Theo Reuters, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dựa trên dữ liệu từ 87 quốc gia vào năm 2020 cho thấy tình trạng kháng thuốc gia tăng ở vi khuẩn gây nhiễm trùng máu, bao gồm cả việc kháng những loại thuốc kháng sinh cuối cùng, đã được ghi nhận trong năm 2020 – năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19.
Việc sử dụng quá liều và lạm dụng thuốc kháng sinh khiến nhiều loại vi khuẩn kháng lại nhiều biện pháp điều trị, trong khi các phương pháp điều trị thay thế đang được phát triển lại ít đến mức báo động.
Trong báo cáo của WHO, các tác giả nhấn mạnh mức độ kháng thuốc cao (trên 50%) đã được báo cáo ở các vi khuẩn thường gây nhiễm trùng máu nguy hiểm đe dọa tính mạng con người như Klebsiella pneumoniae và Acinetobacter spp. Những bệnh nhân nhiễm các vi khuẩn này thường cần điều trị bằng loại kháng sinh dự phòng cuối cùng khi tất cả các loại thuốc kháng sinh khác đều không có hiệu quả.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết khoảng 8% các ca nhiễm trùng máu do vi khuẩn Klebsiella pneumoniae gây ra gặp tình trạng kháng thuốc với nhóm kháng sinh dự phòng cuối cùng quan trọng có tên carbapenems.
Tiến sĩ Carmem Pessoa-Silva, người đứng đầu Hệ thống Giám sát Kháng kháng sinh toàn cầu của WHO, chia sẻ tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh (AMR) vẫn rất cao nhưng các loại thuốc kháng sinh cuối cùng mới chỉ bắt đầu mất tác dụng. Nữ chuyên gia nói chúng có cơ hội rất nhỏ để ứng phó với mối đe dọa này.
Một vấn đề cần lưu tâm là các nhà sản xuất thuốc phải bỏ nhiều nỗ lực, chi phó và thời gian cần thiết để một loại thuốc kháng sinh được phê duyệt nhưng lợi tức đầu tư lại hạn chế, khi các phương pháp điều trị phải có giá rẻ và được thiết kế để sử dụng ít nhất có thể nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc.
Việc này đã khiến các nhà sản xuất thuốc nản lòng. Kết quả, phần lớn sự án phát triển thuốc kháng sinh đang diễn ra trong một số phòng thí nghiệm của công ty dược phẩm sinh học nhỏ do phần lớn các đối tác lớn hơn của họ tập trung vào các thị trường sinh lợi hơn. Hiện, chỉ còn một số công ty dược phẩm lớn vẫn đang phát triển thuốc kháng sinh như GSK và Merck, giảm so với số lượng hơn 20 công ty vào những năm 1980.
Theo một phân tích toàn cầu mang tính bước ngoặt được công bố đầu năm 2022 cho thấy, 1,2 triệu người qua đời vào năm 2019 do nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, khiến AMR trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, cao hơn cả HIV/AIDS hoặc sốt rét. Ông Thomas Cueni – Tổng Giám đốc Hiệp hội Các nhà sản xuất dược phẩm quốc tế cho rằng cam kết chính trị về kháng kháng sinh hiện phải khẩn trương chuyển từ ý muốn thành hành động.
Trong khi đó, các tác giả báo cáo của WHO cho biết cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác định lý do phía sau sự tăng vọt tỷ lệ kháng kháng sinh trong giai đoạn nghiên cứu và mức độ liên quan của tình trạng này với việc tăng sử dụng kháng sinh trong đại dịch. Theo các tác giả, tỷ lệ kháng kháng sinh hiện vẫn khó giải thích do không đủ thử nghiệm và năng lực phòng thí nghiệm yếu, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Đinh Kim(Theo Reuters)