Ngày 13/5, sở Y tế Hà Nội đã có Văn bản số 2726/QĐ-SYT quyết định đình chỉ Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc (địa chỉ tại 216 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) để xác minh và xử lý các thông tin liên quan tới quá trình tiếp nhận, xử lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận ngày 12/5.
Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc không được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày 13/5 và chỉ được phép hoạt động trở lại khi có văn bản cho phép của sở Y tế Hà Nội.
Theo tìm hiểu, CTCP Y khoa và thẩm mỹ Thu Cúc (Thu Cúc)– chủ sở hữu chuỗi bệnh viện quốc tế Thu Cúc, được thành lập vào tháng 1/2008, trụ sở chính tại số 286 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội.
Công ty này có số vốn điều lệ ban đầu đạt 80 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm CTCP Tập đoàn Zinnia, bà Nguyễn Thu Cúc (79%) và Phùng Thị Từ (1,88%).
Tính đến ngày 5/8/2020, vốn điều lệ của Thu Cúc là 354,7 tỷ đồng, trong đó Aldrin One Pte. Ltd – công ty con gián tiếp của VinaCapital là tổ chức đại diện VOF sở hữu 30% vốn.
Việc được quỹ đầu tư VinaCapital rót vốn khiến Thu Cúc trở thành doanh nghiệp y tế tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Hà Nội.
Phía Thu Cúc cho biết, khoản đầu tư gần 27 triệu USD được nhận từ VinaCapital sẽ được đơn vị này dùng để mở thêm các cơ sở y tế, cũng như nâng cao chất lượng.
Về tình hình kinh doanh, trong hai năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của hệ thống bệnh viện Thu Cúc đạt lần lượt 278 tỷ đồng và 363,3 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần tương ứng là 19,3 tỷ và 20,8 tỷ đồng.
Sang đến năm 2018, doanh thu của Thu Cúc tiếp tục tăng lên ngưỡng 436 tỷ và đến năm 2019 nhảy vọt lên hơn 660 tỷ đồng. Đi kèm với doanh thu là lợi nhuận, khi con số này năm 2019 gấp gần ba lần giai đoạn 2016 - 2017.
Về Tập đoàn Zinnia - cổ đông sáng lập của Thu Cúc, đáng chú ý, tập đoàn này cũng do bà Nguyễn Thu Cúc nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT tại đây.
Tập đoàn Zinna được thành lập từ năm 1996, dưới sự dẫn dắt của nữ doanh nhân Nguyễn Thu Cúc (SN 1975), hiện Tập đoàn Zinnia đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Y tế, thẩm mỹ y khoa, phân phối, ẩm thực và thiết bị y tế.
Không dừng lại ở Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Zinnia còn đầu tư mạnh trong lĩnh vực spa y khoa với hệ thống Thu Cúc Clinics gồm 14 cơ sở trên khắp cả nước.
Ngoài lĩnh vực cốt lõi là y tế, nữ doanh nhân này còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới mảng phân phối, công nghệ thông tin và khoáng sản.
Tuy nhiên, không phải mọi lĩnh vực kinh doanh của nữ doanh nhân Thu Cúc cũng gặt hái được thành công như hệ thống y tế.
Năm 2007, nữ đại gia Nguyễn Thu Cúc còn thành lập Công ty CP Thương mại và Phân phối Zinnia hoạt động trong lĩnh vực phân phối.
Tháng 3/2010, bà chủ Thu Cúc còn thành lập Công ty CP Khai thác Khoáng sản Zinnia. Tuy nhiên đến năm 2016 công ty này đã tuyên bố giải thể.
Tháng 7/2020, bà Thu Cúc tiếp tục thành lập Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ Zinnia (viết tắt Zinnia T&E LTD), trụ sở đặt tại số 444 Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Công ty này có vốn điều lệ ở mức 6 tỷ đồng, thành phần cổ đông bao gồm: Nguyễn Thu Cúc (80%) và Phạm Văn An (20%).
Nữ doanh nhân này cũng "lấn sân" sang lĩnh vực thực phẩm và đồ uống khi đầu tư vào mô hình chuỗi ẩm thực với Công ty TNHH Dịch vụ Zinnia Việt Nam (Zinnia Việt Nam).
Đơn vị này được thành lập vào tháng 7/2014, là chủ sở hữu hai chuỗi nhà hàng nổi tiếng là Chuju Kitchen và Thái Sawasdee.
Nhưng không như hệ thống bệnh viện Thu Cúc, Zinnia Việt Nam hiện có kết quả kinh doanh không mấy tích cực khi vài năm gần đây luôn trong tình trạng thua lỗ.
Bạch Hiền (t/h)