(ĐSPL) - Bị cáo Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị kết án 12 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chiều 2/12, sau 2 ngày xét xử, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên án đối với các bị cáo nguyên là cán bộ công chức, viên chức của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Bổng, nguyên chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh 12 năm tù; bị cáo Phạm Huy Tường, nguyên trưởng Phòng TN&MT huyện Kỳ Anh, kiêm phó Chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh 11 năm tù; bị cáo Lê Xuân Nghinh, nguyên bí thư Đảng ủy xã Kỳ Long 10 năm tù; bị cáo Lê Quang Hà, nguyên phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Long, 10 năm tù; bị cáo Lê Anh Đức, nguyên cán bộ Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng thị xã Kỳ Anh 8 năm tù; bị cáo Lê Công Diếu, nguyên chủ tịch UBND xã Kỳ Phương 3 năm tù; bị cáo Hồ Xuân Cường, nguyên cán bộ Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh 3 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Liên quan đến vụ án này còn có Lê Hữu Diện (54 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Long nhưng đã mất trước ngày xét xử.
Bên cạnh đó, các bị cáo phải có nghĩa vụ đền bù thiệt hại đã kê khai. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Bổng, Phạm Huy Tường mỗi người phải bồi thường 1,6 tỷ đồng; các bị cáo Lê Xuân Nghinh, Lê Quang Hà, Lê Anh Đức mỗi người phải bồi thường 1,5 tỷ đồng; bị cáo Lê Công Diếu, Hồ Xuân Cường mỗi người phải bồi thường 142 triệu đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Theo cáo trạng của VKS, từ năm 2008 – 2009, trong quá trình thực hiện chủ trương bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương khu kinh tế Vũng Áng, thuộc địa bàn huyện Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Bổng và các đối tượng trên đã làm trái quy định của Nhà nước để hợp thức hóa 72,78 diện tích đất công do địa phương quản lý biến thành “đất tranh chấp” và quy chủ cho các hộ dân đứng tên trong số đất này để hưởng 100% đất nông nghiệp.
Hành vi của Bổng và các bị can nêu trên đã gây thất thoát hơn 10,4 tỷ đồng (trong đó tại xã Kỳ Long hơn 9,6 tỉ đồng, tại xã Kỳ Phương hơn 840 triệu đồng) trong ngân sách bồi thường của dự án Khu liên hiệp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương do Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Hà Tỉnh làm chủ đầu tư.
Sự việc sau đó bị người dân phát giác, tố cáo. Cơ quan điều tra đã vào cuộc, từ đầu tháng 8 - 12/2015, lần lượt các đối tượng trên bị bắt giữ và khởi tố.
Điều 165, luật hình sự năm 1999 quy định về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với nội dung cụ thể như sau: 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |