(ĐSPL) - Hôm nay (1/12), phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án bầu Kiên và đồng phạm tiếp tục bước sang ngày làm việc thứ hai. HĐXX yêu cầu tiếp tục cách ly bị cáo Nguyễn Đức Kiên để thẩm vấn các bị cáo khác.
Mở đầu phiên tòa, HĐXX hỏi tình hình sức khỏe của bị án Trần Ngọc Thanh – người bị choáng ngất trong ngày làm việc đầu tiên phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án bầu Kiên và đồng phạm.
Đại diện cơ quan cảnh sát báo cáo với HĐXX, bị án Trần Ngọc Thanh vẫn đang nằm ở bệnh viện Bạch Mai.
HĐXX cho biết, Tòa triệu tập đến phiên tòa, tuy nhiên, xảy ra sự cố bị án choáng ngất phải đi cấp cứu hôm 28/11. Lúc cần thiết, tòa sẽ công bố các lời khai của bị án.
Theo Thư ký phiên tòa, trong phiên xét xử hôm nay, có thêm một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan, gồm các ông, bà: ông Nguyễn Quốc Lượng, bà Đỗ Thị Phương Hoa, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Phú Hòa.
Trong phiên xét xử sáng nay, tòa tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo về việc kinh doanh vàng trái phép.
Theo cấp tòa sơ thẩm nhận định giấy phép kinh doanh của Công ty Thiên Nam chỉ là sản xuất hàng may mặc, thêu ren, xuất nhập các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ… song hoàn toàn không có chức năng kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái.
Công ty này đã ký thoả thuận với Ngân hàng Vietbank để nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng uỷ thác tài chính giữa Vietbank với Ngân hàng ACB. Theo đó, tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam (còn gọi là kinh doanh vàng trạng thái hoặc kinh doanh giá vàng hoặc kinh doanh vàng ghi sổ, vàng tài khoản).
Quá trình doanh nghiệp này kinh doanh trái phép, tuy bị cáo Kiên không trực tiếp ký lệnh mua bán vàng trạng thái, song lại giữ vai trò quyết định việc kinh doanh bất hợp pháp của doanh nghiệp.
Bị cáo Kiên cho rằng do vàng là hàng hóa nên doanh nghiệp này được kinh doanh tất cả các loại hàng hóa. Thiên Nam đã tuân thủ văn bản pháp luật thời điểm năm 2009 gồm Pháp lệnh ngoại hối và 2 văn bản khác. Ngoài ra, còn có Thông tư 03 của NHNN. Thiên Nam không kinh doanh trên tài khoản ở nước ngoài. Hợp đồng ký với ACB không có điều khoản nào về vấn đề này mà chỉ giao dịch trên các tài khoản trong nước mở tại ACB.
Trong phần trình bày của mình, nhiều lần bị cáo Nguyễn Đức Kiên dừng lại để "lấy hơi", HĐXX. nhiều lần đề nghị bị cáo Nguyễn Đức Kiên giữ bình tĩnh. Bị cáo Kiên cho biết bản thân bị tim và huyết áp cao nhưng tin rằng sẽ giữ được bình tĩnh.
Bị cáo đề nghị tòa phúc thẩm không tuyên các nội dung phạm tội đã tuyên ở tòa sơ thẩm.
Liên quan đến việc bị cáo Kiên ký hợp đồng số 17, ngày 10/12/2009 và thời điểm gọi điện thoại đến ACB, Nguyễn Đức Kiên trình bày tại tòa, mỗi khi có giao dịch với ACB, ông Tổng Giám đốc Thiên Nam (ông Lê Quang Trung - đã mất) sẽ có lệnh và bị cáo Kiên có trách nhiệm gọi điện thoại đến ACB để đọc lệnh của Tổng Giám đốc Thiên Nam.
Bị cáo Kiên thừa nhận, mình là người trực tiếp gọi điện thoại đến ACB để đặt lệnh giao dịch trạng thái vàng và người xác nhận lệnh này là ông Hân – Phó TGĐ của ACB. Nhiều lệnh bị cáo gọi đến ACB được khớp sau đó 1-2 tuần. Do hệ thống điện thoại chỉ ghi được giọng nói của bầu Kiên nên ông Kiên phải thay ông Trung gọi điện thoại sang ACB.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị cách ly để HĐXX thẩm vấn các bị cáo. |
Trước đó, trong ngày đầu tiên (28/11), sau khi hoàn tất các thủ tục kiểm tra căn cước các bị cáo, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn các bị cáo.
Sau khi đọc tóm tắt bản án sơ thẩm, HĐXX đặt câu hỏi với các bị cáo về việc có thay đổi hoặc bổ sung kháng cáo không, bị cáo Kiên khẳng định giữ nguyên nội dung yêu cầu đối với cả 4 tội danh, đồng thời vẫn cho rằng không phạm bất kỳ một tội danh nào mà cấp tòa sơ thẩm quy kết.
Xem video:
"Bầu Kiên" kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm
Tương tự, các bị cáo Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn lần lượt cho rằng không phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệp trọng” và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời xin được hưởng án treo.
Trong phiên thẩm vấn đầu tiên, HĐXX tập trung làm rõ các hành vi của các bị cáo liên quan đến việc kinh doanh vàng trái phép.
Về hành vi kinh doanh vàng trái phép, cấp tòa sơ thẩm nhận định giấy phép kinh doanh của Công ty Thiên Nam chỉ là sản xuất hàng may mặc, thêu ren, xuất nhập khẩu các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ…, hoàn toàn không có chức năng kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn kinh doanh vàng.
Mặc dù bị cáo Kiên không trực tiếp ký lệnh mua bán vàng trạng thái, nhưng lại giữ vai trò quyết định việc kinh doanh bất hợp pháp của doanh nghiệp.