Theo Người đưa tin, Nguyễn Lợi Minh (30 tuổi, sống tại Nam Định) hiện đang điều trị tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn.
Cách đây 3 năm, Minh bỗng nhiên cảm thấy mệt nhiều, không ăn uống được. Chàng trai 27 tuổi sau đó đã tìm tới một phòng khám tư nhân và được chẩn đoán mắc COVID-19. Ngay lập tức, Minh được chuyển qua một bệnh viện điều trị COVID-19 và cách ly (thời điểm năm 2020 COVID-19 đang bùng phát tại Hà Nội).
Tuy nhiên, sau đó Minh được chẩn đoán ho lao và được đưa tới bệnh viện phổi điều trị. Khi làm các xét nghiệm, bác sĩ nói Minh bị suy đa tạng (trong đó có suy thận) và được chuyển sang Bệnh viện Thanh Nhàn lọc máu.
Theo lời kể của Minh thì thơi điểm đó anh chàng đã mắc bệnh khá nặng. May mắn là sau 2 tuần điều trị Minh đã ổn định.
Minh tâm sự học xong Đại học kiến trúc, anh xin việc khó khăn, lương thấp không đủ trang trải nên đã quyết định đi làm shipper. Sau nhiều năm chạy shipper suốt ngày đêm, vào dịp Tết năm 2020, Minh cảm thấy mệt, buồn nôn khan, mặt hơi phù khi ngủ dậy.
"Nhiều người nói tôi béo lên à mà mặt tròn thế. Tuy nhiên, tôi cũng không để ý, cho tới tháng 2/2020 tôi mệt, không ăn được, đi khám cuối cùng nguyên nhân là suy thận giai đoạn cuối.
Khi vào viện thấy tôi xăm kín người, bác sĩ có hỏi tôi có nghiện hút không. Nhưng tôi không nghiện cũng chẳng rượu bia gì hết nên không biết nguyên nhân từ đâu", Minh buồn bã chia sẻ.
Sau này, khi bình tĩnh hơn, Minh suy nghĩ lại. Anh đã ăn uống, sinh hoạt không có giờ giấc. Minh cũng hối hận vì làm việc phá sức khoẻ nhưng không thể làm lại được.
"Tôi làm shipper nên vào dịp trước Tết, đơn rất nhiều. Tôi làm việc từ 9 giờ sáng cho tới 2 giờ đêm mới về tới nhà. Thời gian đó, tôi tranh thủ kiếm tiền để có thêm chút tiền phụ bố mẹ. Mới hai mấy tuổi mà kiếm mỗi ngày được 30-40 triệu/tháng thì không ai tin, nhưng tôi làm được như vậy. Riêng tháng Tết, tôi có thu nhập được tới 60-70 triệu", Minh nói.
Minh tâm sự gia đình mình khó khăn nên phải cố gắng kiếm được tiền. Minh không ngờ có một lúc mình lại ngã bệnh như vậy. Thời điểm Minh phải chạy thận, mẹ Minh cũng suy thận mạn phải lọc máu.
Chàng trai trẻ cho biết khi biết phải chạy thận, Minh chấp nhận điều trị, lạc quan sống.
"Tôi nghĩ có bệnh thì điều trị. Hôm nào tôi đi chạy thận sẽ nghỉ buổi sáng. 14h chiều tôi sẽ làm shipper và chỉ làm tới 19h tối và nghỉ. Giờ tôi có em trai ở cùng, cũng đỡ đần anh được nhiều việc", Minh nói.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời PGS.TS Đỗ Gia Tuyển - giám đốc Trung tâm Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết theo một báo cáo của Mỹ cho thấy 16,8% người trưởng thành (từ 20 tuổi trở lên) ở Mỹ mắc bệnh thận mạn, hơn 500.000 bệnh nhân phải điều trị thận suy bằng lọc máu và ghép thận.
Tỉ lệ hiện hành của bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối (ESRD) ở Mỹ đang tăng lên, trong khi tỉ lệ mắc mới khá ổn định, điều đó cho thấy lượng bệnh nhân ESRD tăng lên chủ yếu do tuổi thọ của các bệnh nhân này ngày càng cao.
Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu trên toàn quốc, tuy nhiên nghiên cứu theo từng vùng địa lý cho thấy tỉ lệ người mắc bệnh thận mạn ngày càng tăng cao.
Mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận. Hiện cả nước có gần 5 triệu người suy thận và khoảng 26.000 người suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo.
TS Nguyễn Văn Tuyên - trưởng khoa nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết bệnh viện hiện có gần 150 bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại khoa nội thận tiết niệu.
Trong khoảng 5 năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng lên khoảng 5 - 10%, gây gánh nặng cho y tế, gia đình và xã hội.
"Bệnh thận mạn có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây, có trường hợp nam thanh niên 18 tuổi chỉ được phát hiện bệnh thận mạn giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, xin việc", tiến sĩ Tuyên nói.
Nhiều lý do gây bệnh
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển cho biết ở Việt Nam, nguyên nhân hàng đầu vẫn là bệnh cầu thận mạn các thể loại khác nhau, sau đó đến viêm thận bể thận mạn do sỏi, đái tháo đường, tăng huyết áp…
Ở Mỹ, nguyên nhân chính là do đái tháo đường (chiếm 40% ca mắc mới ESRD), tăng huyết áp (25% ca mắc mới), viêm cầu thận (10%), nguyên nhân khác: bệnh lý đường tiết niệu, thận đa nang, lupus, bệnh thận do thuốc giảm đau, không rõ nguyên nhân…
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn: đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch, suy tim, bệnh tiết niệu: bệnh thận - tiết niệu tắc nghẽn, bàng quang thần kinh, các bệnh dị dạng đường tiết niệu cần phẫu thuật, bệnh hệ thống gây tổn thương thận: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm mạch, viêm khớp dạng thấp, đa u tủy xương...
Những người dùng kéo dài những loại thuốc như giảm đau chống viêm, thuốc ức chế Calcineurin, Lithium cacbonate, Aminosalicylates.
Những người có bố (mẹ) mắc bệnh thận mạn giai đoạn 3-5 và người trên 65 tuổi.
"Ngoài những nguyên nhân dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối như di truyền, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tư miễn... thì với cuộc sống đô thị hiện đại, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, cùng với lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn" - TS Tuyên nhấn mạnh.
Thùy Dung (T/h)