Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, diễn ra vào khoảng 6-9h. Ăn sáng dù được chứng minh là rất tốt cho sức khỏe, nhưng ăn như thế nào để dinh dưỡng không biến thành tác nhân gây bệnh quả thực không dễ.
Nhiều người do bận rộn thường có thói quen bỏ bữa sáng, điều này có thể khiến chế độ ăn uống gián đoạn, mỡ dễ tích tụ và khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều vào bữa trưa vì quá đói.
Ngoài ra, việc bỏ bữa sáng còn khiến chất dinh dưỡng không thể vận chuyển đến não, khiến con người cảm thấy chán nản, không thể tập trung học tập, làm việc. Nếu kéo dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và tiểu đường.
Tuy nhiên, việc ăn không đúng vào bữa sáng cũng có thể gây ra một số tác hại nhất định đối với cơ thể. Thậm chí là tăng khả năng gây ung thư. Dưới đây là 3 thực phẩm nguy hại nên tránh sử dụng vào bữa sáng.
3 thực phẩm không nên dùng trong bữa sáng
Đồ chiên rán
Nhiều người thích ăn các món chiên vào bữa sáng như bánh rán, gà rán, khoai tây chiên,… Tuy nhiên nếu ăn liên tục trong thời gian dài thì sẽ rất dễ nạp vào quá nhiều calo, tăng gánh nặng cho cơ thể, không chỉ gây béo phì mà còn tăng nguy cơ dẫn đến tiểu đường.
Cùng với đó, những loại thực phẩm này khi được chiên rán với nhiệt độ cao sẽ vô tình tạo ra các chất gây ung thư như amin dị vòng và benzopyrene. Nếu sử dụng quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ ung thư.
Không chỉ vậy, không ít hàng quán ngoài đường thường sử dụng những loại dầu ăn gia công kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như thường sử dụng lại dầu chiên qua nhiều lần có thể sản sinh ra nhiều chất gây ung thư.
Sản phẩm thịt chế biến sẵn
Theo định nghĩa của WHO, các thực phẩm chế biến sẵn bao gồm giăm bông, xúc xích, thịt xông khói, lạp xưởng... Đáng nói, các thực phẩm này thường xuyên xuất hiện trong bữa sáng của nhiều quốc gia và được trẻ em khắp nơi yêu thích
WHO xếp các thực phẩm trên vào danh sách “tác nhân gây ung thư cho người” (nhóm 1). Theo người phát ngôn của Hội đồng Ung thư NSW, Clare Hughes: "Lý do khiến thịt chế biến có thể gây ung thư là vì chúng có thể chứa hóa chất. Các chất bảo quản nitrit được sử dụng để bảo quản thịt chế biến có thể tạo thành N-nitroso này và có thể dẫn đến ung thư ruột".
Tuy nhiên, không phải bạn cứ ăn thịt chế biến sẵn là sẽ bị ung thư. Chuyên gia Hughes cho biết nguy cơ ung thư còn phụ thuộc vào việc bạn ăn bao nhiêu và ăn chúng trong bao lâu. Dù sao, các loại đồ ăn sẵn trên vẫn nên được hạn chế sử dụng.
Đồ ăn nóng
Với nhiều người, cảm giác khoan khoái nhất là được nhâm nhi một tách cà phê hay một bát cháo nóng hổi khi vừa thức dậy. Thế nhưng đồ ăn, thức uống nhiệt độ cao thật sự có thể gây hại cho sức khỏe.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO từ lâu đã phân loại đồ uống quá nóng vào nhóm thực phẩm có thể gây ung thư. Theo IARC định nghĩa, đồ uống hay thực phẩm quá nóng nghĩa là cao hơn 65 độ C, chúng có thể làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng và thực quản.
Tiêu thụ đồ ăn ở nhiệt độ cao có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản. Chính vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị bạn nên dùng thức ăn ấm (khoảng tầm 50 - 65 độ C) để miệng và thực quản dễ dàng thích ứng.
3 nguyên tắc cho bữa sáng lành mạnh
Chọn carbohydrate có chỉ số GI (chỉ số đường huyết thực phẩm) thấp
Khi lựa chọn carbohydrate cho bữa sáng, nên chọn những thực phẩm nguyên hạt và nhiều loại ngũ cốc, chẳng hạn như bánh mì nướng nguyên hạt, ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc giàu chất xơ... Điều này sẽ giúp tránh làm tăng lượng đường huyết đột ngột trong cơ thể vào buổi sáng cũng như bổ sung lượng carbohydrate đầy đủ, tạo năng lượng cho hoạt động trong ngày.
Cố gắng tự chuẩn bị thức ăn
Hầu hết những đồ ăn sáng bán bên ngoài đều chứa nhiều thực phẩm siêu chế biến hoặc có lượng đường, muối cũng như carbohydrate quá cao. Điều này dễ khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu chất xơ sau khi ăn.
Protein là "nhân vật chính"
Một bữa sáng có thể giúp bạn cung cấp đầy đủ năng lượng hoạt động trong ngày phải bao gồm protein. Protein sẽ giúp phục hồi cơ bắp và cung cấp năng lượng. Khi chọn loại protein, nên chọn những thực phẩm từ tự nhiên như trứng, thịt gà... tránh sử dụng protein từ các loại thực phẩm siêu chế biến.
Ngoài ra, chất béo lành mạnh có thể giúp hấp thu vitamin nên cũng cần được bổ sung bằng các loại hạt hoặc dầu olive.
Thời gian ăn sáng không nên quá sớm cũng không nên quá muộn, tốt nhất trong khoảng 7-8h. Bữa ăn sáng nên cách thời gian thức dậy khoảng 30 phút. Trước khi ăn nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể
Như Quỳnh(T/h)