(ĐSPL) - Mới đây, tạp chí Forbes đã công bố danh sách những nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á năm 2014. Việt Nam vinh dự có 3 đại diện xuất sắc nhận giải thưởng này gồm: CEO Vinamik – bà Mai Kiều Liên, CEO REE - bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch SeABank – bà Nguyễn Thị Nga.
Bà Mai Kiều Liên: “Nữ tướng hiếm hoi của thời nay”
Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953 trên đất Pháp. Năm 1976, bà tốt nghiệp Đại học chuyên ngành về chế biến thịt và sữa tại Matxcơva, Nga. Ngay sau khi cầm tấm bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa, bà trở về Việt Nam phụ trách khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa – Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam).
Trải qua khá nhiều vị trí từ kỹ sư công nghệ, trợ lý giám đốc, Phó giám đốc thì đến năm 1992, bà Kiều Liên chính thức đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Vinamilk cho đến nay.
Sau năm 2003, bà nắm giữ cương vị Chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty Vinamilk. Dưới sự điều hành của bà Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu có lợi nhuận lớn của Việt Nam cũng như có tên tuổi khắp châu Á, và đang vươn xa đến thị trường “khó tính” Châu Âu.
|
Bà Mai Kiều Liên. |
Vinamilk hiện đã vượt qua 12.000 doanh nghiệp có niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch với doanh thu dưới 1 tỉ USD, để lọt vào top 151 doanh nghiệp được chọn của Forbes Asia. Về doanh số, Vinamilk đứng thứ 16 trong top, về lợi nhuận đứng thứ 18 và vốn hoá thị trường đứng thứ 31, đạt 1,56 tỉ USD.
Chia sẻ với Vietnamnet, bà Kiều Liên cho rằng: "Phụ nữ thì thường có tính chi tiết. Là người lãnh đạo thì bắt buộc phải có tầm nhìn nhưng cũng cần phải rất chi tiết để thực hiện được tầm nhìn đó. Nhưng tôi chỉ chi tiết trong công việc chứ không chi tiết trong quan hệ. Đối với mội người thì tôi đối xử giống nam giới nhiều hơn. Mọi người trong công việc có gì chưa chuẩn thì tôi hướng dẫn họ làm, đạo tạo họ chứ không bỏ người".
Forbes tôn vinh bà là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Nhận định trên tờ Sài gòn tiếp thị, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc công ty cà phê Trung Nguyên đánh giá về bà Mai Kiều Liên: “Một nữ tướng hiếm hoi của thời nay, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết chơi và biết thắng. Một tấm gương không chỉ với phụ nữ, mà cả những đấng mày râu phải nể phục”.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh và những chiến lược táo bạo
Năm 1968, khi mới 16 tuổi, bà Nguyễn Thị Mai Thanh rời quê hương Sài Gòn, khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ, để làm y tá trong một đoàn quân của miền Bắc Việt Nam do cha bà lãnh đạo ở gần khu vực thành phố.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), từ năm 1982, bà gia nhập Xí nghiệp Cơ điện lạnh (tiền thân của REE) với vị trí là một kỹ sư, sau đó bà đã trở thành Phó giám đốc đến tháng 7/1987 và chính thức trở thành Giám đốc vào 1993.
Thời điểm bà Mai Thanh được cất nhắc lên vị trí cao nhất của Xí nghiệp Cơ điện lạnh với lời giới thiệu đặc biệt của người tiền nhiệm: "Cô ấy là một nhân viên xuất sắc, không bao giờ thỏa mãn với thành quả hiện tại mà luôn cố gắng. Cô ấy làm việc cật lực như những đồng nghiệp nam. Và tôi không quan tâm đến việc cô ấy có là con của một vị trung tướng hay không khi quyết định giao quyền lãnh đạo”.
|
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh. |
REE dưới sự dẫn dắt của bà Mai Thanh đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá hàng trăm triệu đôla. REE được biết đến là công ty Việt Nam đầu tiên cổ phần hóa, đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi... Năm 2013, doanh thu thuần đạt 2.413,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 2.395,62 tỷ đồng của 2012. Lợi nhuận gộp đạt 603,1 tỷ đồng, tăng 3\% so 2012.
Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty REE, nhận xét về nữ doanh nhân quyền lực của REE: “Vì đâu REE từ một công ty nhỏ, có giá trị 1 triệu USD giờ đã đạt đến 200 triệu USD? Không thể không nhắc đến bà Thanh và những chiến lược táo bạo của bà. Bà là người luôn lắng nghe góp ý nhưng quyết đoán khi ra quyết định”.
Bà Nguyễn Thị Nga: Người phụ nữ đa tài
Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955, là người Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Kiến thức kinh tế của bà khá uyên thâm do được đào tạo qua nhiều quốc gia lớn như Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc. Bà cũng vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ).
Từ năm 2000, bà là cổ đông của Techcombank và được bầu vào Hội đồng Quản trị Techcombank năm 2002, giữ chức vụ Phó chủ tịch, rồi Phó chủ tịch thứ nhất ngân hàng này. Sau vài năm làm Phó chủ tịch Techcombank, năm 2004, bà Nga đã nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank, thay ông Lê Kiên Thành.
|
Bà Nguyễn Thị Nga. |
Từ năm 2007 tới nay, bà lại là nữ tướng cho SeABank, nhà băng có tài sản khoảng 3,6 tỷ USD với 20\% cổ phần do Ngân hàng Pháp Societe Generale nắm giữ. Bên cạnh đó, bà Nga còn là người sáng lập và kiểm soát của BRG, một công ty cổ phần có 3 sân golf ở Việt Nam. Bà cũng là chủ nhân đồng sở hữu hai khách sạn lớn ở Hà Nội được tập đoàn Hilton Hotels Worldwide quản lý, đồng thời nắm cổ phần hơn 30\% trong công ty bán lẻ Intimex.
Nhờ khối tài sản "khổng lồ" từ ngành ngân hàng, bất động sản, nghỉ dưỡng và bán lẻ, bà Nga được Forbes đánh giá là một trong những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam với mức doanh thu trên 435 triệu USD trong năm 2013.
Tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề, bà Nga cho biết: “Để thành công như hôm nay, tôi đã phải hy sinh nhiều thú vui cá nhân, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Ngoài công việc, đã là phụ nữ, tôi cũng không thể quên gia đình của mình, người chồng và những đứa con”.
Việt Hương (T.H)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ba-bong-hong-quyen-luc-nhat-thuong-truong-viet-a24618.html