(ĐSPL)- Đau xót khi những người làm cha mẹ "đem trứng gửi cho ác" khiến những đứa trẻ đáng thương vì bệnh tật lại phải chịu những trận đòn roi của những "bảo mẫu" cạn tình người.
Thiếu trường chuyên biệt cho trẻ tự kỷ nên không ít bậc phụ huynh đành phải phó thác con em mình vào những cơ sở dạy trẻ không có giấy phép, không có chuyên môn.
Những cách dạy trẻ khiến đau lòng cha mẹ
Những ngày vừa qua, dư luận hết sức phẫn nộ về những gì đã xảy ra tại trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương (gọi tắt là trường Anh Vương, tại số 86 đường Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM) do ông Chu Văn Việt làm chủ. Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, vào ngày 7/7, cháu Trần Minh Sang (8 tuổi, ngụ TP. Đà Nẵng, tạm trú TP.HCM, mắc bệnh tự kỷ) nhớ ba mẹ nên đã chạy ra cổng tìm người thân. Lúc này, các giáo viên đứng lớp tại cơ sở đã chạy ra cố kéo lại kèm theo những lời quát tháo. Thậm chí, các cô còn nắm đầu cháu Sang đập liên tiếp vào cổng sắt rồi dùng roi sắt đánh vào người Sang khiến em này khóc tức tưởi. Không những thế, những lúc trẻ tự kỷ ở đây phá phách, không nghe lời trong những bữa ăn, giáo viên tại cơ sở này "xuất chiêu" nắm cổ áo, kéo trẻ vào bàn ăn, lấy khung hình bằng gỗ, roi sắt và cây nhựa đánh đập, dọa nạt để các em thực hiện nghĩa vụ của mình trong mỗi bữa ăn. Cứ như thế, việc quát tháo, đánh đập trẻ tự kỷ của các giáo viên nơi đây diễn ra như cơm bữa.
Chỉ khi những hình ảnh về phương pháp dạy trẻ nhuốm màu bạo lực nói trên được tung ra thì các bậc phụ huynh của những trẻ tự kỷ đang theo học nơi đây mới bàng hoàng, phẫn nộ. Sáng 21/7, hàng loạt phụ huynh của trẻ tự kỷ đã vội vàng tìm đến đây để tường tận sự việc. Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Châm (bạn thân của mẹ cháu Minh Sang) cho biết: "Chúng tôi không còn lời lẽ nào để diễn tả cho cảm xúc bàng hoàng của mình khi nhìn thấy những hình ảnh giáo viên của trường dạy trẻ tự kỷ đánh đập con em mình. Quá bức xúc về việc làm sai trái của trường này, chúng tôi đến đây để nhận được những lời giải trình của nhà trường và cũng là tìm cách bảo vệ an toàn cho các cháu".
Với vẻ mặt thẫn thờ trước sự thật về trường Anh Vương, ông Phạm Kinh Hùng (quê tỉnh Long An, ông nội của cháu Kỳ Nam) chia sẻ: "Do ba mẹ cháu Nam ly dị nhau từ khi cháu còn rất nhỏ nên vợ chồng tôi đã chăm sóc và nuôi dưỡng cháu. Đến khi cháu được hơn một tuổi thì gia đình mới phát hiện cháu mắc chứng bệnh tự kỷ. Chính vì vậy, ngay sau khi biết tin về việc nhận dạy trẻ tự kỷ của trường Anh Vương, vợ chồng tôi đã dành dụm tiền bạc để cháu được vào trường đi học cùng với bạn bè vì thấy trường này khá khang trang và có đội ngũ giáo viên, bảo mẫu đông đảo. Mỗi tháng, chúng tôi phải đóng học phí cho cháu là 8 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền xây dựng trường 5 triệu đồng/năm. Thầy Việt nói, sở dĩ học phí cao như vậy là do trường có liên kết với bệnh viện Nhi Đồng 1 để chữa bệnh cho các cháu. Thế nhưng, các bậc phụ huynh không hề có cơ hội để xác minh việc chữa bệnh ấy diễn ra như thế nào".
|
Những bữa cơm đạm bạc tại trường Anh Vương dù học phí đắt đỏ. |
Ông Hùng bức xúc: "Thời gian đầu học tại đây, tôi thấy cháu Nam có những tiến bộ nhất định như có thể tự xúc cơm ăn mà không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai. Tuy nhiên, thời gian gần đây thấy cháu có nhiều dấu hiệu chểnh mảng nên tôi đề cập với thầy Việt về vấn đề đầu tư chuyên môn. Vậy mà, sự thật về trường dạy trẻ tự kỷ này đã nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Thay vì dùng chuyên môn nghiệp vụ để đẩy lùi căn bệnh tự kỷ cho các cháu thì các giáo viên ở đây lại đổ lỗi do trẻ quá lì lợm, phá phách nên buộc phải dùng gậy gộc, quát nạt để đe dọa những đứa trẻ vốn rất thiệt thòi này. Quá xót xa khi biết tin các cháu bị hành hạ nên gia đình tôi quyết định đưa cháu Nam về chờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng".
