Tỏi là một loài thực vật thuộc họ Allium, cùng họ với hành tây, hẹ tây và tỏi tây. Đây là nguyên liệu phổ biến trong nấu ăn, có mùi vị, hương vị thơm ngon.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, tỏi có chứa protein, carbohydrates, calo và một số dưỡng chất quan trọng khác như vitamin B, sắt, magie, canxi, kali, mangan, photpho,...
Bên cạnh đó, hợp chất hữu cơ sulfur và glycosides được cho là thành phần công hiệu chính của tỏi. Loại thực phẩm này cũng có hàm lượng cao germanium và selen khá cao, trong đó lượng germanium trong tỏi được ước tính cao hơn so với nhân sâm hay trà xanh.
Các nhà khoa học cho biết, hầu hết các lợi ích sức khỏe của tỏi do các hợp chất lưu huỳnh được hình thành khi một tép tỏi băm nhỏ, nghiền nát hoặc nhai. Hợp chất được biết đến nhiều nhất là allicin. Các hợp chất có thể đóng một vai trò trong lợi ích sức khỏe của tỏi bao gồm: Diallyl disulfide và s-allyl cysteine.
Dưới đây là một số tác dụng của tỏi đối với sức khỏe mà bạn cần biết:
Chống lại cảm lạnh, cảm cúm
Bổ sung tỏi hàng ngày giúp cơ thể chống lại cơn cảm lạnh thông thường. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Advances In Therapy, việc bổ sung tỏi mỗi ngày giúp cung cấp nhiều allicin, làm giảm đến 63% nguy cơ bị cảm cúm. Điều này còn có thể làm giảm hơn 70% thời gian bị cảm, như từ 5 ngày có thể giảm xuống còn 1,5 ngày. Tính chất kháng khuẩn của tỏi rất mạnh, nó thậm chí có thể giúp bạn điều trị đau họng, giảm ho và phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
Giảm tổn thương gan do bia rượu
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Độc chất, Đại học Sơn Đông, Trung Quốc, chất diallyl disulfide (DADS) trong tỏi có thể bảo vệ gan chống lại quá trình oxy hóa do rượu gây ra. Tuy nhiên lưu ý vì tỏi có tính kích thích nên hãy ăn điều độ. Thêm nữa tỏi dễ gây khó chịu cho đường ruột và dạ dày, vì vậy những người mới bắt đầu ăn tỏi nên tránh ăn quá nhiều.
Lọc máu, thải độc tố
Uống 2 nhánh tỏi sống với một ít nước ấm mỗi ngày vào buổi sáng sớm, đồng thời uống nhiều nước trong cả ngày là cách để cơ thể lọc máu hiệu quả. Nếu bạn đang muốn giảm cân, hãy vắt nước cốt của nửa quả chanh vào một cốc nước ấm và uống với 2 nhánh tỏi vào buổi sáng. Tỏi sẽ giúp làm sạch cơ thể và thải sạch độc tố.
Giúp giảm huyết áp
Theo các nhà khoa học, chỉ cần 600-1500mg tỏi được chiết xuất sẽ mang lại hiệu quả giảm huyết áp tương đương với thuốc Atenolol trong thời gian 24 tuần.
Ngoài ra, chất polysulfides và các phân tử lưu huỳnh trong tỏi tác dụng làm giãn cơ trơn, kích thích sản xuất các tế bào nội mạc và giãn mạch máu, từ đó kiểm soát huyết áp hiệu quả. Người cao huyết áp cũng thường được khuyên nên ăn vài tép tỏi mỗi sáng để hạ huyết áp.
Cải thiện cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Theo nhiều nghiên cứu, tỏi giúp hạ mức cholesterol xấu và tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể, giúp loại bỏ các mảnh xơ vữa bám trên thành mạch máu.
Thói quen ăn tỏi sống đều đặn mỗi sáng cũng giúp bạn làm chậm tiến trình lão hóa của động mạch chủ. Ngoài tác dụng giảm mỡ máu ra, tỏi còn ức chế tích tụ tiểu cầu, phòng ngừa hình thành huyết khối. Vì vậy, tỏi có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch.
Tiêu diệt tế bào ung thư
Nghiên cứu cho thấy tỏi có thể tiêu diệt tế bào ung thư và một nghiên cứu trên 40.000 phụ nữ trung niên cho thấy, những người thường xuyên ăn tỏi và các loại trái cây và rau quả khác, đã giảm 35% nguy cơ ung thư ruột kết.
Chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ, tiến sĩ Simran Saini, khuyến nghị cách để đạt hiệu quả cao nhất là cắn tép tỏi nhằm giải phóng hoạt chất từ tỏi. Sau đó, hãy nuốt toàn bộ tép tỏi rồi uống nước, vì tỏi có vị khá mạnh.
Ngăn ngừa bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ
Tổn thương oxy hóa từ các gốc tự do góp phần vào quá trình lão hóa. Tỏi có chứa chất chống oxy hóa hỗ trợ cơ chế bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của quá trình oxy hóa. Việc bổ sung tỏi liều cao đã được chứng minh là làm tăng các enzym chống oxy hóa ở người, cũng như giảm đáng kể căng thẳng oxy hóa ở những người bị huyết áp cao.
Cải thiện sức khỏe xương
Chưa có nghiên cứu nào trên người đo lường tác động của tỏi đối với sự thiếu xương (giảm sút khối lượng xương, mật độ xương thấp hơn bình thường). Tuy nhiên, các nghiên cứu trên loài gặm nhấm đã chỉ ra rằng, tỏi có thể giảm thiểu sự mất xương bằng cách tăng cường estrogen ở phụ nữ.
Một nghiên cứu ở phụ nữ mãn kinh cho thấy, một liều chiết xuất tỏi khô hàng ngày (tương đương với 2g tỏi sống) làm giảm đáng kể dấu hiệu của sự thiếu hụt estrogen. Theo đó, chất bổ sung này có thể có tác dụng hữu ích đối với sức khỏe xương ở phụ nữ.
Thực phẩm như tỏi và hành tây cũng có thể có tác dụng hữu ích đối với bệnh viêm xương khớp.
Linh Chi(T/h)