(ĐSPL) - Chiều 4/11, tại Ủy ban Nhân dân phường 6, thành phố Bến Tre, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức công khai xin lỗi ông Châu Ngọc Ngừng - người bị kết án oan.
Dân trí đưa tin, trước đó, ngày 10/12/1990, ông Châu Ngọc Ngừng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Lúc đó, ông Ngừng là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Bến Tre, bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND phường 6, thị xã Bến Tre (nay là TP Bến Tre), tỉnh Bến Tre.
Đến ngày 20/1/1993, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre thay đổi biện pháp ngăn chặn, ông Ngừng được tại ngoại.
Ông Ngừng tại buổi công khai xin lỗi sau 26 năm oan sai (Ảnh: Dân trí) |
Bản án hình sự sơ thẩm số 77/HSST ngày 1/11/1993 của TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên ông Châu Ngọc Ngừng không phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Bến Tre kháng nghị phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự số 77/HSST ngày 1/11/1993.
Sau khi tòa tuyên không phạm tội, tháng 11/2007, ông Ngừng có đơn yêu cầu bồi thường, xin lỗi, cải chính công khai. Tháng 11/2008, TAND thị xã Bến Tre tuyên buộc Viện KSND tỉnh phải bồi thường, xin lỗi và cải chính công khai (BA số 12/DSST). Tháng 7/2009, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm (BA 328/DSPT) tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, Vietnamplus đưa tin.
Đến tháng 5/2015, Tòa án nhân dân tối cao quyết định tái thẩm tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 06/2016, ngày 3/2, của Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre và bản án dân sự phúc thẩm số 113 ngày 25/5, của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên buộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phải bồi thường cho ông Châu Ngọc Ngừng trên 136 triệu đồng và phải xin lỗi, cải chính công khai trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương, đăng 3 số liên tiếp.
Sau khi được đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đọc lời xin lỗi, ông Ngừng nói 26 năm qua, cuôc đời ông không còn danh dự, người ta xem ông là thằng “ở tù," tâm trạng ông rất uất ức.
Để có được ngày hôm nay, ông đã trải qua biết bao khó khăn. Hàng tháng, với mức trợ cấp xã hội 270.000 đồng, ông phải nuôi sống gia đình và lo cho hai con học đại học. Từ một người lành lặn, ông đi khiếu kiện rồi bị tai nạn giao thông.
Sau khi được minh oan, ông Châu Ngọc Ngừng yêu cầu các cơ quan tố tụng như Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an tỉnh Bến Tre) phải bồi thường cho ông 145 tỷ đồng; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phải bồi thường cho ông 7 tỷ đồng.
Theo ông Ngừng, trong quá trình bị bắt và tạm giam, các cơ quan tố tụng đã tạm giữ của ông 877m3 gỗ; 450 triệu đồng.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) số 35/2009/QH12 và Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT- VKSNDTC- TANDTC- BCA- BTP- BQP- BTC- BNN&PTNT ngày 02 tháng 11 năm 2012. Các trường hợp được bồi thường thiệt hại 1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN. 2. Người bị tạm giữ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật TNBTCNN được bồi thường thiệt hại khi đã có quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà cơ quan có thẩm quyền đã viện dẫn làm căn cứ để ra quyết định tạm giữ đối với h 3. Người bị tạm giam thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật TNBTCNN được bồi thường thiệt hại khi có quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giam, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội vì một trong những lý do sau đây: a) Người bị tạm giam không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật b) Người bị tạm giam có thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng hành vi đó không phải là hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; c) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. 4. Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã bị thi hành án tử hình thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật TNBTCNN được bồi thường thiệt hại khi có bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của người đó không cấu thành tội phạm. |
HN (Tổng hợp)
Video xem nhiều nhất: [mecloud]S8GMlhUDW5[/mecloud]