Bọ cạp rừng được xem là “thần dược”, vừa có thể chế biến thành món ăn lại có thể ngâm rượu tẩm bổ. Nhu cầu lớn, giá thành cao, bọ cạp núi trở thành món hàng thu hút người dân săn lùng đem bán kiếm thu nhập “khủng”. Hằng ngày, người dân các huyện miền núi thuộc tỉnh Đồng Nai đổ xô đi săn bọ cạp, bất chấp những nguy hiểm rình rập nơi rừng thiêng nước độc.
Theo chân thợ săn, xuyên rừng săn bọ cạp
Những năm gần đây, bọ cạp rừng được giới “dân chơi” truyền tai nhau là món ăn “sung dược”, giúp tăng cường bản lĩnh đàn ông. Do vậy, loài côn trùng này được săn lùng một cách ráo riết để làm món nhậu, ngâm rượu. Tuy nhiên, để săn được loài côn trùng này, những thợ săn gặp không ít gian nan, nguy hiểm.
Tuyệt chiêu dùng kiến săn bọ cạp. |
Theo tìm hiểu của PV, nghề săn bọ cạp ở các huyện miền núi tỉnh Đồng Nai hình thành từ hơn chục năm trước. Bởi, vùng này có địa hình chủ yếu là núi đá ong, độ ẩm lý tưởng nên bọ cạp sinh trưởng nhanh. Loài này thường sống trong hang sâu, muốn bắt phải có mưu và mẹo.
Để hiểu hơn về nỗi gian nan trong nghề săn bọ cạp núi, một ngày đầu tháng Tám, PV xin theo đoàn thợ săn để chứng kiến tận mắt công việc này. Cả đoàn gồm 5 người, tay mang theo xô chậu, chân đi ủng, mặc quần áo bảo hộ lỉnh kỉnh kéo nhau vào rừng khi trời còn tờ mờ sáng.
Trước khi đi, chúng tôi được trưởng đoàn là anh Nguyễn Văn Tư dặn dò phải bám sát nhau, không được tách đoàn vì rất dễ bị lạc. Khi chọn được khu vực dừng chân săn bọ cạp, chúng tôi phải để xe máy lại và đi bộ hàng cây số trong rừng. Các thợ săn phải men theo lối mòn cũ hoặc xé rừng để tìm hang bọ cạp.
“Trước đây, người đi săn bọ cạp không những phải căng mắt để tìm hang mà còn phải vất vả, mạo hiểm thò tay vào hang bọ cạp để bắt. Không ít người bị bọ cạp cắn sưng tay, thậm chí nhầm vào hang rắn bị cắn suýt mất mạng. Nhưng tầm ba năm nay, chúng tôi tìm ra một phương pháp mới để bắt bọ cạp hiệu quả và an toàn. Ðó là dùng những con kiến mụ nhọt có sức chiến đấu để nhử. Chúng tôi có thể bắt chúng một cách dễ dàng”, anh Nguyễn Văn Tư, một tay săn bọ cạp chuyên nghiệp chia sẻ.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”
Theo tiết lộ của anh Tư, người đi săn sẽ dụ kiến đi vào hang bọ cạp bằng một sợi thép dài khoảng 40cm. Đầu sợi thép, người thợ săn cột lông gà có tẩm lòng đỏ trứng gà để kiến bu xung quanh. Gặp hang bọ cạp, người đi săn chỉ việc đưa sợi thép có kiến vào hang. Kiến tấn công vào các khớp của bọ cạp, khiến bọ cạp đau đớn, tháo chạy khỏi hang. Lúc này, người đi săn nhanh chóng tóm gọn con bọ cạp đang hốt hoảng. Nhờ vậy, mỗi hang, thợ săn chỉ mất từ 10-30 giây để bắt loài côn trùng này.
Với thợ săn chuyên nghiệp, chỉ cần nhìn cửa hang là biết bên trong có bao nhiêu con bọ cạp, lớn hay nhỏ.
Tuy nhiên, săn bọ cạp không chỉ đơn giản như vậy. Chị Nguyễn Thị Tám, một thợ săn bọ cạp chia sẻ, đây là công việc phải dùng tới mưu mẹo nếu không có thể phải bỏ mạng giữa rừng.
Chị Tám nói: “Nếu chỉ săn ở một địa điểm thì vài ngày là không còn bọ cạp để bắt nữa. Để mỗi ngày đều có tiền từ việc săn bọ cạp, thợ săn phải liên tục thay đổi địa điểm, băng từ đồi này sang núi nọ. Không ít người mải đi trong rừng rồi lạc hướng và rời mất nhiều ngày mới tìm được lối ra”.
Chị Tám cho biết, hiện nay, giá bọ cạp bán cho thương lái dao động từ 170.000 – 220.000 đồng/kg. Khách mua lẻ giá cao hơn, từ 250.000 – 300.000 đồng/kg. Sau khi bắt về, người đi săn phải bán thật nhanh, nếu không, bọ cạp sẽ ốm, nhẹ cân và mất giá. Trung bình mỗi ngày, người đi săn bọ cạp có thể bắt được từ 2 - 3kg, người chuyên nghiệp từ 4 – 5kg. Trừ chi phí mua kiến mụ nhọt, thợ săn bọ cạp có thể có thu nhập từ 300.000 – 800.000 đồng/ngày. Những hôm “trúng đậm” có thể kiếm tiền triệu.
Bán bọ cạp giá cao, thợ săn thu nhập “khủng”. |
Anh Phan Văn Xéo (ngụ huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Chúng tôi đi bắt bọ cạp, một số người khác lại chuyên bắt kiến đem đến bán cho chúng tôi. Giá kiến mụ nhọt khoảng 120.000 - 140.000 đồng/kg. Thông thường, 1 lạng kiến có thể bắt được gần 1kg bọ cạp”.
Ông Huỳnh Văn Nghên, một trong những người hành nghề săn bắt bọ cạp đầu tiên khu vực miền núi tỉnh Đồng Nai cho biết, 10 năm qua, nghề săn bọ cạp vẫn chưa bao giờ hết sức hút. Nghề này đã đem lại cho ông thu nhập ổn định từ 6 – 10 triệu đồng mỗi tháng.
“Mùa nắng nóng, tôi có thể săn 2 – 3kg bọ cạp mỗi ngày. Khi mưa xuống, nếu chịu khó đi sớm về muộn, chúng tôi có thể bắt được 5 - 6kg, thu nhập cả triệu bạc. Do bọ cạp sinh đẻ nhiều nên hàng chục người hành nghề, đi bắt liên tục suốt nhiều năm vẫn không hết. Cứ sau 20 ngày, lại có lứa bọ cạp mới”, ông Nghên cho biết.
Nhưng để có tiền, người đi săn cũng phải đánh đổi không ít mồ hôi nước mắt. Ông Nghên kể rằng, 10 năm qua, không ít lần ông gặp nạn khi đi săn bọ cạp. Một lần ông bị trật khớp vì té khi leo lên mỏm đá mấp mô. Lần khác, ông bị rắn cắn. Nhưng nhờ có kinh nghiệm đi rừng, ông vẫn giữ được mạng.
Ông nhớ lại: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Năm 2014, tôi bị rắn cắn, tưởng không qua khỏi. Nhưng lúc đó, tôi xé áo cột lại, không cho máu độc lan tỏa. Sau đó, nhờ anh em đi săn chung đưa tôi ra khỏi rừng đến bệnh viện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) cấp cứu nên thoát chết. May là hôm đó không đi sâu vào rừng và đi đông nếu không có khi tôi bỏ mạng mà không ai biết”.
Món khoái khẩu của đàn ông thành thị Ông Hoàng Minh Vĩ, một thương lái chuyên thu mua bọ cạp cho biết, mỗi ngày, ông về huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) thu mua khoảng 30-50kg bọ cạp từ cánh thợ săn. Ngày nào “thắng đậm”, ông thu được khoảng 70kg bọ cạp. Sau khi có hàng, ông sẽ cho đóng gấp để gửi về các nhà hàng ở TP.HCM làm món ăn và phân phối để ngâm rượu. Số lượng hàng cung cấp dường như không đủ nhu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh rượu cần. |
Nhâm Thân