cuộc sống của con người. Bước sang thế kỷ XX, sự phát triển của mạng lưới điện khiến những chiếc đèn dầu không còn giữ vị trí độc tôn trong việc chiếu sáng. Càng về sau, với sự hoàn thiện của mạng lưới điện cũng như sự xuất hiện của nhiều loại thiết bị chiếu sáng dự phòng, những chiếc đèn dầu dần biến mất khỏi các gia đình, đặc biệt là tại những thành phố lớn.
Những chiếc đèn dầu cổ với nhiều hình dáng, là hiện thân của nhiều nền văn hóa, nhiều thời kỳ lịch sử. |
|
Tưởng như những chiếc đèn dầu đã bị ánh điện “vùi dập” và mãi mãi đi vào quá khứ, thì có một người đã góp nhặt chúng lại, chỉ bởi một mục đích duy nhất là giúp các thế hệ sau có thể biết được những thành tựu của cha ông còn lưu giữ thông qua những chiếc đèn dầu cổ. Người mà chúng tôi đang nhắc đến là linh mục Nguyễn Hữu Triết (SN 1945) hiện là Chánh xứ Tân Sa Châu, ngụ quận Tân Bình, TP. HCM.
Linh mục Nguyễn Hữu Triết tìm đến với những ngọn đèn dầu vì nó đã thắp lên ánh sáng cho đời và cũng chính là tìm đến dòng ánh sáng vẫn cháy trong tâm tưởng. Ông bảo: “Tôi có ý sưu tập đèn bởi đèn gần gũi với đời sống con người. Dân tộc nào cũng cần đèn, cần đến ánh sáng mà ngọn đèn mang lại”.
Được biết, ông đã đi theo niềm đam mê sưu tầm đèn cổ cũng một phần bắt đầu từ chân lý về ánh sáng mà ông rút ra. Công cuộc tìm kiếm những chiếc đèn cổ của cha Triết được bắt đầu từ năm 1994. Đi đến đâu, dù trong hay ngoài nước, hễ tìm được chiếc đèn xưa cũ ông lại mua mang về.
Hỏi cơ duyên nào đưa linh mục Triết đến với thú sưu tầm đèn dầu cổ, ông cho biết: “Cách đây hơn 20 năm, khi vị giáo xứ già qua đời, tôi dọn dẹp phòng của ông thì vô tình nhìn thấy có sáu chiếc đèn dầu cũ. Quý trọng những hiện vật của người đã khuất, tôi bắt đầu tìm tòi nghiên cứu về đèn dầu cổ”.
Linh mục Nguyễn Hữu Triết. |
|
Để làm giàu cho bộ sưu tập đèn dầu cổ của mình, đi đến đâu ông cũng hỏi mua những cây đèn dầu mà người khác không dùng đến. Có cái giá rẻ, nhưng cũng có cái hàng chục triệu đồng. Góp nhặt những đồng tiền tiết kiệm được, linh mục Triết mua đèn dầu cổ về trưng bày trong “bảo tàng” do chính ông gây dựng. Suốt 22 năm đam mê và tìm tòi, hơn một nghìn đèn dầu cổ và di vật từ đèn dầu của linh mục Nguyễn Hữu Triết được xem như kho tàng quý lưu giữ nét văn hóa truyền thống vùng miền của Việt Nam và nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nổi bật là cây đèn gốm Sa Huỳnh có niên đại hơn 2.500 năm.
Trong không gian sống chật hẹp, ông không thể giới thiệu hết bộ sưu tập khổng lồ của mình. Có tận mắt chứng kiến, mới cảm nhận được sự quy mô của bộ sưu tập đèn cổ của linh mục Triết. Có chiếc đèn được làm từ thời Đông Sơn, thời Lý, Trần, Lê, Mạc... lại có chiếc xuất xứ từ nền văn minh Ả Rập. Những chiếc đèn bằng sứ thời nhà Lý chỉ là một chiếc đĩa đơn giản, đến những chiếc đèn Pháp chứa được 7,5 lít dầu, chiếc đèn Ấn Độ cao 1,5m, có tới 5 ngọn.
Rồi có chiếc đèn bằng sứ thời vua Đạo Quang (nhà Thanh, Trung Quốc) và cả những chiếc đèn Chăm-pa của các thế kỷ VII, VIII. Đó còn là những chiếc đèn cổ của các nước Nhật, Anh, Mỹ, Đức, Malaysia... Những chiếc đèn cổ trong và ngoài nước đều góp mặt nơi đây làm phong phú cho bộ sưu tập đèn cổ này.
Linh mục Triết chia sẻ: “Thế hệ trẻ sinh ra ngày nay vừa mở mắt ra đã nhìn thấy bóng đèn điện, có những em bé không biết được chiếc đèn dầu hình thù ra sao. Và vô tình, chúng không cảm nhận được cuộc sống của con người một thời qua ánh đèn dầu. Tôi lưu giữ những chiếc đèn cổ để cho mọi người cùng chiêm ngưỡng”.
