(ĐSPL) – Sau khi Bộ GD-ĐT công bố 3 mức điểm sàn 2014 Đại học vào sáng nay, 8/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hầu hết các khối thi có phổ điểm nằm trong ngưỡng, phổ điểm dịch về bên phải. Các khối có mức nhích cao nhất là 3 điểm đó là các khối A, A1 và B. Các khối C, D1 tương đương với năm ngoài.
Phổ điểm có đường cong đều, không bị vấp nên dễ dàng trong việc xác định điểm sàn. Như vậy, không gây đột biến .
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, số lượng hồ sơ năm nay giảm khoảng 20\% so với năm ngoái nhưng số lượng hồ sơ thực tế dự thi tương đương năm ngoái, 1.050.000 thí sinh. Điều này cho thấy thí sinh có quyết tâm, bản lĩnh ngay từ đầu.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga. |
Hội đồng thảo luận chọn mức xét tuyển cơ bản, hội đồng năm nay không phải xác định điểm sàn mà xác định tiêu chí làm thế nào để học sinh có thể vào đại học, cao đẳng.
Các thành viên hội đồng thống nhất với nhau, sẽ có sự phân cấp, những trường ở tốp trên, chọn ở mức cao nhất. Những trường tốp giữa thì có thể chọn mức 2. Còn trường đang phát triển, chưa có sức hút thì chọn mức thấp nhất.
Đặc biệt, kiến nghị các trường, đặc biệt là trường tốp giữa, cân nhắc chọn mức điểm sàn cho hợp, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh để thí sinh không bị rủi ro, không nên vì chỉ tiêu mà lấy đầu vào thấp.
Có những ý kiến cho rằng việc đề xuất 3 mức xét tuyển khác nhau không cần thiết, bởi vì có những trường tốp trên, tốp trung vẫn có quyền lựa chọn mức điểm chuẩn tối thiểu để mà đảo chỉ tiêu đầu vào. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga nhận định, mức điểm tối thiểu này có thể đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường ĐH, CĐ.
Mọi năm chỉ có một mức điểm sàn cho nên đối với các trường tốp trên, không quan tâm đến vấn đề này nhiều. Tuy nhiên, nhóm trường ở tốp giữa lại quan tâm và lấy điểm sàn trở lên. Điều này dẫn đến hiện tượng một số trường dư thừa thí sinh, trong khi một số trường khác lại thiếu thí sinh. Thí sinh đăng ký không đúng vào trường mất cơ hội vào học ở trường đang phát triển. Vì vậy năm nay, Hội đồng xác định điểm sàn đưa ra mức xét tuyển cơ bản. Các trường sẽ căn cứ phổ điểm cơ bản để chọn mức điểm sàn phù hợp, sao cho thí sinh có thể vào trường.
Theo Thứ trưởng, khi cho các trường tự chủ tuyển sinh, họ sẽ cân nhắc trong việc đảm bảo bảo uy tín, chất lượng, mặt khác đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh. Vì vậy, khi chọn mức này, nếu chọn mức thấp thì xã hội sẽ đánh giá uy tín của trường, việc tìm việc làm của học sinh sau khi ra trường sẽ khó khăn. Vì vậy, các trường sẽ cân nhắc làm sao nâng cao uy tín của nhà trường.
Việc đưa ra 3 mức điểm sàn như vậy chính là tính toán giải pháp để cho các trường sau khi xếp hạng các trường các tốp khác nhau nhau, quy định mức xét tuyển bắt buộc để từ đó tạo ra một nề nếp cho công tác tuyển sinh.
Hiện nay Bộ đang xây dựng một nghị định, dự thảo xếp hạng các trường đại học. Tiêu chí chất lượng đầu vào của thí sinh vào trường cũng là một tiêu chí quan trọng.Vì vậy, qua việc chia làm 3 mức xét tuyển năm nay, như một cách tập dượt cho các trường. Nó sẽ có ích trong tương lai, nếu trường nào tuyển học sinh ở tốp cao thì chất lượng đầu vào sẽ cao hơn, tạo sức hút cho những năm sau. Khi mà chúng ta ban hành tiêu chí, phân tầng xếp hạng các trường muốn giữ được ví trí xếp hạng cao phải luôn luôn tuyển học sinh ở tốp cao. Như vậy, chất lượng mới đảm bảo.
Sau khi có các mức xét tuyển thì các trường công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1, sau nguyện vọng 1 các trường công bố tiếp xét tuyển nguyện vọng 2. Khi thông báo xét tuyển NV2, các trường sẽ công bố số các chỉ tiêu còn lại, thí sinh quan tâm trường nào thì theo dõi trường đó.