+Aa-
    Zalo

    Bầu bạn cùng người chết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhắc đến 2 chữ nhà xác nhiều người nghĩ ngay đến sự lạnh lẽo, ghê rợn vì sự cách biệt của hai thế giới sống và chết. Nhưng hằng ngày vẫn có những người âm thầm, lặng lẽ

    Nhắc đến 2 chữ nhà xác nhiều người nghĩ ngay đến sự lạnh lẽo, ghê rợn vì sự cách biệt của hai thế giới sống và chết. Nhưng hằng ngày vẫn có những người âm thầm, lặng lẽ túc trực bên người chết để làm công việc chăm sóc, bảo quản.

    Tìm người thân nơi nhà xác - Kỳ 3: Bầu bạn cùng người chết

    Ông Vũ Đình Nam, người có thâm niên 32 năm trong nghề giữ xác.

    “Duyên” với xác

    Ông Lê Văn Ban, Tổ trưởng phụ trách nhà đại thể Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, tâm sự thật về khó khăn tưởng như bỏ cuộc khi mới vào nghề. Nhiều lần ông muốn bỏ nghề vì gia đình không ủng hộ, sợ con mình lớn lên sẽ ngại khi nói với bạn bè “bố làm nghề giữ xác”. Nhưng vì mưu sinh và muốn làm công việc mà ít người dám làm nên ông đã chấp nhận và làm tốt công việc của mình hơn 24 năm qua. Ông Ban kể: “Đến 10 tuổi, con tôi mới biết nghề của bố, trước đó gia đình cứ nói làm ở BV. Tưởng con sẽ buồn nhưng ngược lại tôi rất hãnh diện và vui khi con nói với bạn rằng nó tự hào về người bố gan dạ của mình”.

    Đang trò chuyện, bỗng dưng ông Ban khựng người, mắt đỏ hoe kể câu chuyện khiến ông nhớ mãi khi mới vào làm cái nghề chẳng giống ai: “Làm một thời gian tưởng chừng sẽ không khóc nữa nhưng đến bữa kia khi nhận một tử thi từ BV chuyển xuống do tai nạn giao thông, sau khi hoàn tất mọi công tác xử lý, người nhà nạn nhân đến đón về là 3 đứa con nhỏ và người vợ trẻ, người vợ khóc ngất còn mấy đứa nhỏ thì hỏi những câu ngây ngô: “sao ba lại nằm đó vậy mẹ?”, “chừng nào ba tỉnh lại”... khiến tất cả những người xung quanh không ai kìm được nước mắt”.

    Cũng tình cờ “thân” với xác chết, ông Thế, đồng nghiệp ông Ban, tâm sự: “Nghề này tối ngày tiếp xúc với chết chóc, máu me nhưng chỉ có làm rồi mới hiểu, giúp được người sống đã vui thì giúp được người chết còn vui gấp bội. Vì thế đã không làm thì thôi chứ gắn với nghề rồi thì chắc phải chục năm là ít”.

    “Ai cũng sợ, không ai làm thì mấy cái xác tính sao?”, là câu cửa miệng của ông Trần Văn Thắng (40 tuổi), nhân viên nhà vĩnh biệt BV Chợ Rẫy, khi trò chuyện với PV. Thoạt nghe, ai cũng tưởng đây là nghề mà ông chọn, nhưng với ông Thắng thì đó là cái duyên. Lúc đầu, ông xin vào BV làm bảo vệ, nhưng sau đó được phân công về nhà vĩnh biệt. “Cũng phải cả tháng mới quen với máu me và công việc tắm rửa xác chết. Hồi đó sợ lắm, về đến nhà thì vợ cứ kêu là nghỉ đi, cũng nản nhưng nghĩ không lẽ cứ sợ, thế là từ từ cũng quen, và quen được 12 năm rồi”, ông Thắng tâm sự.

    PV hỏi vui: “Ở đây có ma? Những người làm ở nhà xác chắc không sợ ma?”. Ông Thắng nhoẻn miệng cười và nói: “Lúc mới vô làm cũng nghĩ vậy nên sợ lắm nhưng ở lâu mới biết làm gì có chuyện đó, nếu có mà mình làm đúng chuyện của mình cũng chẳng sao”.

