+Aa-
    Zalo

    Chuyện nghề khó nói của “bóng hồng” ngồi sau vô lăng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Công việc tài xế lái xe taxi đầy nguy hiểm và vất vả tưởng rằng chỉ có cánh mày râu mới đảm nhận được, thì thời gian gần đây có sự tham gia của cả những “bóng hồng”.

    Công việc tài xế lái xe taxi đầy nguy hiểm và vất vả tưởng rằng chỉ có cánh mày râu mới đảm nhận được, thì thời gian gần đây có sự tham gia của cả những “bóng hồng”. Những phụ nữ tưởng yếu đuối đang dần chinh phục công việc này một cách “ngon lành”. Có những chị em ban đầu đến với nghề lái taxi chỉ vì mưu sinh nhưng sau đó lại thành ra yêu nghề.

    Chinh phục mọi nẻo đường

    Thời tiết Hà Nội qua những ngày nắng gắt bỗng oi nồng, khiến người đi đường mướt mải mồ hôi. Tại một góc ngay cổng bến xe khách Mỹ Đình, một phụ nữ dáng người đậm, làn da rám nắng khỏe mạnh đang cần mẫn lau những vết bụi mỏng trên chiếc xe taxi. Thấy chúng tôi lại gần muốn đi xe, chị lau vội những giọt mồ hôi trên mặt rồi nhanh nhẹn mở cửa xe cho khách.

    Nữ tài xế Ngô Thanh Thủy chia sẻ về hành trình chạy xe taxi của mình.

    Chị là nữ tài xế taxi Ngô Thanh Thủy (55 tuổi, Hà Nội). Với khuôn mặt luôn rạng rỡ nụ cười, suốt chặng đường chạy xe, chị Thủy vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về cái nghề đang “vận vào thân” chị.

    Chị Thủy đến với công việc tài xế taxi như một cái duyên. Năm 1997, sau khi sinh con gái út cũng là lúc chồng của chị không may bị teo một bên chân và cơ thể cùng lúc phát hiện nhiều căn bệnh khác khiến sức khỏe giảm sút, không làm được việc nặng. Từ đó, gánh nặng kinh tế chuyển sang đôi vai chị. Sau thời gian hụt hẫng vì bệnh tình của chồng, rồi nhiều đêm trăn trở lo tìm kế sinh nhai, chị Thủy quyết định đi học lái ô tô với ý định ban đầu chỉ để lái xe phục vụ gia đình, nhưng nghiệp lái xe “vận” vào chị lúc nào không hay.

    Trong suốt 10 năm làm nghề lái xe, chị Thủy có 3 năm lái taxi truyền thống. Những ngày đầu đi làm, điều làm chị Thủy thấy khó thích nghi nhất là giờ giấc làm việc. Một ngày làm việc của chị có khi bắt đầu từ sớm tinh mơ đến đêm muộn mới được về nhà. 3 năm làm tài xế taxi, số lần chị Thủy được quây quần bên mâm cơm tối cùng chồng con chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giờ chị về nhà cũng là thời điểm chồng và các con đã đi ngủ.

    “Hồi mới vào nghề, tôi thấy gian nan vô cùng. Có những hôm, khách gọi từ 4h sáng, sau đó, chạy miết tới 23h đêm mới trở về. Cũng vì thế, giờ giấc, ăn uống vô cùng thất thường. Ngày nào đi làm về là người mệt rã rời, chân tay đau nhức, ngủ trên giường 5 phút là ngủ ngáy khiến chồng bệnh không tài nào ngủ được”, chị Thủy cho biết.

    Không chỉ vất vả trong bữa ăn, giấc ngủ, do chưa thông thuộc những ngóc ngách giao thông trên phố nên không ít lần chị Thủy đi vào đường cấm hay đi sai làn đường và bị lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, nhắc nhở, có khi còn phạt tiền.

