(ĐS&PL) Trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác bảo tồn và phục chế di sản đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hộ,i khi hàng loạt những công trình hàng nghìn năm tuổi, sau trùng tu trở thành 1 năm tuổi... Đặc biệt, những ngày qua câu chuyện xung quanh tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung - Nam - Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí - một bảo vật quốc gia đã bị hư hại sau quá trình làm vệ sinh của bảo tàng, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong công tác bảo quản, tu bổ, phục chế di sản.
Tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung - Nam - Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí - một bảo vật quốc gia đã bị hư hại sau quá trình làm vệ sinh của bảo tàng. Ảnh Internet
Cuối tháng Tư năm 2019, Hội nghị tập huấn trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng triển khai Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) tổ chức, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội với kỳ vọng, hội nghị sẽ có những giải pháp thoả đáng cho vấn nạn trùng tu làm mới di tích đã kéo dài cả chục năm qua.Tăng cường công tác quản lý
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh, trước đây trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, người dân thường có xu hướng làm mới, đưa thêm các yếu tố không phù hợp vào di tích. Nhưng khi nghị định 166/2018 NĐ-CP có hiệu lực thì những hiện tượng này đã giảm đáng kể.
Trên thực tế, nhìn vào đời sống di sản nói chung, những di sản chưa được xếp hạng nói riêng, công tác trùng tu, bảo quản lâu nay dường như vẫn chỉ tồn tại dưới hình thức định lượng. Tức cơ quan quản lý (đối với di tích đã được đánh giá xếp hạng) và người dân (nơi có di tích) tiến hành sửa chữa, trùng tu những hạng mục hư hỏng, xuống cấp dựa theo nguyên mẫu gốc. Tuy nhiên, về lý thuyết là vậy, nhưng khi bắt tay vào trùng tu, nhiều di tích đã bị làm mới một phần, thậm chí hoàn toàn mới. Có thể liệt kê một vài công trình gây xôn xao dư luận gần đây như: việc xây dựng tượng Bà Chúa Xứ trên núi Sam (TP Châu Đốc, An Giang) khi chưa có sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền, không phù hợp với tín ngưỡng dân gian, gây bất bình cho người dân địa phương. Hay như vụ xây dựng đường dẫn cầu trên núi Cái Hạ trong vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), xâm hại nghiêm trọng Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới duy nhất tại Việt Nam. Chưa hết, gần đây thành phố Hà Nội đã công bố quy hoạch xây dựng ga ngầm C9, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Dự án ga tàu điện ngầm C9 được đặt tại khu vực Hồ Gươm, cao trên 20m, đỉnh nóc chỉ cách đài nghiên Tháp Bút vài mét, khiến dư luận xã hội nói chung, các nhà nghiên cứu văn hoá nói riêng lo ngại tuyến đường sắt đô thị này sẽ ảnh hưởng tới cụm di sản quốc gia Hồ Hoàn Kiếm.
Song, khi những lo ngại cho việc trùng tu, làm mới di sản tại những công trình cụ thể nói trên còn chưa đến hạ hồi phân giải, thì trên khắp dải đất hình chữ S, di sản bị làm mới vẫn liên tiếp xảy ra, khiến cho những lo ngại về tính nghiêm minh của Luật di sản đã được đặt ra. Giáo sư Trần Lâm Biền, một trong những chuyên gia hàng đầu ngành di sản cho rằng pháp luật phải đứng ra cứu di tích – di sản bởi họ là đối tượng đủ quyền và lực để thực hiện việc đó. Ông cũng cho rằng, người thực thi pháp luật phải mạnh bạo và quyết liệt hơn nữa. Phải có ý thức và trí tuệ cao hơn nữa. Phải có sự hiểu biết lẫn nắm vững nền tảng pháp luật, tuyệt đối không được trốn tránh trách nhiệm.
Việc cải tạo, trùng tu công trình cổ, di tích quốc gia là việc cần thiết để bảo vệ các công trình đó trước sự tác động của thời gian, khí hậu. Nhưng việc trùng tu một cách thái quá nói trên đã khiến cho các công trình di tích mang một diện mạo mới hoàn toàn khác biệt với nguyên mẫu cũ, tạo nên sự xa lạ, phản cảm.
Cần “thầy giỏi, thuốc tốt”
Lý giải cho công tác quản lý di sản, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: có những thời điểm do công tác quản lý về hoạt động tu bổ di tích chưa được chặt chẽ, hệ thống các văn bản pháp luật chưa đầy đủ, thực tế có nhiều bất cập nảy sinh… đã dẫn đến nhiều sai phạm trong hoạt động tu bổ di tích. Năm 2018 nổi lên nhiều vụ việc sai phạm trong lĩnh vực này ở các địa phương như Hà Nội, An Giang, Ninh Bình… hầu hết là các công trình trùng tu với nguồn vốn đầu tư tu bổ là xã hội hóa. Tuy nhiên, trong quá trình trùng tu, tu bổ di tích tại một số nơi, khi cán bộ triển khai biện pháp nối vá chân cột để không phải thay thế mà vẫn đảm bảo giữ được yếu tố gốc của di tích thì chính cộng đồng địa phương lại phản đối cho rằng cán bộ bớt xén nguyên vật liệu, đồng thời yêu cầu phải thay thế cột mới. Thực tế đó đòi hỏi các chuyên gia phải tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để nhân dân hiểu và đồng thuận. Bên cạnh đó, việc thực thi các văn bản pháp luật cần luôn theo sát thực tiễn, hoàn thiện để nâng cao chất lượng công tác tu bổ, tôn tạo di tích…
Công bằng mà nói, quản lý di tích không chỉ đơn thuần là định lượng di tích, hay lên kế hoạch tăng cường công tác kiểm đếm, bảo vệ di tích, tránh sự mất mát về số lượng mà cần am hiểu di tích đó để có phương án thay thế, sửa chữa, bảo quản di tích nguyên gốc. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế lại khác, câu chuyện hỏng đâu, sửa đó, thậm chí đập bỏ hoàn toàn đang trở thành lựa chọn của không ít đơn vị quản lý di tích. Đơn cử Di tích quốc gia đặc biệt thành Cổ Loa có tuổi đời 2.300 năm trong quá trình tôn tạo nhiều đoạn thành bị san ủi để làm đường và xây dựng các công trình dân sinh. Hay hào nước dưới chân kinh thành Huế đã bị đơn vị thi công dùng xe xúc phá dỡ toàn bộ kè đá có tuổi đời gần 200 năm để xây một bờ kè mới bằng đá granite (pha lẫn đá cũ), ống nhựa polime… Tất cả những sự việc trên cho thấy quá trình phục dựng, tu bổ di tích là các công trình kiến trúc đang bị thả nổi theo kiểu mạnh ai lấy làm. Và khi các cơ quan quản lý vào cuộc thì đa phần câu trả lời cho những sai phạm đó là do sử dụng nguồn kinh phí xã hội hoá, hoặc hạn chế về sự hiểu biết di tích dẫn đến sai phạm mà không thể quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, đơn vị dẫn đến sai phạm càng trở nên phổ biến và di sản chính là nạn nhân bất khả kháng.
Di sản xuống cấp, việc tu bổ phục dựng rất cần đội ngũ chuyên gia lành nghề vừa có Tầm, có Tâm, nhưng khi đã có Tầm, có Tâm thì những sai sót đáng tiếc không phải không xảy ra. Tác phẩm Vườn xuân Trung - Nam - Bắc là một ví dụ, nếu chỉ bảo quản mà không am hiểu hiện vật chính là thảm hoạ đối với di sản. Tác phẩm Vườn xuân Trung - Nam - Bắc được danh họa Nguyễn Gia Trí sáng tác vào giai đoạn đất nước còn trong khói lửa chiến tranh. Thời gian sáng tác tác phẩm kéo dài tới 20 năm (khởi đầu từ năm 1969 và hoàn thành năm 1989). Đây được cho là tác phẩm có thời gian tâm huyết lâu nhất, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật nhất, có kích thước lớn nhất và là một trong những tác phẩm sáng tác cuối cùng của cuộc đời họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Năm 1990, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã bỏ ra một số tiền lớn (khoảng 100.000 USD) để mua tác phẩm và trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Năm 2013, Chính phủ ra quyết định công nhận tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí là “Bảo vật quốc gia”. Song, trước tác động của thời gian và khí hậu, Vườn xuân Trung - Nam - Bắc đã xuống cấp và được Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh tiến hành “vệ sinh”. Tuy nhiên, sau quá trình “vệ sinh” (theo Bảo tàng này khẳng định), tác phẩm có dấu hiệu xuống cấp khiến dư luận lo ngại về phương pháp, cũng như nguyên vật liệu đã được bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh sử dụng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm đã dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ tới Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh kiểm tra thực tế công tác bảo quản bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung - Nam - Bắc của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Trước mắt, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ gồm đề án, kế hoạch, nội dung về bảo quản, làm vệ sinh, biên bản các cuộc họp của hội đồng; khảo sát thực tế hiện trạng của bức tranh. Đoàn kiểm tra cũng sẽ làm việc với Chủ tịch Hội đồng khoa học của bảo tàng và người trực tiếp vệ sinh tác phẩm, sau đó các chuyên gia sẽ đưa ra kiến nghị, giải pháp và tổng hợp để báo cáo Bộ trưởng.
Chắc chắn sẽ có những kết luận thoả đáng về công tác bảo quản, trùng tu tác phẩm Vườn xuân – Trung - Nam -Bắc, nhưng những bong tróc, hư hỏng mà tác phẩm nghệ thuật có được sau công tác bảo quản sẽ rất khó khắc phục. Và như vậy, trách nhiệm của đơn vị chủ quản đến đâu vẫn còn là câu hỏi khiến dư luận đau đáu gửi gắm về Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch. Dẫu biết, chúng ta đã có một thời gian dài không có điều kiện bảo quản tác phẩm mỹ thuật, đó là chưa nói tới thời chiến còn phải đem tác phẩm vào hang cất giữ. Nhiều tác phẩm sơn dầu bị bong, cũ, bị ôxy hóa, nhưng khi đất nước đã phát triển, khoa học kỹ thuật cho phép chúng ta có điều kiện để bảo quản những di sản của cha ông để lại, thì không có lý do gì lại để di sản mai một, thậm chí biến mất.
Trước tác động của không gian, thời gian và khí hậu, Di sản đang rất cần thầy giỏi, thuốc tốt để quá trình bảo tồn, phục dựng không còn là cuộc chiến được, mất. Xin được trích dẫn Điều 4 Hiến chương Burra (năm 1999 - Hiến chương Burra được ICOMOS Australia, là Uỷ ban quốc gia Australia thuộc Hội đồng quốc tế các di tích và di chỉ (ICOMOS), thông qua ngày 19-8-1979 tại Burra ở Nam Australia), ghi: “Các kỹ thuật và chất liệu truyền thống được ưu tiên sử dụng khi bảo tồn. Trong một số trường hợp, kỹ thuật và chất liệu hiện đại có thể thích hợp nếu nó mang lại những lợi ích đáng kể cho việc bảo tồn
Cùng với điều 4 Hiến chương Burra, Việt Nam có Nghị định 166, kế thừa và bổ sung Nghị định 70, quy định rõ hơn về giải quyết vấn đề về thủ tục, thẩm quyền trong hoạt động tu bổ di tích tại các địa phương. Như vậy, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích nói chung được kỳ vọng sẽ được nâng cao, cũng như nhiều vấn đề còn khó khăn, vướng mắc sẽ được tháo gỡ.
Theo Văn nghệ số 19/2019