Do không đủ máy móc nên việc xạ trị tại Bệnh viện K phải chia làm 3 ca. Ca muộn nhất của ngày hôm trước kết thúc lúc hơn 3h sáng và 5h sáng lại đã bắt đầu ca xạ mới.
Đến thời điểm hiện tại, tại Bệnh viện K (Hà Nội) thường xuyên trong tình trạng quá tải trầm trọng do thiếu trang thiết bị y tế, các máy xạ trị của Bệnh viện sử dụng liên tục 22/24h.
Được biết, mỗi ngày, Khoa Xạ trị tiến hành xạ trị cho hơn 1.000 bệnh nhân và do không đủ máy móc nên việc điều trị phải chia làm 3 ca sáng, chiều và đêm.
Hàng trăm bệnh nhân ung thư phải xếp hàng xạ trị lúc nửa đêm. Ảnh: báo Người đưa tin |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ, giám đốc Bệnh viện K - Trần Văn Thuấn cho biết, bệnh viện có 6 máy xạ trị gia tốc. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân cần xạ trị lại quá đông.
"Tiêu chuẩn một máy xạ trị xạ cho 40 người/ngày. Nhưng ở bệnh viện chúng tôi mỗi máy phải xạ cho 150-200 bệnh nhân/ngày. Vì thế, mỗi máy phải dùng trong 22 - 23 tiếng đồng hồ mỗi ngày, chỉ được nghỉ 1 - 2 tiếng để bảo dưỡng. Thông thường 3 - 4h sáng mới kết thúc ca cuối của ngày hôm trước và 5h sáng lại bắt đầu ca mới. Tần suất sử dụng máy dày như thế này thì bệnh nhân mệt mà bác sĩ cũng rất mệt" - ông Thuấn cho biết.
Cũng theo ông Thuấn, bệnh viện đã có đề án bổ sung máy xạ trị. Dự kiến tháng 4/2018 máy sẽ được lắp đặt. Tuy nhiên, tất cả số máy mới này đều sử dụng nguồn vốn xã hội hóa.
Trả lời về vấn đề viện phí thiết bị xã hội hóa liệu có quá cao, liệu người bệnh có thể sử dụng được, ông Thuấn cho rằng viện phí "có thể chấp nhận được".
Vi An (Tổng hợp)