+Aa-
    Zalo

    Bệnh thận đang trẻ hóa, nhiều người biết bệnh cũng là lúc phải chạy thận cấp cứu

    (ĐS&PL) - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), bệnh nhân suy thận đang dần trẻ hóa, nhiều người biết bệnh cũng là lúc phải chạy thận cấp cứu.

    Ngày 15/9, PGS.TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, theo số liệu thống kê khám sàng lọc, tỷ lệ người dân có khả năng mắc bệnh lý về thận chiếm khoảng 8,75%. Theo đó, cứ 100 người thì có 6-8 người có bệnh lý về thận không có triệu chứng.

    Đặc biệt, phần lớn các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ở các nước trên thế giới đều ở độ tuổi 60-65 tuổi trong khi bệnh nhân mắc suy thận giai đoạn cuối ở Việt Nam đang có dấu hiệu trẻ hóa (dưới 60 tuổi).

    Cũng theo Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất, bệnh nhân suy thận đang dần trẻ hoá. Nếu nguyên nhân gây suy thận của nhóm tuổi 60-65 là do ảnh hưởng bởi bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp thì nguyên nhân gây suy thận của nhóm tuổi trẻ hơn chủ yếu là các bệnh lý cầu thận.

    "Đa số các bệnh lý cầu thận đều không có triệu chứng, thêm vào đó, người dân không có thói quen tầm soát bệnh nên rất nhiều trường hợp bệnh nhân lần đầu tiên biết tới bệnh thận cũng là lần đầu tiên bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo cấp cứu", báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời PGS.TS.BS Nguyễn Bách nói.

    Bệnh thận đang trẻ hóa, nhiều người biết bệnh cũng là lúc phải chạy thận cấp cứu. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

    Bệnh thận đang trẻ hóa, nhiều người biết bệnh cũng là lúc phải chạy thận cấp cứu. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống 

    Liên quan đến các vấn đề về bệnh thận, Báo Tin tức dẫn lời ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, tại Việt Nam có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số.

    Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.

    Theo báo cáo của Bảo hiểm y tế Việt Nam, năm 2022, chi phí thanh toán cho chạy thận nhân tạo hiện đang đứng đầu danh sách chi trả, ước tính lên tới hơn 4.000 tỷ.

    Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế, đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế.

    Tương tự, PGS. TS Võ Thành Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: “Bệnh lý thận là một trong những vấn đề y tế đang được quan tâm hàng đầu trên toàn cầu, không chỉ vì tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng mà còn bởi những hậu quả nghiêm trọng mà nó có thể gây ra cho sức khỏe con người.

    Tuy nhiên, đa số bệnh lý về thận thường diễn tiến âm thầm, khiến nhiều người không nhận ra mình đang mắc bệnh cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Do đó, việc tầm soát và phát hiện sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/benh-than-ang-tre-hoa-nhieu-nguoi-biet-benh-cung-la-luc-phai-chay-than-cap-cuu-a465229.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan