Hiện tại, dịch bệnh châu Phi đang có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh. Vậy người dân ăn phải lợn bị dịch tả châu Phi có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không?
Cơ quan chức năng ngăn ngừa bệnh dịch - Ảnh: Phụ nữ Việt Nam |
Dịch tả lợn châu Phi (Pestis Africana suum - African swine fever) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn nhà và lợn hoang dại (lợn rừng) do Myxovirrus chứa AND gây ra.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) từ ngày 1/2 đến 3/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ chăn nuôi, ở 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nam.
Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy 4.231 con, tổng trọng lượng lợn tiêu hủy hơn 297 tấn (trong đó có 25 con lợn rừng tại khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Thành phố Hà Nội).
Nguyên nhân gây bệnh có đặc tính kháng nguyên hoàn toàn khác với virus gây bệnh dịch tả lợn cổ điển.
Bệnh đặc trưng bởi các biến đổi viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, thận và thâm tím da phần lớn cơ thể của lợn.
Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh.
Ngoài nguyên nhân do vận chuyển lợn bệnh, bệnh cũng có thể lây qua các vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết hoặc có mầm bệnh. Khi nhiễm vi-rút, tỉ lệ chết trên đàn lợn rất cao lên tới 100%.
Dịch tả lợn châu Phi không gây hại trên người - Ảnh: Phụ nữ Việt Nam |
Theo Cục Y tế dự phòng, tuy bệnh tả lợn châu Phi không gây hại trên người nhưng lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi có thể mắc thêm những bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm... Những bệnh này lại có thể gây hại cho sức khỏe con người nếu người dân ăn phải các sản phẩm từ lợn bệnh chưa được nấu chín kỹ.
Do đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần nấu chín kỹ thịt lợn trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh; tránh đi vào vùng dịch, nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng.
Quỳnh Chi (T/h)