(ĐSPL) - Đến thời điểm này chưa có văn bản pháp luật nào hạn chế hay cấm người dân quay phim, chụp hình Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.
Mới đây, vụ việc một sinh viên lén quay hình ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ để tống tiền; CSGT Hà Nội có lời nói khiếm nhã với người vi phạm… được đưa lên diễn đàn xã hội, sau đó cơ quan công an phải vào cuộc đã khiến nhiều người băn khoăn “ai có quyền quay hình ảnh CSGT khi đang làm nhiệm vụ?”.
Toàn dân giám sát việc thi hành nhiệm vụ của CSGT. |
Cảnh sát giao thông có được cấm người dân ghi hình?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 14 Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công An quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ thì Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
- Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề;
- Có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Trước đó, cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt mới ra Công văn 1042 quy định về việc quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông. Điểm 2, Công văn số 1042: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ, hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ.
Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, theo Cục kiểm tra văn bản vi phạm pháp luật của bộ Tư Pháp thì Công văn này có dấu hiệu sai trái và vượt quá thẩm quyền. Chính vì vậy, ngày 23/8/2013, Cục CSGT đường bộ-đường sắt đã có Công văn số 2315 về việc hủy điểm 2 trong Công văn số 1042.
Theo đó, Cảnh sát giao thông không có quyền truy hỏi, kiểm tra giấy tờ người quay phim, chỉ có những gì thuộc về bí mật nhà nước thì nhà báo hay người dân mới không được phép quay phim chụp ảnh. Và cũng không có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim chụp ảnh các nhân viên cảnh sát giao thông đang làm việc.
Như vậy, công dân hoàn toàn có quyền quay clip khi Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, trừ khi có liên quan đến bí mật nhà nước, các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định cấm hoặc hạn chế người dân hoặc phóng viên quay phim chụp ảnh thì mới buộc công dân phải tuân thủ.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]ZguVRKp51F[/mecloud]