(ĐSPL) – Thời gian gần đây, Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã thừa nhận một cách chính thức chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và viện dẫn sai lệch công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958.
Vậy sự thật của nội dung công thư năm 1958 là gì? Ý nghĩa pháp lý của công thư này đối với chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa ra sao? Nó có phải là một bất lợi pháp lý ở Tòa án Quốc tế khi chúng ta tiến hành khởi kiện hay không?
Xâm lược không thể sinh ra chủ quyền đối với vùng lãnh thổ
Trong thời gian qua, bất chấp những giao thiệp nghiêm túc của phía Việt Nam ở nhiều cấp và dưới nhiều hình thức, Trung Quốc vẫn không chấm dứt hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Bất chấp mọi thiện chí hòa bình từ phía Việt Nam, Trung Quốc vẫn dùng mọi biện pháp, kể cả dùng vũ lực nhằm ngăn cản các tàu chấp pháp của Việt Nam đến gần giàn khoan trái phép. |
Kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên cho hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Haiyang Shiyou-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không những không đáp ứng mà gần đây còn đưa ra nhiều thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam.
Nhận định trước vấn đề này, ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho rằng, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Ông Hải cũng cho biết, từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ XVII, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không vấp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.
Trong thời kỳ Pháp thuộc (cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX), Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với hai quần đảo này.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9/1951 – Hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham gia của 51 quốc gia. Tại Hội nghị này, Trưởng Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hưu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà không gặp phải bất cứ sự phản đối nào từ 50 quốc gia tham dự còn lại. Mặt khác, đề xuất của đoàn Liên Xô trao chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho Trung Quốc đã bị đại đa số đại biểu trong Hội nghị phản đối với tỷ lệ số phiếu là 46 phiếu chống.
Ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho rằng, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. |
Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo hiệp định, Pháp sẽ rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam và trong thời hạn thỏa thuận giữa các bên. Phù hợp với hiệp định Giơ-ne-vơ, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Giơ-ne-vơ 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.
Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Phân tích rõ hơn, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho rằng, nếu xét từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp và không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Đặc biệt, Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Trung Quốc – một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và việc Trung Quốc nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Công thư 1958 không đề cập đến Trường Sa, Hoàng Sa
Thời gian gần đây, Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã thừa nhận một cách chính thức chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và viện dẫn sai lệch công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958.
Theo ông Trần Duy Hải, công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà chỉ ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan của Việt Nam tôn trọng giới hạn 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.
“Việc công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng phù hợp với thực tế lúc đó hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa và được Pháp chuyển giao trên thực tế vào năm 1956 phù hợp với Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia” – ông Hải cho biết thêm.
Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. |
Việc gần đây Trung Quốc luôn nói Hoàng Sa không có tranh chấp là đi ngược lại với chính quan điểm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Ngày 24/9/1975, trong trao đổi với Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa hai nước có tranh chấp về hai quần đảo và hai bên cũng “có thể bàn bạc với nhau”.
Với tất cả những hành động ngang ngược trong suốt khoảng thời gian vừa qua, ông Trần Duy Hải cho rằng, mục đích chính của Trung Quốc thực chất là muốn biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, nhằm thực hiện hóa yêu sách “đường lưỡi bò” bị cả cộng đồng quốc tế lên án. “Tuy nhiên, Việt Nam kiên quyết bác bỏ quan điểm sai trái này và khẳng định quyết tâm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Hải nhấn mạnh.