+Aa-
    Zalo

    Bài 24: Rào cản tài chính đang “trói chân” các nhà thầu Việt Nam?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong khi các ngân hàng Trung Quốc tạo điều kiện "tối đa" cho các nhà thầu nước này có được các dự án nhiệt điện Việt Nam thì có thực tế đáng buồn là các doanh nghiệp trong nước không thể lớn lên được...

    (ĐSPL) - Liên tiếp thất bại, nhiều doanh nghiệp đã từng than rằng, trong khi các ngân hàng Trung Quốc tạo điều kiện "tối đa" cho các nhà thầu nước này có được các dự án nhiệt điện Việt Nam thì có thực tế đáng buồn là các doanh nghiệp trong nước không thể lớn lên được vì thiếu cơ chế hậu đãi từ các ngân hàng trong nước.

    Trung Quốc "hậu thuẫn" để nhà thầu "xuất ngoại"

    Trước đây, khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, một chuyên gia hàng đầu ngành xây dựng thẳng thắn trả lời rằng, hiện Trung Quốc có chủ trương rất lớn khuyến khích đầu tư ra ngoài. Thậm chí, họ khuyến khích doanh nghiệp đi ra ngoài, kể cả lao động và du học sinh, điều này không chỉ áp dụng với riêng Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc hỗ trợ cho việc xuất khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hoá được hoàn lại 12-13\% giá trị, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh máy móc, điện khí...

    Cũng theo vị này, chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc còn khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nhận thầu công trình ở nước ngoài. Họ sẵn sàng cho doanh nghiệp vay số tiền lớn, dài hạn và lãi suất thấp. Nước này quy định, khi nhận thầu ở nước ngoài, doanh nghiệp đó phải sử dụng thiết bị máy móc, vật tư thiết bị nhân công ít nhất 15\% trở lên.  Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc nhận thầu ở cả các nước châu Mỹ, châu Phi...

    Dẫn lời TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc được hậu thuẫn bởi những chính sách bài bản của Chính phủ về xuất khẩu xây dựng. Người Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường đấu thầu không chỉ ở Việt Nam, mà còn cả ở toàn châu Á, hay vươn tới châu Phi. Ngay cả những nhà thầu nước Mỹ giờ đây cũng phải kiềng nể trước sự lớn mạnh của nhà thầu Trung  Quốc.

    Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, chính sách của Trung Quốc  rất rõ ràng, thông qua việc nhận thầu ở nước ngoài, Trung Quốc xuất khẩu cả lao động, xuất khẩu cả vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc... Và Chính phủ Trung Quốc có hẳn một chương trình hậu thuẫn rất mạnh mẽ cho các nhà thầu đi ra nước ngoài nhận thầu. Nước họ quy định rõ ràng, nếu vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị Trung Quốc đưa vào dự án bằng 15\% tổng giá trị dự án đó trở lên thì các nhà thầu được vay vốn với lãi suất rất thấp, được giảm nhiều thứ thuế và thậm chí, có loại còn được miễn thuế. Cho nên, khi sang Việt Nam, ngoại trừ cát, đá sỏi thôi, còn lại xi măng, sắt thép, thậm chí là vật liệu trang trí... là của Trung Quốc.

    Như báo Đời sống và Pháp luật đã dẫn chứng con số mà Chính phủ Trung Quốc "bơm" cho các nhà thầu nước này thực hiện các công trình nhiệt điện ở Việt Nam khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Theo con số mà Ngân hàng Thế giới đưa ra, Trung Quốc đã viện trợ hầu hết khắp các ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam. Vốn vay ưu đãi lãi suất thấp từ Trung Quốc chủ yếu là từ đầu mối Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Chẳng hạn, ở ngành điện, đa số các dự án nhiệt điện đều vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc, mỗi dự án có tổng vốn đầu tư ít nhất cũng hơn 3.500 tỉ đồng... Con số trên đưa ra không khỏi giật mình khi thực tế tính đến năm 2014, chính sách ưu ái của Trung Quốc cho lĩnh vực nhiệt điện ở Việt Nam còn tăng gấp đôi cả về quy mô và số lượng. Chỉ tính riêng EVN hiện tại cũng có tới 10 dự án do Trung Quốc làm chủ thầu bằng chính nguồn vốn vay từ Trung Quốc có tổng giá trị hơn 5 tỉ USD (trong đó đã giải ngân được 50\%).

    Kỳ 24:  Rào cản tài chính đang “trói chân” các nhà thầu Việt Nam?

    Trung Quốc tạo điều kiện "tối đa" cho các nhà thầu thực hiện các công trình nhiệt điện ở nước ngoài (ảnh minh họa).

