Trong những tháng gần đây, tình trạng xe “điên” xảy ra từ Bắc tới Nam làm nhức nhối dư luận. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi ngày cả nước có gần 30 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông (TNGT) cùng hàng trăm người phải chịu cảnh thương thật suốt đời. Có nghĩa, mỗi ngày có hàng trăm gia đình Việt Nam phải gánh chịu nỗi đau khủng khiếp vì TNGT.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, như người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; thiếu hiểu biết về luật giao thông đường bộ; hạ tầng giao thông đường bộ phát triển chưa tương ứng với sự phát triển của phương tiện giao thông… Nhưng có một nguyên nhân được nhìn nhận như một hiểm họa, đó là lỗ hổng trong khâu kiểm định phương tiện, dẫn tới xe không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông, đe dọa sự an toàn chung cho xã hội.
Tình trạng tiêu cực trong khâu đăng kiểm phương tiện lâu nay được dư luận lên tiếng rất nhiều, nhưng thực tế chưa có sự chuyển biến nào đáng kể, hệ quả là rất nhiều phương tiện mất an toàn vẫn được lưu hành, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Hầu hết tài xế mặc dù biết được tác hại của việc điều khiển phương tiện không đảm bảo an toàn không chỉ nguy hiểm cho bản thân, mà còn đe dọa đến sự an toàn của nhiều người khác, nhưng họ vẫn vẫn cố tình vi phạm. Đã có rất nhiều bài học đau lòng từ các vụ tai nạn thảm khốc xảy ra do phương tiện không đảm bảo các yếu tố an toàn; nhưng thật tiếc, tình trạng này vẫn không có chiều hướng giảm.
Có một thực tế là khi TNGT xảy ra, nhiều tài xế thường cho rằng nguyên nhân do lỗi kỹ thuật của phương tiện. Trong khi đó, kỹ thuật phương tiện được Nhà nước giao cơ quan đăng kiểm chịu trách nhiệm kiểm tra, giám định, chứng nhận cho phương tiện đủ điều kiện để lưu thông. Sẽ không có gì để nói nếu đơn vị đăng kiểm làm tròn trách nhiệm của mình, tức là tuân thủ đúng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định; đảm bảo trung thực, khách quan, chính xác khi thực hiện nhiệm vụ. Nhưng thật đáng lo ngại, tình trạng cán bộ đăng kiểm nhận tiền của chủ phương tiện, chung chi để bỏ qua lỗi kỹ thuật, có hành vi tiếp tay cho chủ xe, lái xe thực hiện hành vi gian lận lại diễn ra khá phổ biến, chưa được ngăn chặn triệt để. Thế mới có chuyện, phương tiện bị bẹp, biến dạng đầu xe, hoặc biển số bị gẫy gập không đọc được, nhưng vẫn dễ dàng lọt qua cửa kiểm định. Rồi cả tình trạng lái xe cho nhau mượn phụ tùng (lốp, gương, đèn chiếu sáng, thậm chí cả má phanh) khi đưa xe đi đăng kiểm chiếu). Đáng báo động, tình trạng tiêu cực trong công tác đăng kiểm có hệ thống, đường dây chung chi và ngày càng khó kiểm soát.
Có thể nói, đây là một thực trạng nhức nhối, diễn ra trong thời gian dài, dư luận liên tục cảnh báo…, nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đó. Đã có những nỗ lực của ngành chủ quản trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, như cách chức, luân chuyển cán bộ tại những đơn vị để xảy ra tiêu cực. Tuy nhiên, công việc này không được tiến hành thường xuyên, mức xử lý vi phạm vẫn còn quá nhẹ, dẫn đến “lờn thuốc”.
Nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong đăng kiểm phương tiện cơ giới, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân viên, lãnh đạo các đơn vị đăng kiểm, biện pháp kỹ thuật, kiểm tra của ngành Giao thông Vận tải, cũng cần bổ sung quy định pháp luật hiện hành theo hướng tăng nặng chế tài nếu vi phạm nhằm nâng cao trách nhiệm của nhân viên, thủ trưởng cơ quan đăng kiểm.
Theo TTXVN