    Công việc tại nhà xác là nhận tử thi từ BV chuyển xuống, xử lý và cho vào hộc lạnh, tham gia hỗ trợ công an giám định tử thi. Ngoài ra, nhân viên nhà xác còn phụ trách tắm và thay đồ cho tử thi trước khi tiến hành tẩn liệm đưa về nhà (nếu có thân nhân đến nhận). Xác khi được bảo quản trong hộc lạnh sẽ bị đông cứng nên khi thay đồ nếu không khéo sẽ dễ làm gãy tay, gãy chân tử thi. Đối với những tử thi vô danh lâu ngày không ai nhận, đến khi xử lý chuyển đi hỏa táng, các nhân viên nhà đại thể phải dùng nước lạnh tưới lên cho mềm...

    Sợ tro cốt buồn

    Ông Vũ Đình Nam (58 tuổi, nhân viên phòng lưu trữ tro cốt và chứa xác vô thừa nhận tại lò thiêu Bình Hưng Hòa, TP.HCM) người có thâm niên với 32 năm không chỉ ăn, ngủ cùng xác mà còn cả với tro cốt của người chết. Tại nơi làm việc  ban ngày 2 người trực, ban đêm chỉ 1 người. Ông Nam thường xuyên phải ngủ một mình giữa không gian lạnh và mùi tử thi. Theo ông, có khi đang ngủ phải dậy lúc 2 - 3 giờ sáng để xử lý xác. Những lúc buồn thì ông Nam cho biết sẽ bật ti vi, đọc báo hay gọi điện thoại cho gia đình chứ ít người dám xuống khu vực này nên không có ai để trò chuyện. “Ở đây, mình buồn tro cốt cũng vậy nên tôi để hẳn một đĩa kinh trong kho mở cho họ nghe”, ông Nam nói thêm.

    Nói về nghề, ông Nam cười: “Hồi xưa mới làm cũng sợ lắm, cả tuần đầu đâu có ngủ được, nói thẳng ra là sợ ma, nhưng công việc mà, không làm thì lấy gì mà sống, làm riết cũng quen thì thấy thiêng liêng nên đeo luôn đến giờ”. Thi thể đưa vô nhà bảo quản sau khi được khám nghiệm và kết luận nguyên nhân tử vong, nếu chưa có ai nhận về thì các tử thi này sẽ có thời gian “làm bạn” với những nhân viên ở đây, sau đó sẽ được hỏa thiêu.

    Theo ông Nam, làm công việc này thì phải gan dạ, không gan không làm được vì phải thường xuyên tiếp xúc với những tử thi bị biến dạng, chết với nhiều tư thế khác nhau, ai mới vô sẽ khó làm vì không chịu nổi xúc động. Nhưng điều đó không có nghĩa là những nhân viên này vô cảm như nhiều người thường nghĩ. Đã bao lần họ rơi nước mắt trước những tình cảnh “kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”. Bao lần khóc thương trước cảnh ly tan của cô vợ trẻ mất chồng, đứa con thơ không gọi nổi tên cha. Và nhất là những người chết vì tai nạn giao thông khi thân xác chẳng còn nguyên vẹn. Mổ tử thi xong cũng chẳng có cách nào khâu lại hoàn thiện.

    Nói đến thu nhập của nghề này, hầu hết các nhân viên chỉ cười và cho biết họ hưởng lương theo quy định, tháng vài triệu đủ lo cho gia đình. Đôi khi cũng có thêm chút tiền bồi dưỡng từ thân nhân người chết.

    Nghề trông coi nhà xác được xem là một trong những nghề buồn nhất. Cứ thế, những người đã chọn nghề này ngày ngày âm thầm với công việc của mình để mưu sinh cũng vừa hoàn thành cái duyên mà số phận đã gắn cuộc đời họ với những xác chết.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bau-ban-cung-nguoi-chet-a44937.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan