Từ lâu, hình ảnh khói than phủ kín vạt rừng đã quá quen thuộc với người dân miệt vườn tràm U Minh Hạ. Gần như đi từ đầu làng, đến cuối thôn nhà nào cũng làm nghề hầm than. Có gia đình đã 3 đời gắn bó với nghề nhiều nhọc nhằn này.
Không đất, không vốn thì đi hầm than
Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, bà Trần Thị Sáng (74 tuổi, ngụ ấp 21, xã Khánh Thuận, huyện U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau), người có 30 năm trong nghề cho hay: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, không có đất sản xuất, quanh năm chỉ đi làm thuê, làm mướn. Nhà đông con nên cảnh bữa đói bữa no là chuyện thường ngày. Mấy đứa con nheo nhóc, không được ăn học tử tế, không có việc làm nên chỉ ở nhà bám bố mẹ. Từ lúc tôi học được nghề hầm than, cuộc sống gia đình dần ổn định hơn”.
Nghề hầm than đang được người dân lâm phần U Minh phát triển mạnh. |
Cũng theo bà Sáng, từ ngày làm nghề hầm than, gia đình bà gần như không có ngày nghỉ. Ngày ngày, con trai con dâu của bà đi chặt củi đọt (củi ngọn –PV) mua của người dân với giá 3 triệu đồng/ha. Sau đó, chở củi về để bà chặt thành từng khúc, đưa vào lò hầm. Trung bình mỗi tháng, cả nhà hầm được gần chục mẻ than, bán được 5-6 triệu đồng. Nhờ vậy, các cháu của bà cũng được đến trường.
Cạnh nhà bà Sáng, gia đình bà Lâm Thị Ánh (ấp 21, xã Khánh Thuận) cũng đang tất bật mua củi đọt của người dân trong vùng về hầm than bán kiếm lời.
“Năm nay, mùa hầm than đang rất thuận lợi bởi nguồn củi đọt khá phong phú, việc vận chuyển cũng dễ dàng. Nghề có cực hơn các công việc khác nhưng thu nhập ổn định. Mới mấy ngày, mẹ con tôi đã hầm được hơn 30 bao than, vừa xong là thương lái đến mua với giá 65.000 đồng/bao. Mỗi lần giao hàng chúng tôi kiếm được hơn 2 triệu đồng. Với gia đình tôi, số tiền này là “khá” lắm rồi”, bà Ánh chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, nghề hầm than ở vùng đất U Minh Hạ không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn giúp người dân tiết kiệm các nguồn nguyên liệu khác như: Gas, điện,...
Chị Nguyễn Hằng Ny (ngụ xã Khánh Thuận) cho biết: “Than hầm xong, sau khi lấy đi những khúc than nguyên thì than vụn còn rất nhiều. Chúng tôi tận dụng vào việc nấu ăn trong gia đình. Nấu ăn bằng than cũng sạch sẽ, từ đó gia đình tiết kiệm được rất nhiều tiền điện, tiền gas hằng tháng”.
Được biết, một mẻ than ở xứ rừng U Minh thường cho ra khoảng 10 bao than, mỗi bao chừng 40kg, mỗi kg bán giá sỉ từ 8.000-10.000 đồng... Theo đó, trung bình mỗi mẻ than người dân có thu nhập hơn 3 triệu đồng, trong khi rất ít chi phí và đa số lấy công làm lời...
Ngửi mùi khói, biết than đã chín
Dù nghề hầm than ở vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi” góp phần tích cực thay đổi kinh tế nhưng theo nghề người dân cũng gặp không ít khó khăn. Hầm than đòi hỏi người làm phải có tính kiên trì và chịu khó.
Bà Sáng nhớ lại: “Gia đình tôi đã gắn bó với nghề hầm than nhiều năm. Bây giờ, con ruột, con rể, con dâu và cháu nội, cháu ngoại cũng theo nghề. Hằng ngày, chúng tôi phải thay phiên nhau đi gom tràm vụn về chặt ra từng khúc theo kích cỡ của lò than, sắp củi vào lò, đắp than, chụm lửa cho đến công đoạn lấy than ra để bán...”.
Cũng theo bà Sáng, nghề hầm than, công đoạn đốt lửa, giữ lửa cháy đỏ trong lò cho đến khi than chín được coi là khâu quan trọng nhất. Tuy nhiên, ở xứ rừng U Minh Hạ, công đoạn này không phải ai cũng làm tốt. Đối với lò than có quy mô lớn như các hợp tác xã, việc đốt lửa phải kéo dài đến cả tháng, đòi hỏi phải có sự nhẫn nại. Với lò tạm (đào một hố đất, sắp củi vào đó rồi cho trấu hoặc lá cây lên củi và đắp một lớp bùn lên phía trên - PV) của người dân, công đoạn này chỉ tốn khoảng 1,5 - 2 ngày đã có thể cho ra một mẻ than.
Anh Nguyễn Văn Huyện, một người sống chủ yếu bằng nghề hầm than ở xã Khánh Thuận cho biết: “Thường thì, 2 giờ phải chụm lửa một lần, đến khi than chín mới dừng... Đặc biệt, đối với lò hầm than kiểu tạm của người dân U Minh Hạ, người hầm than phải canh không cho lửa cháy lên thành ngọn, nếu không than sẽ bị đốt thành tro, thất thoát nhiều và than cũng kém chất lượng, bán không được giá cao”.
Để biết khi nào có thể cho than ra lò, anh Huyện chia sẻ, với người không chuyên nghiệp, sau một đêm nên khoét lỗ xem than đã “chín” hay chưa. Người có kinh nghiệm nhiều năm như anh thì chỉ ngửi mùi khói, hơi than là có thể đoán được than đã chín hay chưa...
“Mặc dù nghề hầm than vất vả, nhưng không ràng buộc về mặt thời gian. Do đó, khi nào rảnh, chúng tôi lại đi gom và phân cỡ củi tràm để hầm than. Tuy vất vả, nhưng lúc nhận tiền hàng, ai thấy cũng xứng đáng với công sức mình đã bỏ ra...”, anh Nguyễn Văn Khải (ấp 21, xã Khánh Thuận) mỉm cười chia sẻ.
Mưu sinh nhưng cũng phải bảo vệ rừng Chính quyền địa phương huyện U Minh thông tin, hiện nay, nhiều gia đình trên các lâm phần rừng tràm huyện U Minh đang thực hiện nghề hầm than để kiếm thêm thu nhập. Qua đó, nhiều hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo trên lâm phần có công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Nghề hầm than không phải là nghề mới nhưng với giá các loại nguyên liệu sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày đang tăng cao, đã khiến nhu cầu sử dụng nguyên liệu than của người dân cũng tăng lên, tạo điều kiện cho người dân xứ rừng phát triển nghề một cách mạnh mẽ. Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, nhiều người dân mưu sinh bằng nghề hầm than có đời sống kinh tế dần ổn định. Thế nhưng, những nguy hiểm từ nghề là không thể tránh khỏi, nhất là những tác động đến rừng. Nhiều người dân cũng dần tự ý thức được việc bảo vệ rừng phải hài hòa với lợi ích cá nhân. Đa số người dân chỉ tập trung hầm than theo mùa chứ không ồ ạt như trước đây. Bà con cũng ý thức phát triển nghề thành nét đẹp truyền thống, không xô bồ chạy theo lợi nhuận. |
Nguyễn Linh