+Aa-
    Zalo

    Giám đốc công ty xây dựng - Top 3 MasterChef 2014 bật mí cách nấu ăn ngon

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sự phát triển của ngành du lịch và dịch vụ khiến các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, resort mọc lên rầm rộ và nghề đầu bếp được lọt vào nghề “hot”.

    Sự phát triển của ngành du lịch và dịch vụ khiến các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, resort mọc lên rầm rộ và nghề đầu bếp được lọt vào nghề “hot”.

    Làm bếp là một nghệ thuật

    Chị Đoàn Thị Thu Thủy, Top 3 MasterChef 2014 vốn là Giám đốc của một công ty xây dựng hạ tầng tại TP.Hồ Chí Minh. Công việc bộn bề không làm mất đi bản năng của một người phụ nữ muốn đem đến cho người thân của mình những bữa ăn ngon.

    Chị Thủy chia sẻ: “Từ nhỏ, mẹ tôi đi buôn bán còn ba tôi đi làm suốt ngày, là chị cả nên việc bếp núc trong gia đình do tôi quán xuyến. Chưa kể, có thời gian rảnh rỗi, tôi lại theo các bà nội trợ đi nấu cỗ đám hỏi, đám cưới,... Từ đó, tôi thành thạo nấu ăn lúc nào không hay. Các bác vẫn động viên tôi: “Mày khéo tay thế, nhất định trở thành đầu bếp giỏi”.

    Theo chị Thủy, nấu ăn là một nghệ thuật, người đầu bếp là một nghệ sĩ.

    Bởi đam mê nấu nướng, nên chị Thu Thủy dành một quỹ thời gian để mua sách liên quan đến cách chế biến các món ăn về nghiên cứu. Để thành thạo hơn, chị tự mình vào bếp và thực hành. Năm 30 tuổi, chị bắt đầu lên Sài Gòn sinh sống, lập nghiệp. Công việc đã giúp chị có cơ hội được tiếp xúc với nhiều món ăn. Mỗi lần đi ăn ở nhà hàng chị quan sát cách đầu bếp nhà hàng đó nấu nướng, về nhà, chị lại mày mò làm cho được những món ăn chị đã có dịp thưởng thức.

    Dù không qua trường lớp đào tạo nào, nhưng với niềm đam mê mãnh liệt, chị Thủy trở thành một đầu bếp giỏi. Năm 2014, chị Thu Thủy bén duyên với cuộc thi MasterChef, với chị đây là một trải nghiệm thú vị.

    Để nấu những món ăn phù hợp với khẩu vị của hàng trăm người, chị Thu Thủy đã trải qua không ít khó khăn: “Tất nhiên nấu cho thực khách thì chín người mười ý, khen chê là lẽ thường. Nhưng tôi có nguyên tắc riêng, nấu món ăn đặc trưng của vùng miền nên phải bám theo cách nêm nếm của vùng miền đó, không vì khách chê mặn chê nhạt mà tôi thay đổi cách nêm nếm, vì tôi là người biết rõ nhất món ăn đó phải nêm ra sao, phải chế biến thế nào.

    Tôi phục vụ khách sành ăn và biết thưởng thức chứ không phục vụ thực khách muốn nhà hàng làm theo khẩu vị của họ. Tuy nhiên, cũng có nhiều thực khách ăn quen lâu lâu góp ý hôm nay nấu không bằng hôm trước thì tôi cũng biết sai để sửa”.

    Từng có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề đầu bếp, hiện đang là chủ của một quán cơm văn phòng trên đường Láng, Hà Nội, anh Nguyễn Văn An (SN 1989) cho hay, làm đầu bếp là cả một nghệ thuật.

    Anh An đang chuẩn bị cơm trưa cho khách.

    Nói về cơ duyên theo nghề, anh An cho biết: “Cách đây 10 năm tôi quyết định theo nghề đầu bếp, khi đó, có không ít người phản đối, thậm chí họ cười nói rằng, tôi có vấn đề khi ham việc của đàn bà. Bỏ ngoài tai những lời gièm pha đó, tôi quyết tâm học bằng được và trở thành một người đầu bếp”.

    Cũng theo anh An, để khách hàng tin tưởng ngoài yếu tố khách quan là cách bài trí nhà hàng, chỗ ăn uống, điều quan trọng vẫn là chuyên môn của người đầu bếp: “Nếu đầu bếp không vững chuyên môn thì không thể tạo ra những món ăn hấp dẫn thực khách, như vậy khách chỉ đến một lần rồi đi, doanh thu cũng sẽ giảm. Nắm bắt được những yếu tố đó, tôi vẫn đang ngày đêm sáng tạo ra những món ăn phục vụ khách hàng”.

    Đòi hỏi sức khỏe dẻo dai

    Là đàn ông, lại làm công việc bếp núc vốn bị mọi người mặc định là công việc của phụ nữ nên anh An thường bị trêu chọc, anh An cho biết có đôi khi anh cảm thấy ngượng ngùng nhưng chính niềm đam mê đã giúp anh vượt qua những lời nói không hay đó.

    “Những ngày mới vào nghề, chân tay tôi lóng ngóng không biết nên cầm dao như thế nào, có khi nêm gia vị cũng chưa chuẩn,... Nhiều khi thấy đồ ăn, rau củ quả la liệt trên bàn, đôi lúc tôi thấy nản, muốn từ bỏ đam mê của mình. Nhưng rồi, khi bạn bè, người thân khen ngợi các món tôi nấu, vậy là tôi lại có thêm động lực để cố gắng tiếp”, anh An chia sẻ.

    Làm bếp, tiếp xúc với đồ ăn, nhưng anh An lại luôn trong tình trạng “rỗng bụng”, anh kể: “Đứng trong bếp nấu nướng cho mọi người ăn thì được, nhưng để mình ăn thì rất khó. Nhiều khi, ngửi thấy mùi dầu mỡ đã thấy sợ rồi, chưa kể, tôi luôn bị no cảm giác (nhìn đã thấy no), nên việc cố gắng nấu nướng thông tầm là bình thường. Có hôm, phải 14h tôi mới ăn trưa”.

    Ngoài việc ăn không đúng bữa, đầu bếp 8X còn gặp những khó khăn nhất định về vấn đề sức khỏe khi phải thường xuyên tiếp xúc với khói. Anh An bộc bạch: “Mùa đông, thì bình thường nhưng mùa hè vào bếp là một cực hình. Có những người bạn của tôi cũng từng làm đầu bếp, nhưng sau đó đành bỏ ngang vì sức khỏe yếu. Có người thì bị ngất xỉu do làm việc liên tục trong nhiều giờ liền. Vì vậy, công việc này cũng đòi hỏi phải có sự dẻo dai”.

    Đến thời điểm hiện tại, khi nhắc về nghề nghiệp của mình, anh An vẫn không thể nào quên được sự cố mà mình gặp phải trong quá trình vào bếp nấu nướng, anh kể: “Cách đây 5 năm, khi đó tôi đang làm đầu bếp cho một nhà hàng có tiếng tại Hà Nội. Trong quá trình nấu nướng, do khách hàng rất đông nên tôi làm việc trong trạng thái luôn tay luôn chân. Tôi múc canh cho khách không may múc đổ luôn vào chân, khiến một bên chân bị bỏng, vì sự cố này tôi phải nghỉ làm một thời gian”.

    Nói về những góc khuất trong nghề, anh An cho hay, việc chủ nhà hàng copy công thức của những đầu bếp giỏi là điều không tránh khỏi. Điều đó sẽ khiến những đầu bếp như anh cảm thấy thiệt thòi và không thể làm lâu năm tại một nhà hàng. Bên cạnh đó, nghề đầu bếp có tính thực hành cao, vì thế những người trong nghề thường phải học hỏi, tìm tòi những công thức nấu ăn mới.

    Với chị Thu Thủy, những đầu bếp mới vào nghề phải luôn ý thức cao việc chế biến, trình bày món ăn như việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, khéo tay, sạch sẽ, tỉ mỉ và kiên nhẫn chính là chìa khóa thành công. Đối với những người làm nghề ví như "làm dâu trăm họ" thì đam mê của họ chính là được nấu những món ăn ngon, hài lòng khách hàng, thậm chí, việc hoàn thành mỗi món ăn là một hạnh phúc đối với họ.

    Hoàng Bích - Mai Hằng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giam-doc-cong-ty-xay-dung---top-3-masterchef-2014-bat-mi-cach-nau-an-ngon-a199012.html
    Sự kiện: Chuyện nghề
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan