Xe tăng trong quân sự dường như đang dần trở nên "yếu thế" hơn so với các loại vũ khí hiện đại khác, bằng chứng rõ ràng nhất là trong cuộc giao tranh Armenia - Azerbaijan gần đây.
Hồi tháng 9, trong cuộc giao tranh đẫm máu giữa Armenia và Azerbaijan tại biên giới Nagorno-Karabakh khiến gần 100 người tử vong, nhiều máy bay và xe bọc thép đã bị phá hủy.
Theo Bộ Quốc phòng Armenia và Cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh, lực lượng của liên minh này đã tiêu diệt được 137 xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân của Azerbaijan chỉ trong một tuần. Về phần Azerbaijan, họ cũng tuyên bố tiêu diệt được 130 xe tăng và xe bọc thép các loại của lực lượng Armenia.
Ảnh minh họa. Nguồn: National Interest. |
Theo National Interest, dường như thời đại của xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép đã hết, bởi chúng quá dễ bị tổn thương trước các loại vũ khí tấn công tiên tiến như UAV hay tên lửa chống tăng.
"Yếu thế" ở địa hình hiểm trở
Caucasus là nơi có địa hình phức tạp và từng diễn ra vô số cuộc chiến tranh trong nhiều thế kỷ trước đây. Dãy núi Greater Caucasus trong lịch sử là một rào cản tự nhiên giữa Đông Âu và Tây Á.
Khu vực này không được coi là bãi đất "lý tưởng" cho xe tăng, điển hình trong cuộc xung đột đẫm máu gần đây giữa Armenia - Azerbaijan đã lộ rõ điểm yếu của loại phương tiện này trong chiến trường hiện đại.
Thất bại của huấn luyện chiến thuật
Một số chuyên gia cho rằng việc xe tăng quá dễ bị tổn thương trước máy bay hay các phương tiện hiện đại khác là do thất bại trong việc huấn luyện chiến thuật và cách người ta sử dụng chúng. Ví dụ như vấn đề địa hình ở Caucasus cần đòi hỏi tư duy khác nhau trong cách triển khai và điều khiển xe tăng.
Xe tăng T-72 của Armenia bị quân Azerbaijan bị băt sống vào hôm 5/10. Ảnh: Anadolu Agency. |
Tiếp tục hay dừng lại?
Việc quyết định có nên tiếp tục sử dụng xe tăng trong chiến trường quân sự hay không phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi quốc gia.
Năm nay, Quân đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ kết luận rằng xe tăng rất dễ bị hủy hoại và họ đã tìm cách chuyển đổi thành lực lượng chiến đấu cơ động, tinh nhuệ hơn. Vì vậy đã cho loại phương tiện này "nghỉ hưu" sau gần 80 năm. Giống như Mỹ, Quân đội Anh cũng tuyên bố sẽ thu nhỏ lực lượng xe tăng của mình.
Trái lại, các cường quốc khác đã tìm cách tăng cường lực lượng xe tăng của họ. Tháng trước, Ấn Độ bắt đầu triển khai số lượng lớn xe tăng ở biên giới với Trung Quốc, nơi chúng sẽ hoạt động trên vùng đồng bằng phẳng của thung lũng Ladakh.
Tuy nhiên, không giống như Armenia và Azerbaijan, Ấn Độ có một lực lượng không quân và vũ khí phòng không hiện đại để giúp bảo vệ những chiếc xe tăng này trên mặt đất.
Bích Thảo(Theo National Interest)