Kinh doanh trá hình, đội lốt trường dạy trẻ tự kỷ
Một phụ huynh có trẻ tự kỷ theo học tại trường Anh Vương cho biết, ông Chu Văn Việt, chủ trường, trước đây là một nhân viên kinh doanh gỗ. Tuy nhiên, khi con trai của mình mắc căn bệnh tự kỷ, ông Việt đã tìm cách gây dựng và thành lập một trường nhận nuôi dạy trẻ tự kỷ.
Chia sẻ với về những sai phạm tày trời của trường Anh Vương, bà Phan Thị Kim Nga (người nhà của cháu N. đang học tại đây) cho biết: "Cho đến khi sự việc vỡ lở, chúng tôi mới biết lãnh đạo trường này lợi dụng nhu cầu của các bậc phụ huynh muốn cho con trẻ mắc bệnh tự kỷ vào các trường nội trú để trục lợi. Đối với những gia đình ở tỉnh lẻ như chúng tôi thì việc đưa đón trẻ đến học tại các trường tự kỷ là vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, sau khi tìm hiểu thông tin về các trường chuyên biệt trên địa bàn TP.HCM thì chỉ có cơ sở Anh Vương nhận dạy trẻ tự kỷ nội trú. Hiện ông Việt thu nhận được 27 trẻ tự kỷ đang tham gia học tại đây, thu học phí khá cao.
Liên quan đến những sai phạm của cơ sở Anh Vương, sáng 21/7, PV đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM. Bà Thanh khẳng định: "Anh Vương không phải là trường dạy trẻ tự kỷ mà chỉ là một công ty TNHH MTV. Trong giấy phép của mình, đơn vị này đăng ký nhận nuôi dưỡng người già neo đơn, khuyết tật chứ không hề có chức năng dạy trẻ tự kỷ. Điều đó cho thấy, đơn vị này đã hoạt động trá hình nhằm thu hút nhu cầu cho trẻ tự kỷ đi học của các bậc phụ huynh. Chính vì vậy, Sở đã lập biên bản yêu cầu cơ sở này phải tháo gỡ bảng hiệu và giải thể ngay lập tức. Đồng thời, giao cho chính quyền địa phương bảo vệ quyền lợi của trẻ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các trẻ đang tham gia học ở đây. Sau đó, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành phân loại trẻ tự kỷ ở đây để có biện pháp đưa 27 trẻ tự kỷ vào các trường chuyên biệt công lập".
Bà Thanh nói thêm: "Đối với các cơ sở dạy trẻ tự kỷ trá hình như Anh Vương thì trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Chính quyền địa phương cần phải giám sát nghiêm nhằm lật tẩy các cơ sở kinh doanh đội lốt trường dạy trẻ tự kỷ để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Chính vì vậy, tôi hy vọng rằng sau sự việc này, các địa phương cần phải rút kinh nghiệm để có biện pháp xử lý kịp thời những cơ sở trá hình như Anh Vương".
Thạc sỹ Nguyễn Thị Nha Trang, Chủ nhiệm dự án Phát hiện sớm trẻ tự kỷ và các nguồn hỗ trợ trong cộng đồng đưa ra thống kê về những con số ám ảnh liên quan tới tự kỷ: ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về tỉ lệ tự kỷ trong toàn quốc. Tuy nhiên, một số nghiên cứu ở bệnh viện Nhi Trung ương và bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho thấy trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ đang tăng nhanh. Cụ thể, nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng bệnh viện Nhi Trung ương năm 2007 tăng gấp 33 lần so với năm 2000 và xu thế mắc tự kỷ tăng nhanh từ 122\% đến 268\% trong những năm tiếp theo.
Giáo viên không có trình độ chuyên môn Theo tìm hiểu của PV, hầu hết những "giáo viên" tại cơ sở Anh Vương không hề có bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ về vấn đề nuôi dạy trẻ tự kỷ. Ngược lại, có không ít người là lao động chân tay bình thường được nhận vào đây và nghiễm nhiên trở thành "giáo viên". Điển hình như cô Nguyễn Thị Nhờ, làm việc lại trường Anh Vương ba năm nay nhưng không hề có bằng cấp hay nghiệp vụ gì. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bang-hoang-nhung-bao-mau-day-tre-tu-ky-bang-bao-luc-a43282.html