Hãng thông tấn ANI dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đang triển khai dự án trị giá 2,5 tỷ USD nhằm phát triển hệ thống phòng không có thể vô hiệu hóa máy bay và tên lửa của đối phương trong phạm vi 400km.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đống không tầm xa (LRSAM) 3 lớp mà Ấn Độ đang phát triển sẽ cho phép tấn công các mục tiêu ở nhiều phạm vi khác nhau về cả tốc độ và độ chính xác.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ có thể sẽ sớm phê duyệt dự án nói trên. Hiện tại, nước này đang sử dụng các hệ thống phòng không tiên tiến S-400 do Nga cung cấp.
Nếu thử nghiệm thành công loại tên lửa này, Ấn Độ có thể gia nhập một nhóm các quốc gia sở hữu vũ khí tự chế tạo để phá hủy phương tiện trên không của đối thủ từ khoảng cách xa như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Israel và Trung Quốc.
Dự án phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa được triển khai chỉ 1,5 năm sau khi Nga chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 đầu tiên cho Ấn Độ. Đến nay, Ấn Độ đã nhận được 3 phi đội hệ thống phòng không S-400 theo thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD với Nga được ký kết hồi năm 2018.
Theo RT, Nga chuyển giao hai hệ thống đầu tiên cho Ấn Độ vào tháng 12/2021 và tháng 4/2022. Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 thứ ba được chuyển giao vào đầu tháng 3/2023.
Các phi đội còn lại dự kiến được chuyển giao cho Ấn Độ vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Đầu năm nay, các báo cáo cho rằng việc giao hàng bị hạn chế bởi các vấn đề thanh toán liên quan đến lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Giám đốc điều hành Alexander Mikheyev của Công ty bán vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport từng chia sẻ với TASS rằng, công ty đang thực hiện thành công hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ.
XEM THÊM: Tiêm kích F-15SA của Arab Saudi gặp nạn, toàn bộ tổ bay thiệt mạng
Sức mạnh không quân của Ấn Độ trước đây đã được tăng cường nhờ chương trình tên lửa đất đối không tầm trung (MRSAM) nội địa do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng nhà nước phối hợp với Israel phát triển. Hệ thống này được thử nghiệm thành công vào năm 2022.
MRSAM có tầm bắm ước tính 70km, với tốc độ tối đa Mach 2, gấp đôi tốc độ âm thanh. Tuy mô phỏng theo tên lửa Barak-8 của Israel, MRSAM có một số cải tiến công nghệ nhất định phù hợp với nỗ lực của New Delhi trong việc thúc đẩy nội địa hóa công nghệ quốc phòng.
Đinh Kim(Theo RT)