Ánh sáng của nghìn năm
Không thừa nhận là nhà sưu tập, linh mục Triết cho rằng, mình chỉ là một người đi nhặt những chiếc đèn cũ và mang về, đơn giản đó như là một thói quen. “Với tôi, sưu tập là một niềm vui, nhất là khi sưu tập được một hiện vật mình ưa thích, niềm vui đó được nhân lên gấp đôi. Khi cổ vật được đưa ra cho mọi người thưởng lãm thì niềm vui đó lại được nhân lên gấp ba, bốn lần”, linh mục Triết chia sẻ.
Chính vì niềm vui ấy mà linh mục Nguyễn Hữu Triết đã đi qua một chặng đường dài gần 22 năm của cuộc đời mình bằng những chuyến hành trình “nhặt nhạnh” đèn dầu cổ chưa có hồi kết. Ngày tháng cứ mải miết trôi đi, những chiếc đèn dầu cổ lại được tìm thấy và mang về, bộ sưu tập của ông càng nhiều thêm.
Trò chuyện với vị linh mục, chúng tôi như cảm nhận được dẫu tuổi tác có làm ông mòn sức, nhưng đam mê sưu tầm vẫn không thể nguội đi. Hơn 1.400 chiếc đèn cổ trong ngần ấy thời gian sưu tầm, dù là chưa đủ nhưng linh mục Triết đã đưa người thưởng ngoạn trở về từng thời kỳ phát triển, sự phồn thịnh và suy vong của biết bao thời đại, vương triều.
Bằng những cây đèn dầu cổ vô tri, linh mục Triết đã đưa mọi người đi từ nền văn hóa Đông Sơn đến văn hóa Óc Eo. Từ các loại gốm triều đại Lý, Trần, Mạc, Lê... đến gốm Bát Tràng, Chăm pa, Thanh Hóa, Sài Gòn, Nam Bộ... Mỗi chiếc đèn dầu không chỉ đơn thuần là vật dụng dùng trong sinh hoạt gia đình mà nó còn thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo linh mục Triết, những chiếc đèn cũng ẩn chứa trong đó những góc khuất của cuộc sống ngày xưa. Nhìn những dáng đèn ngàn năm, ông có thể thấy được cả lịch sử, tôn giáo, kinh tế và văn hóa của những thời đại, những nền văn minh đã cách xa hàng thế kỷ.
Dù mất bao công sức sưu tầm, bỏ không ít tiền của và thời gian, nhưng linh mục Triết không giữ cho riêng mình mà có nguyện vọng đem bộ sưu tập của mình phục vụ mọi người. Hiện giờ, gần 1.000 cây đèn trong số hơn 1.400 cây đã được ông chuyển cho giáo phận TP. HCM và thánh địa La Vang để mọi người có thể thưởng ngoạn. Những cây đèn tưởng chừng vô tri, nhờ sự chắp nhặt của linh mục Nguyễn Hữu Triết như được thắp lên một luồng ánh sáng mạnh mẽ cho thế hệ ngày nay soi rọi.
Xác lập kỷ lục Việt Nam Với bộ sưu tập của mình, linh mục Nguyễn Hữu Triết đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Bộ sưu tập đèn cổ nhiều nhất Việt Nam. Ngoài đèn dầu cổ, gia tài cổ vật của cha Triết còn rất phong phú với nhiều món đồ độc đáo khác. Linh mục Triết còn có bộ sưu tập 27 bản Kiều chữ Nôm quý giá, với hơn 1.500 hiện vật, 170 đầu sách Kiều bằng nhiều thứ tiếng Hàn Quốc, Pháp, Đức, Rumani, Nhật... Ngoài ra, ông còn có bộ sưu tập theo chủ đề văn hóa trầu cau, với hàng trăm bình vôi đặc sắc, cùng một số hiện vật quý hiếm khác như đồ đồng Đông Sơn, đồ gốm sứ, tranh sơn dầu... Bộ sưu tập có giá trị to lớn Ông Nguyễn Văn Phẩm, Phó Chủ nhiệm CLB cổ vật TP. HCM cho biết: “Bộ sưu tập đèn dầu cổ của linh mục Triết có giá trị rất to lớn. Cha Triết không chỉ sưu tầm các loại đèn có xuất xứ từ Pháp, Mỹ hay một số quốc gia châu Âu như nhiều người vẫn làm. Cha sưu tầm đèn cổ của một chuỗi dài nền văn minh nhân loại, các loại đèn từ thời kỳ Đông Sơn, qua thời Lý, Trần, Lê rồi xuyên suốt các thời kỳ lịch sử. Là bộ sưu tập đèn dầu đầy đủ nhất qua các thời kỳ, thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau. Nếu không có những bộ sưu tập như thế thì thế hệ con cháu chúng ta sẽ rất thiệt thòi, vì chúng không biết được cha ông chúng đã trải qua cuộc sống như thế nào khi chưa có sự phổ biến của ánh điện như hiện nay”. |
CÔNG THƯ
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-an-thoi-gian-trong-bo-suu-tap-den-co-nghin-nam-tuoi-a91248.html