(ĐSPL) - Cụ Nguyễn Đức Cần đã chữa khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân nghèo mà không cần đến thuốc. Khi ấy nhiều người đã coi cụ như “phù thuỷ” và đến khi cụ mất, quanh mộ của cụ nhiều người vẫn đến thiền hấp thu năng lượng để chữa bệnh.
Thoát chết nhờ lá đạo hoá trước phòng hồi sức
Nhà văn hoá tâm linh Nguyễn Đức Cần là cái tên vô cùng nổi tiếng trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Ông không chỉ là một vị lương y chữa bệnh tài tình, thương người nghèo mà còn là một nhân vật gây chú ý trong giới nghiên cứu lĩnh vực tâm linh. Ông có khả năng chữa bệnh không dùng thuốc. Nhờ phương pháp chữa bệnh này đã có hàng nghìn người khỏi bệnh mà không tốn bất kỳ một đồng nào. Cuộc đời và thân thế của cụ cũng chứa nhiều điều bí ẩn. Sau khi cụ mất, vẫn còn những điều bí ẩn mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể lý giải được.
Cụ Nguyễn Đức Cần – một lương y giàu lòng nhân ái và khả năng chữa bệnh kỳ bí (Ảnh tư liệu). |
Cách chữa bệnh của lương y Nguyễn Đức Cần rất đặc biệt: Không dùng thuốc và có thể chữa từ xa nhưng có tác dụng tốt với nhiều loại bệnh như thần kinh, dạ dày, xơ gan, thấp khớp, liệt, câm, điếc, hen suyễn... Nhưng trên hết, cụ chữa bệnh mà không hề lấy tiền hay quà cáp của bất cứ ai. Ngoài ra, vừa chữa bệnh, cụ vừa dạy mọi người phải sống có đức, nhận ra lỗi lầm của mình mà sửa sai, hướng thiện, khiến các bệnh nhân vô cùng yêu mến cụ. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến khả năng, tâm đức của cụ mà tìm đến mong được giúp đỡ.
Trong công trình nghiên cứu của mình, Thiếu tướng – nhà nghiên cứu Nguyễn Chu Phác không ít lần nhắc tới người thầy của mình – lương y Nguyễn Đức Cần với những câu chuyện chữa bệnh kỳ bí nhưng cũng đậm tấm lòng nhân ái của một lương y.
Ông Nguyễn Quang Chiểu, nguyên Giám đốc nhà máy Cơ khí Nông nghiệp từng được lương y Nguyễn Đức Cần điều trị. Ông Chiểu bị ốm nặng, phải nằm viện điều trị tại Bạch Mai và phải cắt ba phần tư dạ dày. Từ đó, ông luôn gặp phải những bệnh rắc rối. Sau đó, ông lại phải mổ mật, bác sỹ nói rằng mật ông đã bị sưng to, gấp tắc mật, nhưng chưa rõ nguyên nhân. Sau khi mổ, bệnh nhân phải chuyển xuống phòng hồi sức, tại đó, tình trạng bệnh nhân hết sức nguy kịch và di căn lên não, dường như chẳng còn một phần nào sống nữa. Gia đình tuyệt vọng, chuẩn bị cho việc hậu sự, thậm chí đã đi mua quan tài cho ông Chiểu.
Thật may sau đó, con trai ông cùng một người quen đến gặp cụ Cần. Cụ đã nhận lời và đưa một lá đạo cho con trai ông đem về và hoá lá đạo đó trước cửa phòng hồi sức. Kỳ lạ thay, khi hoá xong, bệnh nhân đã hé mở được mắt và người đã ấm dần lên. Nhờ cụ Cần, từ chỗ chẳng còn một hy vọng nào sống được, bệnh nhân đã chết lâm sàng nhưng dần dần tỉnh dậy, ăn cơm được, rồi đi lại được và hơn mười ngày sau thì xuất viện trở về với gia đình. Sau khi trở lại làm việc, một hôm ông giám đốc lên thăm cụ tại Đại Yên, Hà Nội. Lúc ấy, đang là mùa hè nóng nực mà lại thường xuyên mất điện, nhà cụ thì đông khách, lúc nào tay cụ cũng cầm chiếc quạt phe phẩy cho đỡ nóng. Thấy vậy, hôm sau ông giám đốc mang đến nhà biếu cụ một chiếc máy phát điện. Thế nhưng cụ Cần từ chối nói: “Cảm ơn ông đã cho nhưng thôi, ông cứ mang về mà dùng, ở đây tôi chưa cần”. Nghe vậy, ông giám đốc năn nỉ tiếp thì cụ lại thẳng thừng từ chối và nói với mọi người: “Nếu mình không chịu khổ, mình muốn ngồi mát mà dân đến đây còn phải chịu nóng cả thì còn cứu được với ai”.
Tạ thế nhưng vẫn cứu đời?
Vào năm 1980, một bệnh nhân được bác sỹ kết luận là ung thư lưỡi và cho tiêm thuốc để điều trị. Nhưng bệnh không thấy thuyên giảm và ngày càng nặng thêm. Ngoài việc thuốc thang không khỏi, gia đình nghe bà con mách bảo đã đi lễ bái khắp nơi và bốc bát nhang thờ cúng. Đầu tiên, họ bốc hai bát hương thờ, dần dần thành sáu bát và lập thêm một bát hương ở ngoài trời. Hàng ngày phải hương hoa, ngày rằm, mùng một phải sửa lễ một lần là bảy con gà, thậm chí phải đưa lễ bằng một lượng vàng và tiền mặt. Gia đình tiến hành song song hai việc là lễ bái ở bệnh viện và lễ bái thường xuyên nhưng bệnh tình của người ấy vẫn không thuyên giảm.
Cụ Cần chữa bệnh cho người dân (Ảnh tư liệu). |
Khi ấy, bác sỹ Dậu ở bệnh viện K đã mách bảo cho gia đình tìm đến gặp lương y Nguyễn Đức Cần. Gia đình coi đây như con đường duy nhất để cứu mạng sống cho thành viên của gia đình mình. Chỉ hai tháng sau khi được cụ Cần nhận chữa bệnh, bệnh của người này đã thuyên giảm, người này còn có thể đạp xe đi hàng chục cây số về thăm quê.
Qua việc chữa bệnh, cụ Cần còn giúp người bệnh thấy được những lỗi lầm của họ mà sửa sang tính nết “ăn ở đối xử làm sao cho đúng nghĩa”.
Một lần khác, có một quan chức khác đến xin ý kiến cụ về chuyện thưa kiện. Quan chức này có quyền thế, nhưng có một cậu con trai không chịu học hành mà chỉ đua đòi chúng bạn ăn chơi, cờ bạc. Hết tiền, cậu lại về moi của bố mẹ. Một lần bị bố mẹ mắng mỏ thậm tệ, cậu con trai vác dao chém bố mẹ. Các em vào can ngăn, cậu ta chém cả các em. Hàng xóm gọi công an đến, hắn chém cả công an. Một anh công an trẻ rút súng ngắn ra để dọa chẳng may súng bị cướp cò. Cậu con trai phải đi cấp cứu, rồi tử vong. Mọi người xui gia đình phát đơn kiện công an. Trước khi đi kiện, gia đình này có lên hỏi cụ Cần thì được cụ cho hay: “Gia đình bị quả báo nặng lắm, đáng lẽ phải đi vài mạng nữa. Nay cháu nó gánh cho cả nhà rồi. Thôi đừng kiện nữa”. Thế là gia đình này nghe lời cụ không đâm đơn kiện tụng nữa.
Sinh thời, cụ Cần trong lần nói chuyện với Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã chia sẻ, cụ chữa bệnh bằng cái đầu của mình, nhưng người ta cứ bảo cụ là “phù thuỷ”. Chính cách chữa bệnh không giống ai của cụ đã khiến nhiều người đồn đại như vậy. Nhưng về sau, người đời hiểu mong muốn được cứu đời của cụ Trưởng Cần nhiều người đã gọi… “ngài phù thuỷ” nổi tiếng.
Ngày 30/4/1974, sau nhiều đồn đoán, các cơ quan chức năng đã tiến hành quay phim hai ca chữa bệnh của cụ với sự phản biện của các bác sỹ công nhận việc chữa bệnh của cụ đã cho kết quả ban đầu. Đến ngày 4/6/1983, sau khi chữa bệnh cho hai bệnh nhân xong, cụ qua đời một cách nhẹ nhàng.
Sau khi cụ mất, những điều bí ẩn vẫn chưa thể lý giải bởi các nhà nghiên cứu và khoa học. Nhiều người đã đến quỳ lạy xung quanh mộ cụ. Người thì đến để tưởng nhớ ân nhân của mình, người thì đến để “hấp thụ” nguồn năng lượng từ ngôi mộ để giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật... Người ta đồn rằng, ngôi mộ ấy có một nguồn năng lượng đặc biệt, có thể chữa bách bệnh mà không cần đến thuốc thang gì.
Bộ môn nghiên cứu năng lượng sinh học của những người có khả năng đặc biệt thuộc trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã nghiên cứu về hiện tượng cụ Nguyễn Đức Cần. Đã có một vài điểm bắt đầu được sáng tỏ. Đặc biệt, dù cụ Nguyễn Đức Cần mất đã được hơn 30 năm, nhưng theo nghiên cứu gần đây của một số nhà cảm xạ, mộ cụ có chỉ số năng lượng địa sinh rất cao, chỉ số Bôvit lên tới hơn 16.000 đơn vị. Chỉ số này có thể tác động tốt đến sức khoẻ con người. Các nhà khoa học đang quan tâm theo dõi hiện tượng này.
Khi bàn về lương y Nguyễn Đức Cần, Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu từng nhận định: “Cụ Nguyễn Đức Cần không chỉ để lại những ân tình sâu sắc trong lòng đông đảo người bệnh được cụ cứu sống mà quan trọng hơn là cụ đã để lại cho dân tộc ta sự nhận thức về sức mạnh kỳ lạ của tâm linh. Thành công của cụ, nếu được đi sâu tìm hiểu, có thể khẳng định tiềm năng vô tận của con người Việt Nam trước mọi thử thách của thiên tai địch họa, trước mọi sự khủng hoảng và rối ren của cả xã hội và thiên nhiên trong thời đại ngày nay”.
KIM THY
Xem thêm clip: Lương y 21 năm chữa bệnh miễn phí