(ĐSPL) – Trong phần tự bào chữa chiều nay (29/5), bị cáo này bày tỏ: “Tôi đã rất kiên nhẫn chịu đựng nhiều áp lực để không đẩy bạn bè tôi ở Hòa Phát vào vòng lao lý...."
Bị cáo Kiên tỏ ra đau đớn nói: "Khi tôi nhận được lệnh bắt và khởi tố về tội kinh doanh trái phép, đối với tôi trời đất như sụp đổ. Tôi cho rằng, tôi không kinh doanh trái phép, không làm sai pháp luật”.
Xem clip bầu Kiên tự bào chữa, kêu cứu trước tòa:
Bị cáo Kiên tỏ ra bức xúc bởi theo bầu Kiên, ngay từ lệnh bắt, CQĐT cũng ghi không chính xác: “Đối với lệnh khởi tố, bắt tạm giam, chỉ có 4 dòng, nhưng cơ quan điều tra ghi không đúng”.
Bị cáo Kiên lý lẽ:
Thứ nhất: "Tôi không phải là chủ sở hữu 3 công ty B&B, công ty đầu tư ACB Hà Nội và Công ty Tài chính Á Châu. Tôi chỉ là 1 trong 3 người góp vốn, là đồng chủ sở hữu công ty B&B, còn lại 2 công ty kia tôi chỉ là đại diện phần vốn góp".
Thứ 2: "Việc nói các công ty này không có chức năng kinh doanh tài chính nhưng lại tiến hành mua cổ phần của các ngân hàng cũng là sai hoàn toàn". Bầu Kiên đã dẫn những điều khoản trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để chứng minh mình không phạm pháp.
Cũng tại phiên tòa ngày hôm nay, bị cáo Kiên xin HĐXX được đọc đơn kêu oan một cách công khai. Tuy nhiên yêu cầu của bị cáo Kiên chỉ được HĐXX chấp nhận đề nghị tóm tắt những thông tin cần thiết.
|
Bầu Kiên đang tự bào chữa trước toà. |
Công ty bầu Kiên đầu tư được sự đồng ý của Thủ tướng?
Bắt đầu tự bào chữa cho hành vi kinh doanh trái phép, bị cáo Kiên cho biết: "Tôi không chỉ đầu tư 6 công ty mà đầu tư trên 100 doanh nghiệp, hoạt động gần như toàn diện trên nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nộp thuế cho nhà nước".
Riêng công ty Thiên Nam đã được sự đồng ý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có 2 pháp nhân, và có 2 liên doanh với nước ngoài. Bị cáo Kiên tha thiết: "Việc đầu tư kinh doanh góp vốn được quy định ở đâu là kinh doanh tài chính, mong HĐXX cho tôi biết?".
Đồng thời, bị cáo Kiên chỉ ra các văn bản pháp lý có liên quan để khẳng định những hoạt động kinh doanh mà công ty Thiên Nam được phép: "Đây là đầu tư tài chính chứ không phải kinh doanh hàng hóa. Mà nếu là kinh doanh hàng hóa thì Thiên Nam cũng có giấy phép".
Tranh luận về tội trốn thuế, bị cáo Kiên phân trần: "Ngày 25/12/2008, tôi hoàn toàn không biết rằng 6 tháng nữa Quốc hội sẽ có một nghị quyết liên quan đến thuế. Tôi là một công dân không thể biết chương trình và nội dung Quốc hội sẽ thông qua. Đây là sự áp đặt, chụp mũ, vu khống ảnh hưởng đến cá nhân tôi, xúc phạm đến danh dự nước CHXHCN Việt Nam".
Bầu Kiên cũng cho rằng VKS nêu điều luật để áp tội trốn thuế nhưng không chỉ ra doanh nghiệp sai tại điểm nào của các quy định luật, là sai quy trình tố tụng. "Nếu VKS chỉ ra được cụ thể, tôi sẽ nhận tội ngay. Nhưng tôi không sai bất kỳ quy định nào".
Bầu Kiên chỉ vì bạn bè chứ không lừa đảo?
Tranh luận về tội lừa đảo, ông Kiên nói “tôi là doanh nhân uy tín, không bao giờ đi lừa bạn bè” và “không có ý thức chiếm đoạt”.
Nói về hoạt động chuyển nhượng 20 triệu cổ phần cho Thép Hòa Phát, ông Kiên khẳng định: “Đây là nghĩa cử tôi giúp bạn bè, tôi giúp anh Long. Ngoài ra không còn mục đích nào khác”.
Bị cáo này bày tỏ: “Tôi đã rất kiên nhẫn chịu đựng nhiều áp lực để không đẩy bạn bè tôi ở Hòa Phát vào vòng lao lý. Nếu tôi sơ suất một câu nói, một chữ ký thì bạn bè tôi là anh Dương, anh Long (Tập đoàn Hòa Phát) đã bị cơ quan điều tra bắt giam. Tôi không khiếu nại gì dù họ có sai sót”.
“Không có lý do nào để tôi cố ý làm trái quy định của Nhà nước”
Tiếp tục tranh luận về Cố ý làm trái quy định của Nhà Nước gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Kiên khẳng định mình không gây áp lực trong việc chỉ đạo của HĐQT như bị cáo buộc: “Việc thành lập Hội đồng sáng lập được các cổ đông thông qua. Hội đồng sáng lập không trái với quy định của pháp luật không trái quy định của ACB. Hội đồng sáng lập được tham gia vào tất cả các cuộc họp, nêu ý kiến tại cuộc họp HĐQT nhưng không được đưa ra quyết định cuối cùng”.
Bị cáo Kiên nhấn mạnh: Từng giao nhiệm vụ cho bị cáo Lý Xuân Hải khi đưa Hải về làm CEO của Ngân hàng ACB. Bị cáo cho rằng đó là hành động vì lợi ích của ACB chứ không phải với bất kỳ của ai.
Đồng thời, bị cáo Kiên chỉ ra trong cổ phần của ACB, Kiên không phải là người chiếm cổ phần nhiều nhất nên không thể là người quyết định mọi phán quyết của ngân hàng ACB. Hơn thế nữa, bầu Kiên cho rằng, ngân hàng ACB hoạt động trên 100\% vốn cổ phần, không có vốn nhà nước thì không có do gì để Kiên cố ý làm trái quy định của nhà nước.
Bầu Kiên khẳng định: "Nếu cơ quan điều tra thận trọng nghiên cứu tất cả các hành vi thì tôi không vi phạm bất kỳ tội danh nào như VKS truy tố".
Theo cáo trạng của VKS, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị truy tố với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; Cố ý làm trái quy định của Nhà Nước gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo và chiếm đoạt tài sản; Trốn thuế quy định tại các Điều: 159, 139, 165 và 161 của Bộ luật Hình sự.
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật…
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bau-kien-muon-doc-don-keu-oan-truoc-toa-a34840.html