Thận là một trong những cơ quan quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sức khỏe cũng sự cân bằng của cơ thể. Một trong số các vấn đề chính về sức khỏe thận là suy thận - một tình trạng liên quan đến việc thận không có khả năng lọc máu và loại bỏ các chất thải một cách hiệu quả.
Suy thận có nhiều biểu hiện như đau lưng, rụng tóc, da hay ngứa ngáy... Tuy nhiên, có ba triệu chứng ban đầu của tình trạng này mà nhiều người có thể không để ý.
Ba triệu chứng suy thận dễ bị bỏ qua
Giảm lượng nước tiểu
Thông thường, thận lọc chất thải và chất lỏng dư thừa để tạo thành nước tiểu. Tuy nhiên, khi chức năng thận bắt đầu suy giảm, thận không thể lọc chất thải và chất lỏng một cách hiệu quả, dẫn đến lượng nước tiểu giảm. Bệnh nhân có thể thấy họ thải ít nước tiểu hơn và nước tiểu trở nên đục hoặc có màu vàng đậm. Triệu chứng này có thể dễ dàng bị bỏ qua nhưng nếu kéo dài sẽ khiến người bệnh lo lắng.
Mệt mỏi và giảm thể lực
Thận là một trong những cơ quan quan trọng duy trì cân bằng nội môi trong cơ thể. Khi chức năng của thận suy giảm, các chất thải và chất độc tích tụ trong cơ thể, dẫn đến cơ thể mệt mỏi, giảm thể lực. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, suy nhược và thiếu năng lượng. Triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, vì vậy bệnh nhân nên nhờ bác sĩ đánh giá và chẩn đoán thêm.
Phù nề
Khi chức năng thận bị tổn thương, chất lỏng không thể đào thải bình thường dẫn đến ứ nước trong cơ thể. Bệnh nhân có thể bị sưng mặt, tay và chân. Tình trạng phù nề có thể trầm trọng hơn vào buổi sáng hoặc sau khi đứng lâu và có thể kèm theo tăng cân. Bệnh nhân nên theo dõi chặt chẽ tình trạng phù nề và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời khi thấy hiện tượng này kéo dài hoặc trầm trọng hơn.
Những hành vi gây tổn hại thận điển hình
Lạm dụng thuốc
Lạm dụng thuốc, bao gồm cả uống sai thuốc hoặc uống quá liều lượng ảnh hưởng trực tiếp đến thận bằng cách gây viêm hoặc phá hủy các cấu trúc giải phẫu của thận. Cũng có thể gây độc gián tiếp bằng cách làm thay đổi lưu lượng máu đến thận hoặc tạo ra các chất độc nội sinh đối với thận. Bệnh phổ biến nhất do lạm dụng thuốc là suy thận, thậm chí suy thận cấp nguy hiểm tính mạng.
Ăn lẩu thường xuyên
Trong quá trình nấu lẩu, rất nhiều purine từ thực phẩm (tôm, thịt bò, nấm...) hòa tan trong nước súp và được cơ thể hấp thụ. Những purin này chính là "chất xúc tác" cho sự hình thành tinh thể axit uric. Càng ăn lẩu thường xuyên, nguy cơ thận bị tinh thể axit uric "tấn công" càng lớn.
Uống quá ít nước
Theo các nghiên cứu khoa học, một ngày một người bình thường nên bổ sung từ 1,5 - 2 lít nước, không bao gồm cả các loại chất lỏng khác. Nếu không được cung cấp đủ nước sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất bình thường của thận. Lâu dần sẽ khiến chất độc và rác tích tụ trong thận, làm tăng gánh nặng chuyển hóa của thận và làm suy giảm chức năng của thận.
Thiếu nước thường xuyên còn dẫn đến việc sản xuất nước tiểu có nồng độ khoáng chất và chất thải cao hơn. Điều này có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận và gây ra nhiều bệnh thận nặng. Cách để nhận biết cơ thể có uống đủ nước hay không là nhìn màu sắc của nước tiểu.
Làm việc quá sức trong thời gian dài
Nhịp sống nhanh và áp lực cao của xã hội hiện đại khiến con người thường xuyên kiệt sức do làm việc nhiều. Tình trạng này kéo dài không những khiến sức đề kháng suy yếu mà còn dễ dẫn đến bệnh thận. Vì vậy, chúng ta phải cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi hợp lý có tầm quan trọng lớn đối với sức khỏe của thận.
Ăn quá nhiều muối
Ăn nhiều muối làm dư thừa natri, trong khi natri chủ yếu được đào thải qua thận. Thói quen này kéo dài lâu ngày sẽ làm thận bị làm việc quá sức, quá tải. Dẫn đến suy giảm chức năng và mắc bệnh.
Chưa kể, ăn nhiều muối cũng khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu, về lâu dài sẽ làm tổn thương thận.
Hút thuốc, uống rượu thường xuyên
Hút thuốc và uống rượu gây tổn hại trực tiếp đến thận và các cơ quan khác. Khói thuốc lá vào cơ thể sẽ khiến các mạch máu trong thận co lại, ảnh hưởng đến chức năng bình thường của thận. Lạm dụng rượu làm tăng gánh nặng cho thận và dễ gây bệnh thận mãn tính
Như Quỳnh(T/h)