    Cái giá của "con nhà nghèo"

    Trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bước vào một sân chơi quốc tế, Chính phủ và nhiều chuyên gia đã cảnh báo các doanh nghiệp trong nước về sức cạnh tranh rất lớn. Chính vì vậy, để "sinh tồn" bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải lớn và mạnh thì mới cạnh tranh được. Tuy nhiên, sau này, nhiều chuyên gia cũng phải thừa nhận rằng, với cái cách tạo điều kiện "tối đa" của các ngân hàng Trung Quốc dành cho các nhà thầu nước này, các doanh nghiệp, tập đoàn cơ khí của chúng ta rất khó có "cửa" nào để dành phần thắng trong những cuộc đấu thầu mà giá cả được chủ đầu tư luôn xếp tiêu chí hàng đầu.

    Có lẽ, trong việc đấu thầu "thua toàn tập" của cơ khí nội ở các nhà máy nhiệt điện, Lilama là tổng công ty "thấm" nhất. Từng giành được nhiều gói thầu lớn tại không ít công trình trọng điểm quốc gia nhưng sau đó "ông lớn" của ngành cơ khí trong nước trượt dài trong cảnh ế ẩm vì thiếu việc làm mà nguyên nhân chính là cạnh tranh không lại được với các nhà thầu đến từ bên kia biên giới.  Dẫn lời ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lilama, khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua chính là vấn đề vốn. Vốn chủ sở hữu thuộc diện "con nhà nghèo", dù có cố gắng gói ghém thì nhà thầu này cũng khó lòng mà "chọi" lại được "làn sóng" nhà thầu Trung Quốc.

    Cùng chung cảnh ngộ, ông Trần Văn Quang, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh từng phát biểu rằng, doanh nghiệp cơ khí cần nguồn vốn lớn trong khi lại thiếu vốn. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp. Do nguồn vốn doanh nghiệp trong nước hạn chế nên không thể tham gia đấu thầu theo hình thức EPC. Ngoài khó khăn về vốn, sản phẩm sản xuất ra cũng khó bán. Một số chủ đầu tư vay được vốn nhưng luôn "sính ngoại", chọn mua sản phẩm cơ khí từ nước ngoài.

    Lý giải về "rào cản" tài chính đang trói chân các nhà thầu Việt Nam, nhiều chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, do quy mô của các dự án năng lượng rất lớn, nằm ngoài khả năng đáp ứng vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước. Một số dự án năng lượng yêu cầu công nghệ, kỹ thuật phức tạp và chịu sự chi phối, ràng buộc của nhiều yếu tố, vượt quá năng lực thẩm định của các ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, một số dự án năng lượng vừa và nhỏ được quản lý triển khai thực hiện chưa tốt đã gây lo ngại cho các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính tài trợ vốn do các tổ chức tín dụng. Bởi các tổ chức tài chính không thể kiểm soát hết các vấn đề về kỹ thuật của dự án, trong khi dự án thường có vòng đời và thời gian vay vốn dài.

    Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia ngành ngân hàng, một số dự án, đặc biệt là các dự án điện trọng điểm, cấp bách do thực hiện trong thời gian dài, gặp nhiều biến động về giá cả, tỷ giá... đã làm cho tổng mức đầu tư biến động theo chiều hướng tăng, ảnh hưởng xấu đến tiến độ của dự án và khả năng trả nợ đối với các ngân hàng. Đồng thời, để thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng kiểm soát việc tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống thông qua việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu tín dụng, với mức tăng trưởng tín dụng được thắt chặt. Do vậy, việc xem xét các khoản vay mới (khoản vay phát sinh/bổ sung do tăng tổng mức đầu tư, khoản vay đã có cam kết/ủy nhiệm nhưng chưa ký hợp đồng tín dụng) là rất khó khăn.

    Có thể kiện ra Toà án Thương mại Quốc tế?

    Nếu Trung Quốc đứng sau hậu thuẫn cho các doanh nghiệp khi đấu thầu thì có nghĩa là họ đã vi phạm các quy định về Thương mại Quốc tế và chúng ta có thể kiện ra Toà án Thương mại Quốc tế? Tại sao ta không thử đặt ra câu hỏi đó để nghiên cứu.

    (Dẫn lời TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng đặt câu hỏi)

    Giao xét đấu thầu cho các trung tâm đấu thầu quốc gia

    "Theo tôi, nên giao việc xét thầu cho các trung tâm đấu thầu quốc gia. Bởi họ có kinh nghiệm, tránh được những sai sót. Thêm vào đó, việc này không chỉ giúp chọn được nhà thầu mà còn thực hiện được các chủ trương, kỳ vọng của quốc gia đối với ngành đó. Chủ đầu tư thì chỉ nhìn thấy lợi ích của mình mà thôi, còn các trung tâm vừa nhìn thấy lợi ích của chủ đầu tư, vừa thấy được lợi ích quốc gia. Tôi nghĩ, nếu ta thực hiện ba trung tâm ở ba miền thì hoàn toàn khả thi và nên làm sớm".

    (Một chuyên gia hàng đầu ngành xây dựng bày tỏ)

     

    (Còn nữa)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-24-rao-can-tai-chinh-dang-troi-chan-cac-nha-thau-viet-nam-a41539.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.