(ĐSPL) - Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã gặp người đăng tải những bức ảnh thức ăn bẩn vào trường học và bất ngờ khi biết chị chính là đầu bếp trưởng kỳ cựu của công ty Cổ phần suất ăn Công nghiệp Hà Nội.
5 năm làm bếp trưởng, chứng kiến bao sự bất bình
Chị Nguyễn Thị Bích Hậu trao đổi với PV. |
Chị Chu Thị Bích Hậu (SN 1979) là người đã đăng tải những bức ảnh trên mạng xã hội, PV đã gặp chị để tìm hiểu thực hư sự việc. Chị Hậu chính là bếp trưởng đã làm ở công ty Cổ phần suất ăn Công nghiệp Hà Nội được 5 năm. Trong quá trình làm việc, chứng kiến nhiều sự bất bình về thức ăn cung cấp cho học sinh tiểu học, cùng với việc bất mãn với công ty trong quá trình lao động về lương bổng và các chế độ đãi ngộ, chị Hậu đã đứng ra, vạch trần những khuất tất của công ty trong suốt thời gian hoạt động.
Công ty Cổ phần suất ăn Công nghiệp Hà Nội (hanoi catering.,JSC) được thành lập vào ngày 08 tháng 4 năm 2008. Công ty chuyên sản xuất và chế biến suất ăn công nghiệp, bao gồm những việc như sản xuất, mua bán hàng nông sản, lương thực, thực phẩm. Theo chị Hậu, công ty chuyên cung cấp suất ăn cho hơn 35 trường tiểu học và mầm non ở khu vực hai huyện Gia Lâm và Thanh Trì trên địa bàn Hà Nội.
Được biết, công ty hiện có hơn 200 công nhân, mỗi trường tiểu học mà công ty đảm nhận việc cung cấp thức ăn, sẽ có một đầu bếp chính, làm nhiệm vụ chế biến và nấu nướng. Nhưng theo lời chị Hậu, tất cả những bếp trưởng của công ty đều không được đào tạo bài bản và không ai có bất cứ một bằng cấp gì trong nghề. Khi được hỏi về bằng cấp của chị Hậu, chị thừa nhận mình cũng không có bằng cấp, chỉ có kinh nghiệm làm việc từ những nhà hàng trước đây, rồi từ đó ứng tuyển vào công ty Cổ phần suất ăn Công nghiệp Hà Nội.
Thực đơn khẩu phần ăn của học sinh. |
Chị Chu Thị Bích Hậu làm công nhân cho công ty bắt đầu từ ngày 21/9/2010 cho đến tháng 3/2015. Trong khoảng 5 năm làm việc, từ phụ bếp cho đến khi lên bếp trưởng, chị đã từng đứng ở các bếp thuộc những trường tiểu học như trường tiểu học Yên Viên, trường tiểu học Nông nghiệp, trường tiểu học Ninh Hiệp… chế biến và nấu nướng cho học sinh tiểu học ở các trường được giao, chị đã chứng kiến nhiều lần thực phẩm bẩn, không có giấy tờ kiểm dịch rõ ràng, được sử dụng để chế biến làm thức ăn cho học sinh tiểu học.
Thức ăn ôi, thối biến thành “món tủ” của học sinh
Trao đổi với chị Chu Thị Bích Hậu được biết: “Công ty thường xuyên sử dụng những thực phẩm được mua ở các chợ đầu mối, không có giấy tờ kiểm dịch rõ ràng, hơn nữa, chất lượng thực phẩm ở đây thường không được đảm bảo”.
Theo chị Hậu, những bức ảnh chị chụp được là trứng cút, được công ty nhập về để làm món thịt kho trứng cút của thực đơn ngày thứ Sáu tại trường tiểu học Nông nghiệp. Trứng cút nhập về đã chín, được bóc vỏ và bỏ tủ đá, có nhiều quả bị thâm lại, chuyển sang màu xanh xám. Nhưng qua bàn tay của người đầu bếp, chúng lại trở thành món trứng cút rim rất thơm ngon và hoàn toàn không hề có mùi hôi.
Còn đối với thịt gà thì chủ yếu là thịt gà công nghiệp đông lạnh, được để tủ đá và phải rã đông hàng tiếng đồng hồ trước khi chế biến. Ngoài ra, chị Hậu còn cung cấp những hình ảnh về những miếng chả trước và sau khi chế biến. Theo như lời người đầu bếp này, những miếng chả đã bốc mùi hôi, ăn vào rất bở. Không biết nên chế biến thế nào, chị đã được quản lý tư vấn bằng việc mang tất cả rán lên. Hình ảnh trước và sau khi chế biến, hoàn toàn không ai có thể nghĩ rằng chúng là một.
Ngoài những món ăn chính có trong thực đơn, chị Hậu cũng cho biết, công ty còn cung cấp sữa và các món ăn phụ khác. Nhưng có nhiều trường hợp, công ty sử dụng sữa cận “date” phục vụ học sinh. Khi được phát hiện, công ty đã nhanh chóng đổi lại sữa khác.
Công ty còn đề cao khẩu hiệu tiết kiệm đến mức tối đa trong nấu nướng. Theo mục tiêu đó, tất cả những loại gia vị để nấu nướng cũng được đóng gói thành các bao tải, được trộn sẵn và không có nhãn mác, xuất xứ. Dầu ăn được tái sử dụng rất nhiều lần với mục đích tiết kiệm.
Một đầu bếp khác đã có kinh nghiệm làm việc 3 năm cho công ty Cổ phần suất ăn Công nghiệp Hà Nội, chị Phạm Thị Thúy (SN 1966) hiện nay đã nghỉ việc cũng cho hay: “Có nhiều khi, trứng được công ty sử dụng còn bị thối, nhưng với công việc thì mình cần phải chế biến sạch sẽ. Rau xanh cũng không được tươi ngon lắm, có khi còn bị giập, nát”.
Ngoài ra, chị Thúy cũng cho biết, ngoài sữa thì xúc xích và đôi khi là cá ba sa mà công ty sử dụng rất nhiều lần toàn là hàng cận date, chỉ còn khoảng mấy ngày nữa thì hết hạn sử dụng, cũng được dùng làm thức ăn cho học sinh tiểu học. Khi phóng viên thắc mắc, tại sao không phản ánh lại với những người có trách nhiệm, chị Thúy cho rằng, những người đầu bếp như chị Thúy cùng những phụ bếp khác, vì công việc và đồng lương ít ỏi nên phải chế biến, không dám có những phản hồi lại với công ty và ban lãnh đạo nhà trường.
Quy trình một ngày làm việc của chị Hậu, chị Thúy và hơn 200 công nhân khác bắt đầu từ khoảng 5h sáng. Khi xe thực phẩm được giao đến các trường, bếp trưởng cùng những phụ bếp được phân công bắt đầu công việc của mình. Thức ăn được sơ chế xong, bếp trưởng sẽ là người chế biến và nấu nướng thành những món ăn theo đúng thực đơn đã được định sẵn. Sau đó, tất cả thức ăn sẽ được chia đều cho tất cả học sinh qua những khay đựng. Đến khoảng 2h chiều là lúc kết thúc tất cả công việc. Mặc dù được ăn trưa tại trường, nhưng theo lời chị Hậu, tất cả mọi người trong tổ nấu nướng, đều từ chối ăn trưa mà về nhà hoặc chuẩn bị sẵn thức ăn.
Thắc mắc về thực đơn dành cho các em học sinh tiểu học mà công ty phục vụ, người đầu bếp này đã đưa ra bản thực đơn trong tuần cuối cùng mà chị làm việc tại trường tiểu học Nông nghiệp (Gia Lâm – Hà Nội). Bản thực đơn tuần 27, năm học 2014 – 2015, từ ngày 2/3/2015 đến ngày 7/3/2015. Theo đó, tất cả những món chính từ thứ Hai đến thứ Sáu, chỉ toàn những món liên quan đến thịt lợn, thịt gà, mà không có bất cứ thực phẩm nào liên quan đến hải sản. Các món chính bao gồm thịt rim nước mắm, thịt rang mặn ngọt, gà rim mắm tỏi, thịt rang xì dầu... liên tục từ thứ Hai đến thứ Sáu, bên cạnh đó, những món canh cũng là những món liên quan đến thịt như canh cải nấu thịt bằm, dưa chua thịt bằm, canh củ quả hầm xương…
Thực tế, học sinh tiểu học với độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi cần xây dựng chế độ ăn hợp lý và dinh dưỡng, ngoài ra còn cần đa dạng và phong phú các bữa ăn để tránh gây nhàm chán cho trẻ.
Chị Hậu, đầu bếp có kinh nghiệm làm việc 5 năm cho công ty Cổ phần suất ăn Công nghiệp Hà Nội cho hay, với thực đơn mà công ty cung cấp dành cho trẻ tiểu học, thì bữa ăn quá nghèo nàn với chỉ các món toàn thịt, rất ít khi có cá hoặc tôm trong thực đơn, rất dễ gây nhàm chán cho trẻ. Chị Thuý cho rằng, suất ăn quá nghèo nàn dinh dưỡng và không cân bằng nên không cung cấp các chất cần thiết cho trẻ. Cũng theo chị Hậu, mỗi ngày, công ty Cổ phần suất ăn Công nghiệp Hà Nội cung cấp khoảng 17.000 đến 18.000 suất ăn cho học sinh tiểu học các trường thuộc địa bàn hai huyện Gia Lâm và Thanh Trì.
Không dám nói thật vì sợ mất việc Nhiều năm làm thức ăn kém chất lượng cho trẻ nhưng đến khi nghỉ việc các đầu bếp mới dám nói lên sự thật. Những nhân chứng đều nói: Vì sợ bị mất việc, thất nghiệp nên phải nhắm mắt cho qua. Chị Hậu cho rằng, lương tâm chị bị cắn rứt rất nhiều. Mặc dù nấu ăn cho học sinh được 5 năm, nhưng chưa có bất cứ vụ ngộ độc nào xảy ra. Việc cung cấp những thức ăn không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nếu không gây tác hại cho trẻ bây giờ, thì hậu quả để lại về sau cũng sẽ rất lớn. |
NGUYỆT THƯ
Xem thêm clip: Ngộ độc thực phẩm, hơn 130 công nhân Công ty Cy Vina nhập viện