(ĐSPL) - Từ việc phân cấp quản lý cảng, bến thủy nội địa về địa phương đã gây ra nhiều khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, tạo nên một bức tranh loang lổ trong công tác quản lý giao đường thủy nội địa.
Phải chăng những quyết sách chia nhỏ sự quản lý cho địa phương đã thể hiện lợi ích nhóm trong hoạt động quản lý cảng, bến thủy nội địa…
Thời gian gần đây các doanh nghiệp vận tải thủy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tiếp giáp các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. Bởi, trên một đoạn sông mà mỗi bên bờ lại có các đơn vị Cảng vụ đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khác nhau, một bên là của Cục ĐTNĐ Việt Nam, một bên là của tỉnh Quảng Ninh. Khi phương tiện thủy vào cảng bên bờ phải phia Hải Phòng, Hải Dương thì làm thủ tục và nộp phí tại Cảng vụ Trung ương, sau đó quay sang bờ trái lại tiếp tục phải làm thủ tục và nộp thêm 1 lần phí nữa cho Cảng vụ địa phương, trong khi khoảng cách di chuyển giữa “đôi bờ” chưa đến 100 mét. Điều này khiến doanh nghiệp vận tải thủy mệt mỏi vì phát sinh thủ tục hành chính “nhiều tầng” sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành cải tiến phân cấp để “đổi mới” công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa.
Thực tế trên tuyến sông Đá Bạch và sông Mạo Khê, bờ trái thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, bờ phải thuộc địa phận thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương, trước khi tiến hành “ đổi mới” công tác quản lý cảng, bến; phương tiện đến xếp dỡ hàng hóa trên các tuyến sông này chỉ phải làm thủ tục vào, rời cảng và nộp phí, lệ phí 01 lần; nhưng sau khi “đổi mới” phương tiện thủy phải làm thủ tục và nộp phí 2 lần; thời gian chờ đợi làm thủ tục vào, rời cảng phát sinh gấp nhiều lần so với thời gian trước. Trước tình trạng đó các doanh nghiệp đồng loạt lên tiếng gửi các cơ quan chức năng và Bộ GTVT “kêu cứu”.
Thể hiện sự mệt mỏi trước vấn đề này, ông Bùi Văn Minh - Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Bình Minh (Doanh nghiệp vận tải thủy nội địa hoạt động chuyên tuyến sông Đá Bạch) ngao ngán nói: “Việc chia nhỏ công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa này đang làm cho các doanh nghiệp như chúng tôi mất quá nhiều thời gian và chi phí vô ích ”.
Cùng chung cảnh ngộ trên, ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Cường bày tỏ: Trước đây chỉ có 1 Cảng vụ ĐTNĐ quản lý, nên thủ tục vào, rời cảng luôn nhanh chóng và thuận tiện, nhưng từ khi chia nhỏ công tác quản lý cảng, bến làm phát sinh quá nhiều phiền toái về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vận tải thủy.
Trên tuyến sông Mạo Khê, Công ty TNHH Tiến Trung là doanh nghiệp chủ tàu thường xuyên hoạt động tại khu vực Hoàng Thạch cũng than phiền; với khoảng cách các cảng, bến 2 bờ sông rất gần nhau mà phương tiện lại phải chịu sự quản lý của nhiều cơ quan Cảng vụ, ông Phạm Ngọc Dũng - Giám đốc công ty cho rằng, việc chia nhỏ địa bàn quản lý cảng, bến không khác gì “hành” doanh nghiệp vận tải thủy.
Việc chia nhỏ công tác cảng, bến thủy nội địa đã gây phiền hà, rắc rối cho doanh nghiệp vận tải thủy vừa phải làm “nhiều tầng” thủ tục hành chính đồng thời phải nộp thêm gấp 2 lần chi phí cho một chuyến tàu.
Qua tìm hiểu thực tế trên tuyến sông Mạo khê đoạn khu vực cảng Bến Cân, các phương tiện thủy, đoàn sà lan neo đậu tràn lan ra giữa luồng khiến việc lưu thông của tàu thuyền trên đoạn sông này thường xuyên bị tắc nghẽn nhưng không có đơn vị nào đứng ra giải quyết vì lý do “ cha chung không ai khóc”, càng nhiều cơ quan quản lý thì càng khó quy trách nhiệm rõ ràng được, từ đó tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông đường thủy khiến người dân hoạt động, sinh sống trên đoạn sông này vô cùng bức xúc.
Để giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp và bất cập trong công tác quản lý cảng bến thủy nội địa đối với địa bàn có các tuyến sông tiếp giáp từ 02 tỉnh, thành phố trở lên trên phạm vi cả nước nói chung và khu vực Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh nói riêng. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, ông Hoàng Hồng Giang đã có văn bản báo cáo với Bộ trưởng GTVT và đưa ra các giải pháp cơ bản; theo đó, đối với cảng, bến xếp dỡ hàng hóa trên các tuyến ĐTNĐ Quốc gia tiếp giáp từ 02 tỉnh trở lên cần thống nhất giao cho Cảng vụ Trung ương quản lý. Đối với các doanh nghiệp, chủ phương tiện khi phát hiện các Cảng vụ thực thi trách nhiệm không đúng các quy định, gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp cần thể phản ánh về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở GTVT Quảng Ninh để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.
Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ GTVT cũng đã có văn bản số 9628/BGTVT-VT do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký, chỉ đạo Cục đường thủy nội địa Việt Nam rà soát việc phân cấp công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa, đề xuất lãnh đạo Bộ quyết định điều chỉnh nhằm tránh tình trạng trên cùng một đoạn sông có nhiều đơn vị cảng vụ quản lý đan xen như hiện nay. Đồng thời, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 59/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 Quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên từ khi có các văn bản của các cơ quan chức năng nhưng nhiều mọi việc vẫn… “giậm chân tại chỗ”; có lẽ sự cầu cứu của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là đối với Cục ĐTNĐ Việt Nam, Bộ GTVT cũng chìm dần xuống dòng sông Đá Bạch và sông Mạo Khê mà thôi.
Nhóm PV
Xem thêm video:
[mecloud]ySyZxpDls3[/mecloud]