Họ là những người dân lao động nghèo, tích góp bao nhiêu năm, thậm chí là vay mượn của người thân để có tiền đưa cho các bị cáo "chạy" xuất khẩu lao động, những mong có cơ hội đổi đời. Nào ngờ, tiền mất tật mang; khả năng lấy lại số tiền mồ hôi xương máu sẽ còn gian nan khi mà các bị cáo bị tuyên phạt án tù rất dài.
Bị cáo Hà Thị Lụa (trái) và Nguyễn Văn Luận tại tòa. |
Kiếm tiền bằng 2 tấc lưỡi
Xã hội đưa đẩy, năm 2016, Nguyễn Văn Luận (SN 1979, ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) gặp Hà Thị Lụa (SN 1978, ở phường Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Sau một thời gian nói chuyện, Luận biết Lụa từng đi du lịch ở Phần Lan theo hình thức được người thân bảo lãnh đi du lịch (trong thời gian 4 đến 6 tháng) nên nảy sinh ý định kinh doanh trên tiền "mồ hôi xương máu" của các bị hại bằng hình thức lừa xuất khẩu lao động.
Từng có kinh nghiệm sang Phần Lan, Lụa bàn với Luận nói với người lao động sẽ lo cho họ sang đất nước được đánh giá là "Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới" để lao động. Ngược lại, người lao động phải ứng trước một khoản tiền để làm thủ tục xin bảo lãnh và visa. Lụa có nhiệm vụ tìm người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Phần việc còn lại là ở tài khéo léo, "uốn ba tấc lưỡi" của Luận.
Người đàn ông này "nổ" có khả năng đưa nhiều người lao động sang châu Âu, châu Mỹ trong thời hạn 5 năm. Luận tiếp tục lên mạng internet tìm hiểu và tự soạn mẫu "Hợp đồng bảo lãnh lao động diện gia đình đi lao động châu Âu, châu Mỹ và biên lai thu tiền. Gã này cũng tự đi khắc dấu tên chức danh "Giám đốc kinh doanh Nguyễn Văn Luận", sau đó mượn con dấu công ty khác do bạn của Luận là Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Có được con dấu trong tay, Luận đóng vào các hợp đồng lao động và các biên lai thu tiền đã soạn sẵn để giao cho người lao động khi nhận tiền. Chưa hết, khi trực tiếp gặp và tư vấn, Luận liến thoắng "mọi người có thể đi xuất khẩu lao động tại Hoa Kỳ trong thời gian 5 năm với mức lương từ 2.000 – 10.000 USD/tháng". Luận yêu cầu người lao động đặt cọc trước 1.000 USD hoặc 23 triệu đồng có lẻ để làm visa. Trong số này có trường hợp của chị Thái Thị L. (SN 1978, ở TP.Vinh, tỉnh Nghệ An). Luận quảng cáo rằng sang xuất khẩu lao động tại Hoa Kỳ (Mỹ) trong thời gian 5 năm làm công việc nông nghiệp, hưởng mức lương từ 2.000 USD đến 10.000 USD/tháng.
Tổng số tiền đưa 1 người đi xuất khẩu là 157 triệu đồng và phải đặt cọc trước để làm thủ tục. Luận hứa chắc như đinh đóng cột, khi nào có visa mới phải nộp tiếp số tiền 57 triệu đồng; số tiền còn lại sau khi sang nước ngoài lao động sẽ nộp dần. Tin tưởng vào những thông tin Luận đưa ra, tháng 11/2018, chị L. đưa 10 người lao động đến gặp Luận để làm thủ tục.
Một cuộc gặp gỡ được Luận tổ chức với quy mô lớn tại Nhà khách Ban cơ yếu Chính phủ (ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội). Tại đây, mọi người bao vây xung quanh và cung cấp hộ chiếu để Luận làm thủ tục xin visa. Xong đâu đó, Luận chìa ra các bản Hợp đồng bảo lãnh lao động diện gia đình đi lao động châu Âu, châu Mỹ và biên lai thu tiền Luận đã ký và đóng dấu sẵn. Nhiều người vét sạch trong người những đồng tiền cuối cùng nộp cho Luận và mong chờ đến đầu tháng 5/2019 sẽ được đặt chân tới "miền đất hứa" như Luận hứa hẹn.
Cũng bằng thủ đoạn trên, cặp đôi Luận – Lụa dễ dàng chiếm trọn niềm tin của anh Phan Văn M. (SN 1979, ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Trong cơn khát việc làm, 22 người lao động tại các tỉnh nghèo thông qua anh M. tiếp tục trở thành nạn nhân của Luận. Thực tế, sau khi nhận tiền đặt cọc, Luận và Lụa không sử dụng vào việc làm thủ tục đưa lao động đi xuất khẩu lao động tại Hoa Kỳ mà chia nhau chi tiêu cá nhân hết.
Túng quẫn nên làm liều?
Giữa tháng 5/2019, hàng chục người lao động ồ ạt gửi đơn tố cáo nhóm tội phạm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi hoàn tất hồ sơ, cặp đôi kiếm tiền bằng tài "uốn hai tấc lưỡi" nhanh chóng bị TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chỉ có 1/3 trên tổng số người bị hại trong vụ án này có mặt tham dự phiên tòa, những người khác, phần vì ở xa, kinh tế eo hẹp không đủ kinh phí bắt xe ra Hà Nội tham gia tố tụng. Song, những người này đã có lời khai tại cơ quan điều tra nên phiên xử vẫn tiếp tục. Quá trình thẩm vấn, bị cáo Lụa có phần quanh co khiến vị chủ tọa nghiêm nghị nói: "Các bị hại đều là người ở vùng sâu vùng xa vậy mà các bị cáo toàn lừa nghìn đô. Đối với họ 1.000 đồng cũng là quý. Song, các bị cáo lại bình thản tiêu xài trên những đồng tiền xương máu của họ".
Lúc này, Lụa thừa nhận không có trình độ (mới chỉ học hết lớp 6/12) cũng như không có khả năng lo thủ tục đưa người sang nước ngoài, song vì cần tiền chi tiêu cá nhân; ngay khi được Luận đặt vấn đề, Lụa đánh liều gật đầu. Bị cáo Luận cũng trình bày đã ly hôn vợ, có 3 con, cộng thêm bố mẹ già yếu, bị cáo mong tòa xem xét cho sớm được trở về để chăm sóc người thân. HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp tới tài sản của người khác.
Từ tháng 11/2018 đến tháng 1/2019, các bị cáo đã chiếm đoạt tổng số tiền 532 triệu đồng và 13.000 USD (tương đương 299 triệu đồng) của 33 người bị hại. Trong đó, Lụa chiếm hưởng hơn 567 triệu đồng cùng 1.500 USD; Luận chiếm hưởng số tiền 229 triệu đồng, các bị cáo sử dụng tiêu xài hết.
Vì các lẽ trên, Hà Thị Lụa bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 10 năm tù, Nguyễn Văn Luận lĩnh 9 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tư Viễn
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 113