+Aa-
    Zalo

    Bão số 2 có thể đổ bộ đất liền, người dân nên làm gì để an toàn và khỏe mạnh?

    (ĐS&PL) - Để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ, lụt gây ra, người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng tránh.

    Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13h ngày 22/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 120km về phía Đông.

    Dự báo, đường đi của bão số 2 trên Biển Đông. Ảnh: NCHMF

    Dự báo, đường đi của bão số 2 trên Biển Đông. Ảnh: NCHMF

    Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 2 mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 13, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.

    Dự báo cơn bão số 2 mạnh thêm di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

    Đến chiều 23/7, bão số 2 đổ bộ vào đất liên các tỉnh Quảng Ninh- Hải Phòng.

    Những điều nên làm trước khi bão đổ bộ

    - Viết ra các số điện thoại khẩn cấp và dán vào tủ lạnh hay gần điện thoại bàn nhà bạn, hoặc góc nào dễ nhìn thấy nhất.

    - Chuẩn bị sẵn một bộ dụng cụ khẩn cấp (dụng cụ sơ cứu, thuốc thiết yếu,...)

    - Nếu bạn đang ở cơ quan hay ngoài đường khi có bão, nên tìm nơi trú ẩn gần nhất để lánh bão. Hoặc tìm các tuyến đường khác nhau để có thể về nhà dễ dàng hơn. Hãy dùng bản đồ chỉ đường hoặc hướng dẫn của địa phương.

    - Trước khi bão đổ bộ, hãy đi mua sắm, đi chợ đủ dùng cả tuần trong thời gian phải ở nhà tránh bão. Hãy mua đủ thực phẩm và những vật dụng cần thiết cho gia đình bạn trước khi bão đổ bộ.

    - Luôn sẵn sàng chuẩn bị trước tâm lý nếu gia đình bạn sống ở nơi hay bị lũ, lở đất hoặc ngập lụt có khả năng phải đi sơ tán.

    - Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi: đối với người cao tuổi thường sức khỏe giảm sút và hay mắc các bệnh lý nền, cần quan tâm đặc biệt. Hãy mua và chuẩn bị đủ các thuốc thiết yếu cần thiết cho người già trước khi bão tới. Điều này cũng nên áp dụng cả với trẻ em và những thành viên khác trong gia đình. Chẳng hạn nếu trong nhà có người bị bệnh hen cần thuốc, hãy đảm bảo rằng thuốc đủ, không bị hết khi bão tới.

    Luôn sẵn sàng chuẩn bị trước tâm lý nếu gia đình bạn sống ở nơi hay bị lũ, lở đất hoặc ngập lụt có khả năng phải đi sơ tán. Ảnh minh họa

    Luôn sẵn sàng chuẩn bị trước tâm lý nếu gia đình bạn sống ở nơi hay bị lũ, lở đất hoặc ngập lụt có khả năng phải đi sơ tán. Ảnh minh họa 

    Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn thông tin CDC Hoa Kỳ khuyên bạn nên in các tài liệu quan trọng (như số điện thoại quan trọng, thông tin bảo hiểm, ...) trước khi có bão. Bởi khi bão xảy ra thường hay mất điện và mất mạng internet. Bạn khó có thể truy cập thông tin trực tuyến trong tình trạng thời tiết xấu.

    Những thứ cần dự trữ, mua sắm và chuẩn bị từ trước

    - Thực phẩm và nước uống. Cần đảm bảo tích trữ đủ nước sạch để dùng, đặc biệt là nước uống trước khi bão tới để dùng trong thời gian xảy ra bão. Hãy mua đủ đồ ăn, thức uống trước khi bão tới.

    - Thuốc thiết yếu. Ngoài thuốc chữa bệnh, có thể mua sẵn thuốc chống dị ứng, thuốc chữa nước ăn chân, vitamin nếu cần tăng cường sức đề kháng,...

    - Đèn pin, pin dự phòng. Khi bão có thể xảy ra trường hợp mất điện. Hãy mua sẵn và chuẩn bị đèn pin đủ để cả gia đình dùng. Pin dự phòng cũng nên được sạc đầy trước khi bão tới.

    - Vật dụng cá nhân nên được chuẩn bị sẵn.

    Chuẩn bị các vật dụng cần thiết. Ảnh minh họa

    Chuẩn bị các vật dụng cần thiết. Ảnh minh họa 

    - Giấy tờ quan trọng như sổ khám chữa bệnh, giấy tờ tùy thân, đơn thuốc nên cất giữ cẩn thận, tránh bị ướt, để nơi dễ tìm trong trường hợp phải nhập viện.

    - Bình chữa cháy. Khi cơn bão xảy ra, có thể xảy ra chập điện, cháy nổ. Vì vậy nên chuẩn bị sẵn bình cứu hỏa trong nhà trong trường hợp khẩn cấp.

    Nên làm gì trong khi xảy ra bão?

    - Đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật…

    - Không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ.

    - Nên ở trong nhà, nơi chú ẩn không đi ra ngoài, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào.

    - Chuẩn bị sẵn đèn pin đề phòng mất điện, không sử dụng nến để thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

    - Đề phòng lốc xoáy do bão gây ra; nên ở bên trong và ở trung tâm ngôi nhà hoặc tầng hầm (nếu có).

    - Nếu bạn được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình bạn và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp.

    - Thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu nạn, cứu hộ đến Trưởng thôn hoặc UBND xã.

    Nên làm gì sau khi xảy ra bão?

    - Tiếp tục theo dõi tin tức và cập nhật tình hình thời tiết.

    - Chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra.

    - Không đến gần hoặc đi vào các tòa nhà đã bị hư hại, ngập nước, tuân thủ theo các biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn), vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/bao-so-2-co-the-o-bo-at-lien-nguoi-dan-nen-lam-gi-e-an-toan-va-khoe-manh-a448088.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan