Ngày 17/11 (giờ địa phương), ông Jacek Siewiera, người đứng đầu cục An ninh Quốc gia Ba Lan, cho biết những dữ liệu do Warsaw, Washington và NATO thu thập đều xác định sự cố tên lửa ở ngôi làng Przewodow là "do hệ thống phòng không Ukraine".
Trước đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã nói rằng quả tên lửa trong sự cố trên nhiều khả năng đến từ Ukraine. Washington cũng lên tiếng xác nhận các báo cáo của họ "không mâu thuẫn" với nhận định của ông Duda.
Chia sẻ với đài phát thanh RMF FM, ông Siewiera cho biết: "Tất cả những bằng chứng đã được NATO, Mỹ và cả phía chúng tôi thu thập được chỉ ra quả tên lửa trong sự cố là tên lửa S-300 phóng từ hệ thống phòng không Ukraine".
Tuy nhiên, người đứng đầu cục An ninh Quốc gia Ba Lan đã từ chối đưa ra thông tin chi tiết về những bằng chứng này. Ông nói thêm rằng Văn phòng Công tố Ba Lan đang phụ trách điều tra vụ rơi tên lửa.
Cũng theo ông Siewiera, Ba Lan không phản đối việc các "quan sát viên" Ukraine tham gia vào cuộc điều tra sự cố tên lửa. Ông nói rằng Tổng thống Duda cũng không thấy "bất kỳ trở ngại nào" với việc này khi tất cả các yêu cầu pháp lý đều được đáp ứng.
Ông Siewiera nhận định Ukraine đang trải qua "giai đoạn khó khăn nhất" của cuộc xung đột khi họ phải đối phó với hàng loạt vụ không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Người đứng đầu cục An ninh Quốc gia Ba Lan cho rằng việc Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra những "giả thuyết để bảo vệ đất nước họ" là hoàn toàn "bình thường" trong bối cảnh này.
Trước đó, Tổng thống Ukraine từng nói rằng tên lửa rơi ở Ba Lan không phải của Kiev mà đến từ Moscow. Tuy nhiên, ông đã rút lại lập luận này khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng phản bác. Sau đó, ông Zelensky cũng thừa nhận không rõ tên lửa rơi ở ngôi làng Ba Lan là của nước nào.
Trong một diễn biến khác, phía Moscow ngay trong ngày 15/11 đã lên tiếng phủ nhận liên quan tới vụ rơi tên lửa ở Ba Lan, nói rằng họ chỉ tấn công các mục tiêu cách biên giới Ba Lan ít nhất 35km.
Khi được hỏi nguyên nhân phòng không Ba Lan không đánh chặn quả tên lửa trên, ông Siewiera thừa nhận hệ thống phòng không cũng có những "lỗ hổng". "Trông thấy một tên lửa bay tới là một chuyện nhưng đánh chặn trúng tên lửa đó lại là chuyện khác", ông cho hay.
Minh Hạnh (Theo RT)