+Aa-
    Zalo

    Bệnh viện trăm tỉ mới sử dụng đã xuống cấp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thi công kéo dài không chỉ đội số tiền đầu tư lên hàng trăm tỉ đồng mà còn làm nhiều hạng mục trong Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Cà Mau xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập.

    Thi công kéo dài không chỉ đội số tiền đầu tư lên hàng trăm tỉ đồng mà còn làm nhiều hạng mục trong Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Cà Mau xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

    Có mặt tại khu nhà kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau ngày 5/11, chúng tôi ghi nhận cảnh trần nhà đổ sập, nhiều ô cột nứt toác, một số ô sàn bị bong tróc lớp bê tông bảo vệ trơ ra cốt sắt, gỉ sét… Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của khu vực nhà kỹ thuật nghiệp vụ bệnh viện này, tỉnh Cà Mau đã thành lập tổ kiểm tra gồm các ngành liên quan để có kế hoạch gia cố.

    Di dời khẩn cấp

    Theo báo cáo của các ngành chức năng, phần bê tông cốt thép của sàn, cột của khu nhà kỹ thuật nghiệp vụ bệnh viện này đang hư hỏng với tốc độ nhanh. Lớp vữa trát trần và bê tông bảo vệ ở nhiều vị trí thuộc sàn tầng 1, 2, 3 của khu nhà có những biểu hiện bong vỡ dù đã được gia cố, sửa chữa nhiều lần vào các năm 2008 và 2011. Nhiều vị trí kết cấu phần thép đã bị ô xy hóa, gỉ sét toàn bộ gần như không còn khả năng chịu lực.
    Bệnh viện trăm tỉ mới sử dụng đã xuống cấp

    Trần nhà khu nhà kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đổ sập (ảnh trên) và tường nhà bong tróc, trơ cốt sắt, gỉ sét.

    Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh Cà Mau yêu cầu bệnh viện nhanh chóng di dời các phòng - khoa và bộ phận kỹ thuật khác đang hoạt động trong hạng mục công trình nhà kỹ thuật nghiệp vụ. Riêng Khoa Giải phẫu, do tính chất phức tạp trong công việc bảo đảm vô trùng và các trang thiết bị kỹ thuật đi kèm thì có thể giữ lại để hoạt động trong thời gian thực hiện sửa chữa nhưng phải khẩn trương di dời và rào che chắn cách ly khu vực sửa chữa.
    Ông Lưu Anh Tài, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết có ít nhất 6 khoa bị ảnh hưởng do chất lượng công trình. “Để bảo đảm an toàn cho công tác điều trị, UBND tỉnh chủ trương cho bệnh viện thuê lại mặt bằng cơ sở hạ tầng của khu dịch vụ để hoạt động” - ông Tài nói.

    Xuống cấp từ lúc thi công

    Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau được khởi công xây dựng vào năm 2000 nhưng đến năm 2009 mới đưa vào sử dụng với quy mô 500 giường, tổng vốn xây dựng 239 tỉ đồng. Đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư xây dựng Cà Mau. Vì thời gian thi công quá dài nên người dân tỉnh Cà Mau hay ví von công trình này là “công trình thập kỷ”.
    Trước đó, tại lễ khởi công, ngành chức năng công bố đây là một công trình y tế lớn có tổng dự toán 65 tỉ đồng, kế hoạch thực hiện xong dự án trong 3 năm. Thế nhưng, trong quá trình thi công, công trình này bị bỏ phế hơn 6 năm làm đội giá lên gấp gần 4 lần. Một số hạng mục đã xây xong bị xuống cấp vì phơi mưa nắng trong thời gian dài, một số hạng mục bị lỗi phải đập đi xây lại nhiều lần gây lãng phí tiền tỉ, nhiều nhà thầu phải bỏ chạy.
    Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết thực tế nhiều hạng mục công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã xuống cấp từ thời điểm đang thi công do bị phơi mưa, nắng 6-7 năm chứ không phải mới xuống cấp sau 5 năm đưa vào sử dụng.
    “Những năm qua, tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng liên tục gia cố khi phát hiện hư hỏng. Gần đây, việc xuống cấp nghiêm trọng nên buộc phải di dời, sửa chữa lại toàn diện những hạng mục xuống cấp. Hiện tại, con số 500 giường bệnh là quá ít so với dân số 1,2 triệu người ở Cà Mau.
    Do đó, tỉnh chỉ đạo xây dựng mới khu nhà kỹ thuật nghiệp vụ; đồng thời sửa chữa, gia cố lại khu nhà đang xuống cấp sao cho bảo đảm an toàn sử dụng để chuyển đổi công năng thành khu khám chữa bệnh với 600 giường. Việc này tỉnh đã chỉ đạo làm ngay và phải làm quyết liệt” - ông Dũng nhấn mạnh.

    Bệnh viện Thể thao Việt Nam vẫn đang hư hỏng

    Trao đổi với phóng viên chiều 7/11, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết Bệnh viện Thể thao Việt Nam (Hà Nội) mới chỉ khắc phục được những hư hỏng trong khu sàn nhà; khu vực xung quanh bệnh viện vẫn đang có hiện tượng lún nứt, ống cống bị gãy nên không thoát nước được. “Dự án sửa chữa khu vực hư hỏng xung quanh bệnh viện vẫn đang được lập đề án để xin kinh phí thực hiện. Nguồn kinh phí có thể từ Bộ Y tế hoặc từ nguồn thu được để lại ở bệnh viện để tự chủ” - ông Thắng nói.

    Theo ông Thắng, Bệnh viện Thể thao Việt Nam được phê duyệt đầu tư 50 tỉ đồng nhưng sau này quyết toán chỉ hết khoảng 43 tỉ đồng. Sau khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kết luận những vi phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng dẫn tới những hư hỏng ở bệnh viện này, việc xem xét kiểm điểm những tập thể, cá nhân liên quan đang được tiến hành.

    “Phần lớn những người có trách nhiệm ở giai đoạn đầu tư xây dựng bệnh viện đã về hưu hoặc chuyển công tác, đơn vị xây dựng thì có nhiều biến động” - ông Thắng giải thích. Ông Thắng cho biết đến nay, cơ quan này đã 2 lần gửi công văn yêu cầu nhà thầu xây dựng bệnh viện trước đây khắc phục những vi phạm nhưng không nhận được hồi âm. Nếu tới đây, nhà thầu tiếp tục chây ì thì tổng cục trưởng Tổng cục TDTT sẽ tiến hành các biện pháp để thu hồi số tiền khoảng 250 triệu đồng. “Việc điều trị, khám chữa bệnh tại bệnh viện không ảnh hưởng gì. Trước đây, bệnh viện được thiết kế 100 giường nhưng hiện nay Bộ Y tế đã đồng ý cho phép nâng lên 150 giường” - ông Thắng nói thêm. T.Kha

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-vien-tram-ti-moi-su-dung-da-xuong-cap-a68149.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan