Một áp thấp nhiệt đới sau khi đổ bộ đất liền đang quay ngược ra Biển Đông và mạnh lên thành bão, còn một áp thấp khác thì đã suy yếu.
Hướng đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF |
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, vào 13h ngày 3/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên khu vực ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Trong chiều và đêm 3/9, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km.
Đến 13h ngày 4/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9.
Sau đó, áp thấp nhiệt đới được dự báo tiếp tục di chuyển về vùng biển phía Đông của đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 9, và tiếp tục được dự báo mạnh lên thành bão.
Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài đến ngày 5/9 (tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 500-700mm/đợt, có nơi trên 700mm/đợt); khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300mm/đợt), Nam bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông (100-150mm/đợt).
Một áp thấp khác trên Biển Đông, vào trưa 3/9, đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Vào đầu giờ chiều 3/9, vùng áp thấp này còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Dân Trí |
Liên quan đến tình hình phòng chống thiên tai, báo Dân Trí cho hay, theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đến 6h ngày 3/9, Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.462 phương tiện/312.630 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Hiện vẫn còn 111 tàu/814 người (Quảng Ngãi 23 tàu/196 người, Bình Định 88 tàu/618 người) đang hoạt động tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa. Hiện các phương tiện đã nắm được thông tin và đang di chuyển tránh trú bão. Đã có 10 tỉnh khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới thực hiện cấm biển.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, các đơn vị cần theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới, kịp thời thông tin đến người dân và chính quyền địa phương để chủ động ứng phó.
Công tác dự báo phải sát với thực tiễn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hiện nay và những ngày tới.
Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tập trung kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu tại bến; đảm bảo an toàn người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản và khách du lịch trên trên các đảo.
Đặc biệt lưu ý việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong ngày khai giảng. Đề phòng mưa lớn kèm theo áp thấp nhiệt đới, các địa phương rà soát các khu vực có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn các hồ chứa nhất là các hồ thủy điện, thủy lợi nhỏ. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng sơ tán dân và xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Thủy Tiên(T/h)