Lần thứ n bạn phải lục tung túi xách để tìm chìa khóa xe. Bạn không thể nhớ nổi đã ăn gì tối qua và quên bẵng cuộc hẹn với bác sĩ. Bạn chưa đến 40 tuổi nhưng phải đối mặt với những vấn đề khó chịu hằng ngày do quên mà không hiểu nguyên nhân...
Người ta vẫn thường cho rằng chỉ người già mới lẩm cẩm, nhưng thật ra ở bất kỳ độ tuổi nào, dù là 16 hay 60, vẫn phải đối diện với chứng suy giảm trí nhớ. Sau đây là 7 nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng bất tiện này.
Căng thẳng
Khi cơ thể căng thẳng và mệt mỏi, khả năng tập trung và nhớ sẽ suy giảm do các cảm xúc tiêu cực lấn át hoạt động của não bộ. Lúc này não bộ phải tập trung xoa dịu sự căng thẳng và đối phó với các tình huống khó khăn trong cuộc sống.
Thật không may là không ai tránh được căng thẳng, ngay cả trẻ em. Có vô vàn lý do khiến con người bị stress, từ chuyện gia đình, công việc cho đến xã hội. Giận dữ, sợ hãi, lo lắng càng làm người ta mau quên và không thể tập trung.
Rối loạn tâm thần
Không ít người có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc. Với nhiều người thì tình trạng "ba đầu sáu tay" là một thử thách hào hứng, nhưng với đa số, việc bận rộn dễ dẫn đến stress và rối loạn tâm thần. Khi não bộ bị quá tải với thông tin, nó sẽ thả lỏng toàn bộ khiến người ta lâm vào tình huống "chuyện nọ xọ chuyện kia".
Cách duy nhất để giải quyết là tập trung vào từng việc một. Cố gắng sắp xếp công việc hợp lý để não không bị "đầu độc" bởi quá nhiều thông tin.
Không thể hiện trung thực cảm xúc
Có một số người luôn cố gắng che đậy cảm xúc để tập trung cho sự nghiệp hay học hành, hoặc khi gặp phải biến cố lớn trong đời. Việc này có tác dụng tránh sao nhãng mục tiêu hay tổn thương tâm lý. Tuy nhiên, nó có tác dụng phụ là làm suy giảm trí nhớ.
Não bộ gồm bán cầu não trái và bán cầu não phải. Não trái kiểm soát suy nghĩ logic trong khi não phải điều khiển thiên hướng nghệ thuật và cảm xúc. Nếu sử dụng thường xuyên cả hai bán cầu, con người sẽ có được sự cân bằng về tâm lý, kỹ năng và cảm xúc.
Trí nhớ cũng nhờ vậy mà mạnh mẽ hơn. Lý tưởng nhất nên tận dụng cơ hội để trải nghiệm những lĩnh vực không phải thế mạnh của mình để tăng sức mạnh đồng đều cho hai bán cầu não.
Sử dụng các chất gây nghiện
Các loại ma túy bị cấm vì lý do hiển nhiên là chúng tàn phá sức khỏe, không chỉ về thể chất mà còn tinh thần. Các loại thuốc gây nghiện hợp pháp dùng trong điều trị y khoa cũng phải được sử dụng cẩn trọng, bởi các dược chất có trong loại thuốc này gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Hippocamus vốn điều khiển chức năng nhận thức của não bộ. Cơ quan này sẽ ngày càng yếu đi theo mức độ nghiện ngập khiến trí nhớ ngày càng mờ nhạt.
Uống quá nhiều rượu bia
Tác hại của bia rượu đến sức khỏe không còn là vấn đề để tranh cãi. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây suy giảm trí nhớ. Cồn tác động xấu đến Retropective Memory vốn chịu trách nhiệm cho việc học tập và hồi phục trí nhớ.
Bia rượu nhiều gây ra tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn. Nếu thường xuyên uống rượu, cồn sẽ khiến não nhận được ít oxy hơn và gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh trung ương.
Thiếu vitamin B1
Vitamin B1 (còn gọi là Thiamine) là chất dinh dưỡng cần thiết để tiêu hóa thức ăn và chuyển hóa nó thành năng lượng. Thêm vào đó, loại vitamin này còn chịu trách nhiệm cho các hoạt động thông thường của não bộ.
Phần lớn loại vitamin này tập trung ở não bộ, giúp duy trì khả năng sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh. Các chất này ảnh hưởng đến cảm xúc, trí nhớ, suy nghĩ và vận động. Nếu cơ thể không nhận đủ chất này sẽ tăng nguy cơ mắc phải hội chứng Wernicke-Korsakoff - mất đi trí nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn.
Để ngăn ngừa, mỗi ngày nên tiêu thụ khoảng 1mg Vitamin B1, chất có trong cá hồi, cá ngừ, sườn heo, hạt hướng dương, đậu que, đậu nành...
Thiếu ngủ
Giấc ngủ giúp thể chất và đầu óc thư giãn cũng như "sửa chữa" những vấn đề của cơ thể. Thêm vào đó, các nếp gấp của não được tạo ra trong giấc ngủ và chịu trách nhiệm lưu trữ ký ức.
Khi ngủ không đủ giấc, ký ức không thể di chuyển về phía vỏ não trước, khiến ta quên hoặc mất trí nhớ ngắn hạn. Vì vậy, người lớn cần ngủ ít nhất 7 - 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày để cải thiện trí nhớ.
Trí nhớ tốt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi việc. Tránh xa những yếu tố gây hại nêu trên không chỉ giúp cải thiện trí nhớ mà còn cải thiện khả năng hoạt động của não bộ và sức khỏe nói chung.
Vì sao thiếu vitamin B1? Thiếu vitamin B1 là một bệnh khá phổ biến. Hầu hết những người thiếu vitamin B1 trên thế giới do ăn kém. Thiếu vitamin B1 cũng thường gặp ở các nước dùng gạo làm lương thực chính. Ở các nước phương Tây, nguyên nhân chủ yếu gây thiếu vitamin B1 là nghiện rượu và bệnh mạn tính. Rượu ảnh hưởng gián tiếp đến sự hấp thu vitamin B1 và tổng hợp Thiamin Pyrophosphat. Bệnh suy dinh dưỡng, bệnh gan do rượu có nguy cơ thiếu vitamin B1 vì giảm dự trữ trong gan và cơ. Người lao động nặng do tiêu hao nhiều năng lượng, người cao tuổi do ăn uống kém dễ bị thiếu vitamin B1. Có nhiều phân tử có hiệu ứng chống lại vitamin B1 trong các sản phẩm động vật và thực vật cũng như trong một số loại thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai... Khi phát hiện thiếu vitamin B1 phải điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi hoàn toàn. Có thể tiêm và uống vitamin B1: tiêm bắp vitamin B1 25mg 2 lần/ngày, trong 3 ngày; uống liều 10mg vitamin B1, 2 hoặc 3 lần/ngày cho đến khi phục hồi. Đồng thời thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất để hỗ trợ điều trị. Đối với trẻ em, cho tiêm và uống vitamin B1 theo cân nặng; cho người mẹ uống vitamin B1 liều 10mg/lần, ngày 2 lần đối với trẻ bị bệnh mà còn bú mẹ. Để phòng bệnh thiếu vitamin B1, không nên xay xát gạo quá kỹ, chọn thực phẩm giàu vitamin B1 trong thực đơn hằng ngày như các loại đậu, rau, thịt, cá, trứng, sữa; phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú cần ăn uống đủ chất, cần thiết bổ sung vitamin B1; hạn chế uống rượu, thường xuyên bổ sung vitamin B1 cho người nghiện rượu... |