    Làm công việc lái xe taxi, câu hỏi mà chị Thủy nhận được nhiều nhất từ những vị khách của mình là: “Tại sao phụ nữ lại làm việc của đàn ông?”. Khi đó chị chỉ cười và nói: “Nghề lái xe đến với tôi như một cái duyên, nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề”.

    Ám ảnh những chuyến xe đêm

    Nghề tài xế taxi luôn tiềm ẩn những nguy hiểm khôn lường, thậm chí dễ mất cả tính mạng. Với nữ, những nguy hiểm trên càng thường trực. Rồi còn những cám dỗ, bị khách trêu ghẹo, sỗ sàng khiến nhiều chị em dù đang ngồi sau vô lăng cũng phải thừa nhận rằng nghề này không hợp với nữ, thế nhưng nhiều “bóng hồng” vẫn bám trụ với nghề.

    Chị Thủy cho hay, không chỉ có chị mà những đồng nghiệp nữ khác cũng thường xuyên gặp phải khách hàng nam hay trêu ghẹo, lưu manh, thậm chí là quỵt tiền...

    “Những hành khách này ngạc nhiên khi thấy tài xế taxi nữ nên có lúc họ trêu đùa quá đà. Ban đầu, tôi cố cười vì nghĩ rằng họ chỉ đùa vui, nhưng khi khách hành động thái quá tôi sẽ nghiêm nghị và kiên quyết cho khách xuống xe”.

    Ngoài khách nam hay trêu ghẹo, chị Thủy cũng gặp những tình huống dở khóc dở cười khi khách của mình là người nước ngoài. Bất đồng về ngôn ngữ khiến chị Thủy không biết phải xử lý ra sao: “Những lúc gặp khách nước ngoài mà không hiểu họ nói gì tôi thấy “muối mặt” lắm, tự thấy mình kém cỏi nhưng không biết phải bắt đầu học ngoại ngữ từ đâu”.

    Không ít người khuyên chị Thủy nên chọn việc khác bởi phụ nữ chạy xe đêm rất không an toàn. Đôi lần, chị Thủy cũng vì mệt mỏi và muốn nghỉ việc, nhưng rồi nghĩ, nghỉ việc sẽ làm gì? Vì thế, chị lại tự động viên bản thân: “Dám làm, dám liều để vượt qua mệt mỏi, sợ hãi”.

    Chị Thủy bảo, chị vẫn có chút “ám ảnh”, ái ngại khi nhắc đến những chuyến xe chở khách xuyên đêm. “Năm 2016, tôi có một chuyến xe đi Thái Bình một ngày một đêm, đó là lần đi xa mà tôi thấy phục mình bởi tôi cứ chạy liên tục như thế mà không hề chợp mắt. Trở về Hà Nội an toàn, hành khách trên xe khi ấy chỉ còn biết nhìn tôi bằng ánh mắt bày tỏ sự thán phục”, chị Thanh Thủy nhớ lại.

    Rồi một lần, khi đó là 3h sáng, chị Thủy nhận được cuộc gọi của khách yêu cầu đón ở đoạn đường thuộc tỉnh Hòa Bình. Từ Hà Nội lên Hòa Bình khoảng 80km, lại có một khoảng đường rừng nên chị không khỏi cảm giác rùng mình: “Đi đến nơi khách hẹn, tôi cứ ngỡ mình đi lạc đường bởi tôi chưa khi nào vào một con đường như thế, trời khi ấy tối om om không nhìn rõ, chỉ đến khi thoát được đoạn đường đèo dốc tôi mới thật sự hoàn hồn”, chị Thủy kể.

    Nhưng chặng đường đèo dốc đó chưa là gì so với việc bản thân chị Thủy từng bị một hành khách nam đáng tuổi con mình gạ gẫm đi chơi đêm. Chuyện này cho đến bây giờ chị không dám kể với chồng vì sợ chồng lo lắng.

    “Còn nhớ hôm đó là 23h30, tôi đang trên đường đi làm từ đường Chùa Láng về thì thấy bên đường có một nam thanh niên đồ đạc lỉnh kỉnh vẫy tay bắt xe, tôi định không chạy nữa vì lúc đó khá muộn, nhưng thấy chàng trai đáng tuổi con mình, lại mang theo nhiều đồ nên thương, tôi dừng lại đón khách. Trong suốt dọc đường đi tôi cũng trò chuyện hỏi gia đình, công việc của cậu ấy, thế rồi khi chở nam thanh niên này đến Nhổn thì thôi xong, khách không chịu xuống, nói thế nào cũng không xuống.

    Vị khách có nói: “Bây giờ em muốn quay về chỗ cũ chị cho em về hoặc chị đi chơi cùng với em một đêm vì em rất thích chị”. Bất ngờ bị gạ gẫm tôi rất lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, thân gái đêm hôm lại gặp đúng thanh niên trẻ khỏe, tôi đã nghĩ đến tình thế mở cửa xe để chạy xuống hô hoán nhưng tôi đã lấy hết dũng cảm của mình và nói thẳng: “Chị phải đi về vì giờ này quá muộn rồi, chồng con chị cũng đang mong”.

    Sau một hồi đôi co, cuối cùng nam thanh niên đồng ý xuống xe nhưng bắt tôi phải cho số điện thoại. Đây là một tình huống khiến tôi bị ám ảnh mãi đến tận bây giờ”.

    3 năm theo đuổi nghề lái taxi, chị Thủy cũng có những kỷ niệm đáng nhớ: “Hôm đó là ngày Hà Nội đang có bão số 1. Trên đường lái xe về nhà thì tôi thấy cặp vợ chồng lớn tuổi trông khá khắc khổ đứng run rẩy dưới trời mưa. Có lẽ, trời mưa nên không gọi được chuyến xe nào, thấy tội nghiệp, tôi dừng lại hỏi, họ nói họ muốn ra bến xe Giáp Bát để bắt xe khách về Thái Bình. Tôi có hỏi vì sao nhiều xe dừng mà không đi thì họ giải thích là vì những xe đó họ toàn báo giá 200 nghìn đồng, không đủ tiền đi nên đành chịu đứng dưới trời mưa. Thấy thương quá, tôi mời họ lên xe tôi chở ra bến và chỉ lấy đúng 50 nghìn đồng tiền xăng xe”.

    Nhiều người nói lái xe taxi có thu nhập ổn định, tuy nhiên chị Thủy cho biết, không phải lúc nào chị cũng kiếm được đủ số tiền để trang trải cuộc sống.

    “Nhiều người cứ nghĩ chạy taxi là có tiền nhưng họ không biết rằng chúng tôi cũng phải lo từng đồng để tính đủ tiền xăng, tiền ăn và tiền sinh hoạt. Mùa hè thường là mùa ít khách, chỉ có mùa đông là đông khách hơn một chút. Bây giờ các hãng taxi Uber, Grab cũng tăng cường nhiều xe, điều này khiến người lái xe taxi truyền thống như chúng tôi cũng vô cùng chật vật”, chị Thủy cho hay.

    Nghề nào cũng có vất vả và đặc thù riêng, với những “bóng hồng” đang theo đuổi công việc lái xe taxi như chị Thủy, họ luôn tự nhắc nhở bản thân lao động nghiêm túc thì công việc sẽ không phụ lòng mình. Dù công việc hiện tại nhiều gian khổ, vất vả, hiểm nguy nhưng chị Thủy luôn cố gắng vượt qua, bởi nữ taxi này quan niệm, không có công việc nào là dễ dàng và phải yêu nghề thì mới có thể bám trụ được với nghề.

    Lời chia sẻ đầy chân thành của chị Thủy cho chúng ta thấy những góc khuất khi ngồi đằng sau vô lăng là một nữ tài xế. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghề, những “bóng hồng” dần chinh phục khách hàng bằng sự ân cần, dịu dàng, chu đáo của mình.

    Hoàng Bích - Mai Hằng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-nghe-kho-noi-cua-bong-hong-ngoi-sau-vo-lang-a196923.html
    Sự kiện: Chuyện nghề
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan