+Aa-
    Zalo

    Bé gái 3 tuổi suýt mất mạng vì bị chó hoang tấn công

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đang chơi gần nhà, bé gái 3 tuổi bị một con chó hung dữ tấn công và tha đi vài mét.

    Đang chơi gần nhà, bé gái 3 tuổi bị một con chó hung dữ tấn công và tha đi vài mét.

    Theo thông tin ban đầu, vào trưa ngày 6/2, tại thôn Thái Nguyên, xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy, Thanh Hóa), bé gái Bùi Hà N. (3 tuổi) đã bị con chó hoang hung dữ tấn công bất ngờ rồi tha đi vài mét và chỉ dừng lại khi có người hô hoán truy đuổi.

    Bà Bùi Thị Thoa – bà nội của bé N. cho biết, vào thời điểm đó, cháu nội của bà là N. chơi đùa ngoài sân nên bà tranh thủ vào bếp nấu cơm.

    “Tuy nhiên, tôi vừa cắm được nồi cơm thì nghe tiếng khóc thét ngoài đường chạy ra đến nơi thì thấy người cháu bê bết máu, kế đó là con chó không rõ của nhà nào, tôi sợ hãi quá ngất đi, khi tỉnh lại mới biết cháu mình bị một con chó lạ tấn công bị thương rất nặng”, bà Thoa cho biết.

    Đang chơi trong sân, bé N. bị một con chó hoang lạ cắn.

    Ngay sau đó bé N. đã được gia đình nhanh chóng đưa ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu.

    Anh Bùi Văn Chiến (bố bé N.) cho biết, sau khi bé N. đưa đến bệnh viện các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật lắp ghép da đầu lại cho bé. Tuy nhiên, tỉ lệ mảnh da đầu tái sinh chỉ chiếm 20%, tiên lượng xấu vì trong quá trình di chuyển ra Hà Nội và miếng da đầu bị tách ra khỏi cơ thể quá lâu. Do vết răng chó cắn quá sâu, nên mắt trái của bé N. cũng bị ảnh hưởng.

    “Cháu N. đã chuyển ra bệnh viện và được các bác sỹ phẫu thuật thành công, hiện tại cháu còn rất yếu, các bác sỹ đã tiên vác xin phòng bệnh chó dại cho cháu và đang theo dõi chuyển biến”, anh Chiến nói.

    Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Ngọc Tụ, Trưởng thôn Thái Nguyên, xã Cẩm Tú xác nhận sự việc và cho biết khi xảy ra sự việc, thôn đã cho thanh niên đi tìm và bắt giữ con chó hoang đó nhưng chưa bắt được. Ông Tụ cũng khuyến cáo người dân trong thôn, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ phải trông giữ cẩn thận.

    Được biết, gia cảnh cháu Bùi Hà N. (3 tuổi) rất khó khăn, để cháu ra Hà Nội chữa trị, gia đình đã rất chật vật để vay mượn tiền bà con hàng xóm.

    “Sau khi xảy ra vụ việc ban thôn đã kêu gọi bà con ủng hộ cho gia đình số tiền gần 6 triệu đồng để vợ chồng anh Chiến ra Hà Nội chăm sóc bé Na” ông Tụ nói.

    Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật thì người nuôi chó có các trách nhiệm sau đây:

    a) Tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với Trưởng thôn, Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình Ủy ban nhân dân xã, phường cấp sổ quản lý chó (Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, tính biệt, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc xin, số lô).

    b) Phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y;

    c) Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng;

    d) Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng nuôi.

    Người nuôi chó vi phạm một trong các quy định nêu trên thì có thể bị xử lý như sau:

    Theo Điều 625 Bộ luật Dân sự thì “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”. Nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện người chủ vật nuôi ra tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

    Trường hợp người nuôi chó có hành vi thả rông chó ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không có rọ mõm (đối với con dữ) thì theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ thì người nuôi chó có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác thì bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.

    Để việc nuôi chó được an toàn, không gây thiệt hại cho người khác, ngoài việc người chủ vật nuôi phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật thì mọi người đều có quyền yêu cầu người chủ vật nuôi chấm dứt vi phạm.

    Trường hợp người nuôi chó đã được nhắc nhở mà vẫn tiếp tục vi phạm thì mọi người có quyền thông báo cho trưởng thôn, trưởng ấp hoặc tổ trưởng dân phố (nếu ở chung cư thì có thể đề nghị Ban quản lý khu chung cư) hoặc đề nghị trực tiếp với UBND xã, phường sở tại để được giải quyết.

    Căn cứ mức độ vi phạm mà Ủy ban sẽ xử lý từ cảnh cáo đến phạt tiền và buộc người chủ vật nuôi phải có biện pháp khắc phục.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/be-gai-3-tuoi-suyt-mat-mang-vi-bi-cho-hoang-tan-cong-a180296.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan