(ĐSPL) - Gắn cái mác một chàng sinh viên hiền lành, có học thức, gã đến với chị như một “hoàng tử trong mơ” khiến trái tim người phụ nữ bại liệt ấy phải thổn thức bao lần. Ai ngờ khi thoả mãn dục vọng, gã đã bỏ chị mà đi khi biết tin người tình của mình mang thai 3 tháng.
Sập bẫy lưới tình
Di chứng chất độc da cam từ người cha đã lấy đi đôi chân lành lặn của chị Trần Thuý Vân, 38 tuổi, ngụ ấp An Quới, xã Quới An, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) từ nhỏ. Bù lại những khiếm khuyết của đôi chân, chị Vân có đôi tay khéo léo hơn người. Nhắc đến chị, ai ai trong xóm này cũng thán phục về tài đan lát của người phụ nữ tật nguyền, có người còn nói rằng chỉ cần xách một con dao nhỏ ra vườn là 15 phút sau, chị Vân đã mang vào một cái rổ được đan tỉ mỉ với nguyên liệu là tre, trúc. Ánh mắt người phụ nữ goá bụa không giấu được nỗi buồn khi nhắc đến chuyện quá khứ, ngày chị còn là một cô học viên ở trường khuyết tật.
Chị ngậm ngùi: “Biết mình không có đôi chân lành lặn như người ta nên tôi cố gắng dành dụm tiền rồi lên trường tỉnh học nghề với mong muốn kiếm một nghề để tự nuôi sống bản thân, không vướng bận gia đình. Khi đi má tôi có dặn, là con gái phải biết giữ mình kẻo mang vạ vào thân. Nghe má nói vậy, tôi chỉ cười trừ vì nghĩ rằng trên đời này mấy ai chịu lấy một người di chuyển trên đôi nạng gỗ”. Rồi chị gặp H. trong một lần hắn theo đoàn sinh viên tình nguyện mùa hè xanh đến sinh hoạt tại trường.
Trong cái mác là một chàng sinh viên, phong thái thư sinh, nụ cười dễ mến, hắn đã làm trái tim của không ít phụ nữ phải tan chảy, trong đó có chị Vân. Nói về gã trai bạc bẽo, chị không giấu được nỗi hờn căm: “Sau mỗi lần tan lớp, H. thường ngồi lại để nói chuyện với tôi, chia sẻ những nỗi bất hạnh mà tôi đang mắc phải. Ngoài gương mặt hiền hậu, dễ nhìn, H. còn có giọng nói ngọt lành làm cho bất kỳ người phụ nữ nào cũng xao xuyến chứ không chỉ riêng tôi. Nhiều lần tâm sự, tôi biết mình đã yêu H. mất rồi nhưng cố kìm nén không nói ra.
Cho đến một ngày H. ngỏ lời cầu hôn với tôi trong một đêm rằm có ánh trăng vằng vặc. H. hứa sẽ bảo bọc tôi, cùng tôi đi hết đoạn đường tình”. Dù nhận được lời cầu hôn từ H. nhưng người phụ nữ ấy phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Một là chấp nhận H. với viễn cảnh huy hoàng về cuộc sống mà H. đã vạch ra. Hai là lừa dối bản thân mà phủ nhận những rung động từ chính con tim mình.
Cuối cùng, chị quyết định nhận lời yêu H. vì chị không thể làm trái sự mách bảo của con tim. Khi yêu H., chị giấu giếm tất cả mọi người kể cả người thân của chị. Thầy cô, bè bạn nhắc chị rất nhiều lần chớ nên tin tưởng vào những người đàn ông “miệng dẻo” nhưng chị vẫn mù quáng lao vào cuộc tình “không tương xứng” này. “Lúc đó, tôi như con thiêu thân lao vào H. với một niềm tin gần như tuyệt đối. Tôi biết “mật ngọt chết ruồi” nhưng tôi không thể không tin vì bản thân tật nguyền lại không tiền, không bạc.
Còn H. sắp ra trường, lại con nhà giàu có nhiều người theo đuổi, ấy vậy mà H. lại chọn tôi. Rồi H. nói với tôi rất nhiều điều, trong đó có ước mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ khi chung sống với tôi. Nhiều đêm tôi không ngủ được vì xúc động trước những cử chỉ ân cần, chu đáo mà H. đã dành cho tôi trong những ngày hạnh phúc ấy”, chị Vân tâm sự.
Như thường lệ, sau buổi học ở trường, H. ngồi tâm sự với chị trên băng ghế đá. H. bảo, gia đình muốn H. cưới vợ, sinh con để nối dõi tông đường vì H. là con trai một. Những lời đường mật như rót vào tai người phụ nữ tật nguyền và sau một hồi vòng vo, H. muốn cưới chị về làm vợ. Xúc động trước tấm chân tình của gã trai tơ, chị đã trao thân cho H. trong một đêm hạnh phúc ngập tràn.
Sau khi đã “chiếm” được đời con gái của chị, H. ít khi tới trường để gặp chị. Rồi khi biết mình đã mang thai, chị cố tìm cách liên lạc với H. thì biết được H. đã ra trường và đang về quê tìm việc. Chị vẫn không tin và cố đợi “người tình” quay lại. “Nhờ một số người quen, tôi đã tìm thấy H., tôi kể hết chuyện mình đã mang giọt máu của hắn thì bản chất “Sở Khanh” của hắn lộ rõ nguyên hình. Hắn bảo dù rất yêu tôi nhưng không dám cãi lời cha mẹ, họ không thể chấp nhận một con dâu tật nguyền”, chị nói trong nước mắt. Biết không thể níu kéo được người đàn ông bạc bẽo, chị không nói một lời nào, một mình khăn gói về quê vì cái thai mỗi ngày một lớn.
Gượng sống để… nuôi con
Kể từ ngày bỏ trường về quê, chị Vân phải nhận không ít những lời chì chiết, trách mắng của họ hàng. Nói về những tháng ngày phải sống trong tủi hổ, chị Vân giàn giụa nước mắt: “Sau khi tính toán kỹ lưỡng tôi quyết định trở lại quê để chuẩn bị sinh con. Tôi biết ba má tôi sẽ không thể chịu đựng được sự thật phũ phàng này nên cố giấu giếm một thời gian, rồi tôi cũng tỏ hết ngọn ngành khi cái thai lớn dần theo ngày tháng. Má tôi giận lắm nhưng biết làm sao hơn, sau khi suy nghĩ lại cũng chấp nhận cùng tôi đón đứa cháu ngoại ra đời”.
Ngày trở dạ, chị Vân khóc hết nước mắt, đứa con gái chào đời mà không biết mặt cha nhưng với tấm lòng của một người mẹ, chị cố sống để nuôi dưỡng đứa bé. “Giận thì la mắng nó chứ con cháu ai nỡ bỏ cho đành, có trách là trách cha nó, nỡ lòng bỏ đi giọt máu mà mình đã tạo ra. Thương cho con gái của tôi, tấm thân tật nguyền giờ phải còn nặng gánh chuyện con cái”, bà Lê Thị Ánh, 62 tuổi (mẹ chị Ánh- PV) nhớ lại.
Để chống chọi với cuộc mưu sinh, đôi chân teo tóp của chị hằng ngày phải lê lếch tấm thân đi làm thuê, làm mướn để nuôi sống đứa con thơ. Nhiều lúc chị có ý định buông xuôi nhưng thương đứa con thơ khờ dại chị không thể không gượng sống. Vất vả đã đành, chị Vân còn phải hứng chịu những tiếng đời dị nghị về cái tội…có con hoang. Đau đớn về thể xác, giày vò về tinh thần đã làm cho gương mặt xinh xắn của chị ngày nào giờ bỗng sạm đi. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình, chị Vân cố gắng chăm con trong muôn vàn tủi nhục. “Nhiều đêm tôi không ngủ được vì nghĩ tới chuyện ngày xưa, giận hắn bao nhiêu tôi càng trách bản thân mình, chỉ vì những lời đường mật của hắn mà giờ phải khổ. Tôi cố nén tiếng khóc, gắng lộ nụ cười để con tôi được vui vẻ, khoả lấp nỗi bất hạnh không cha của nó”, chị lau nước mắt.
Trong câu chuyện với chúng tôi chị bảo, nước mắt chị đã sắp cạn mất rồi vì bao tháng ngày phải sống trong tủi hổ. Giờ chị muốn sống tốt để nuôi con, lo lắng chuyện học hành và tương lai sau này của bé. Nói về cuộc sống hiện tại của con, ông Minh (cha chị Vân- PV) cho biết: “Tội cho con tôi, thân thể tật nguyền giờ phải mang gánh nặng chuyện con cái. Tôi đã già rồi nên không giúp được gì nhiều cho mẹ con nó. Đời nó bất hạnh quá, vợ chồng tôi chỉ biết động viên con gắng gượng dậy để lo cho cháu ngoại được học hành”.
Niềm an ủi lớn nhất của chị Vân lúc này là đứa con thơ dại đang tuổi ăn học. Mỗi lần nhìn con, chị nhớ lại quá khứ đau buồn, cố nuốt nước mắt vào lòng để quên đi những chuyện cũ, dắt tay con đứng vững mà hướng tới tương lai. “Vì không được học hành nhiều nên tôi bị người ta lừa gạt nên tôi tự nhủ với lòng phải cố gắng làm lụng để cho con gái tôi được học hành. Ít nhất nó cũng có kiến thức để tự bảo vệ mình, biết phân biệt phải trái, đúng sai để tránh bị lừa như mẹ nó”, chị ngậm ngùi. Nói dứt câu, chị Vân lại khẽ vuốt tóc con, dành cho con những cử chỉ trìu mến, dịu dàng làm ai chứng kiến cũng thấy ấm lòng.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
KHÁNH AN
Xem thêm video:
[mecloud]QjidcaSDta[/mecloud]