+Aa-
    Zalo

    18 năm tù cho nguyên Trung úy CSGT bắn chết bạn trai của con người tình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nói lời sau cùng, Phước thừa nhận việc làm của mình là sai trái nên gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp vì đã ảnh hưởng hình ảnh của ngành.

    Được người tình nhờ khuyên con gái không nên bỏ nhà đi, Nguyễn Tấn Phước, nguyên Trung úy CSGT tỉnh Đồng Nai đã “sốt sắng” đi tìm con gái người tình. Khi đến phòng của bạn trai con gái người tình, giữa Phước với thanh niên này xảy ra mâu thuẫn và Phước nổ súng vào đầu khiến nạn nhân tử vong. Sau khi tội ác Phước bị phơi bày thì hàng loạt sai phạm của cấp trên Phước cũng bị phanh phui.

    Bắn chết bạn trai của con gái người tình

    Nguyễn Tấn Phước (41 tuổi, nguyên Trung úy CSGT công tác tại Công an tỉnh Đồng Nai) có quan hệ tình cảm nam nữ với một người phụ nữ tên T. (44 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Bà T. có một cô con gái tên là N. (20 tuổi). Em N. có bạn trai tên Bùi Việt H. (31 tuổi, quê TP.Hải Phòng).

    Quá trình yêu đương, N. thường xuyên bỏ nhà đi theo H. nên bà T. nhiều lần buồn bã nhờ Phước đi tìm H. để nói chuyện. Ngoài ra, bà T. cũng đề nghị Phước là nếu Phước có gặp N. thì khuyên N. nên trở về nhà. Được người tình nhờ, Phước đã vận dụng nhiều mối quan hệ của mình và biết được H. đang thuê trọ sinh sống ở khu vực cổng 1 của sân bay Biên Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

    Bị cáo Nguyễn Tấn Phước bị tuyên 15 năm tù.

    Vào 18h ngày 6/1/2018, sau khi uống rượu cùng bạn bè, Phước về phòng tập thể dục của phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai nằm ngủ. 10 phút sau, Phước dậy lấy tư trang quần áo và một khẩu súng Rulo (khẩu súng Phước được cấp vào năm 2010-PV) bỏ vào túi xách rồi lấy xe máy về nhà. Trên đường về nhà Phước nhớ lại chuyện người tình nhờ đi tìm cháu N. nên chạy thẳng xe đến khu nhà trọ nơi H. đang ở.

    Khi đến chỗ H., Phước lấy khẩu súng ra giắt vào lưng quần rồi đi thẳng vào phòng trọ H. Tại đây, Phước thấy anh H. đang đứng giữa phòng và một người bạn của anh H. đang nằm bấm điện thoại. Thấy vậy Phước lên tiếng hỏi: “Mày có phải thằng H. không?”. H. trả lời: “Đúng, mày là ai?”. Phước hỏi tiếp: “Con N. đâu?”. H. trả lời: “Tao không biết”. Nghĩ H. trả lời xấc xược nên Phước lạnh lùng rút súng ra bắn vào đầu H. một phát khiến nạn nhân ngã đập đầu vào tường nhà vệ sinh.

    Sau khi bắn anh H., Phước đã đi ra ngoài bỏ súng vào cốp xe máy rồi phóng xe bỏ chạy. Riêng nạn nhân H. được những người có mặt kịp thời đưa đi cấp cứu đã tử vong do vết thương quá nặng. Còn Phước khi rời khỏi hiện trường vụ án, đã gọi điện cho bạn là Trần Tấn Sinh hẹn gặp nhau để đi nhậu. Khi cả hai vào quán nhậu ở cổng 11 phường Long Bình (TP.Biên Hòa) uống bia, Phước kể lại chuyện bắn H. cho Sinh nghe và nhờ Sinh nhận tội thay nhưng Sinh không đồng ý và khuyên P. đi đầu thú.

    Cùng lúc này công an phường cũng đã gọi điện thoại cho Phước, yêu cầu Phước tới trụ sở công an để làm việc. Biết sự việc đã bị phanh phui, công an đã biết chuyện nên Phước mang súng, ổ đạn 4 viên và xe máy giao cho anh Sinh giữ giúp rồi đón taxi về công an phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa để đầu thú. Sau đó anh Sinh cũng đã bàn giao toàn bộ tang vật Phước gửi cho cơ quan công an.
    Về nguồn gốc khẩu súng, hồ sơ vụ án xác định, trước khi công tác tại phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Phước công tác ở phòng Hậu cần (Công an tỉnh Đồng Nai) và làm lái xe cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh (thời điểm đó là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai). Ngày 9/3/2010 Phước làm giấy đề nghị phòng Hậu cần Công an tỉnh Đồng Nai cấp khẩu súng để “bảo vệ Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh”. Tháng 3/2010, ông Lê Hùng Hà, nguyên Trưởng phòng Hậu cần phê duyệt đề nghị này và Nguyễn Tấn Phước được đơn vị trên cấp cho khẩu súng rulo P38 cùng 50 viên đạn.

    Đến ngày 31/10/2012, Phước được điều động từ phòng Hậu cần sang phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai. Tháng 9/2014, phòng Hậu cần có công văn về việc chuyển khẩu súng rulo 38P sang phòng CSGT và Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh phê duyệt. Theo đó, phòng Hậu cần lập biên bản chuyển khẩu súng cho phòng CSGT (không có giấy phép sử dụng), nhưng việc tiếp nhận vốn chỉ trên giấy tờ, còn thực tế Nguyễn Tấn Phước vẫn sử dụng khẩu rulo 38P.

    Với hành vi dùng súng bắn chết người, Phước sau đó bị bắt, bị điều tra, truy tố về tội Giết người. Ngoài ra, cáo trạng cũng xác định “mặc dù súng không có giấy phép sử dụng, khi ông Khánh về hưu, Phước vẫn không giao nộp súng cho đơn vị quản lý súng mà dùng súng bắn chết Bùi Việt H.”. Do đó, Phước bị truy tố thêm tội Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

    Nổ súng giết người nhưng chỉ bị tuyên 15 năm tù

    Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Tấn Phước tại TAND tỉnh Đồng Nai mới đây, HĐXX đã triệu tập nhiều người là cán bộ của phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để làm rõ hành vi của Phước. Tuy nhiên, nhiều người trong danh sách đã vắng mặt.

    Về phần bị cáo, Phước thừa nhận là người gây ra cái chết cho anh H., nhưng không phải Phước cố tình nổ sung như bị quy kết, mà chỉ “đưa lên trước mặt nạn nhân hù, không ngờ súng bị cướp cò”. Bị cáo khai không biết súng hết hạn, sau khi được cấp cũng chưa lần nào nghe lãnh đạo yêu cầu thu hồi.

    Theo bị cáo Phước, giữa hắn và nạn nhân H. không có mâu thuẫn gì, chỉ vì bị cáo được người tình nhờ tìm kiếm con gái người tình nên xảy ra sự việc. Thời điểm xảy ra vụ án, Phước đã có uống rượu bia nên không làm chủ được hành vi. Bị cáo Phước cũng thừa nhận khẩu súng dùng bắn chết H. được Công an tỉnh Đồng Nai cấp khi Phước được phân công làm lái xe cho một lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai.

    Khi HĐXX hỏi “Tại sao khi chuyển vị trí công tác, không trả khẩu súng?”, bị cáo Phước im lặng. Đại diện VKS cho rằng, hành động của bị cáo Phước là cố ý giết người chứ không phải vô ý.

    Tuy nhiên, bị cáo Phước có nhiều tình tiết giảm nhẹ như quá trình công tác được tặng nhiều giấy khen, chưa có tiền án tiền sự, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, đã bồi thường cho gia đình nạn nhân... Đây là những tình tiết được VKS làm căn cứ để đề nghị tòa giảm án cho Phước.

    Nói lời sau cùng, Phước thừa nhận việc làm của mình là sai trái nên gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp vì đã ảnh hưởng hình ảnh của ngành. “Bị cáo xin lỗi gia đình bị hại, mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về với gia đình”, Phước trình bày.

    Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng. Là công an, Phước phải hiểu rõ quy định sử dụng súng nhưng lại mang đi gây án và làm chết người. Tuy nhiên quá trình điều tra, cựu Trung úy CSGT ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo và có nhiều thành tích trong quá trình công tác, bản thân bị cáo và gia đình cũng đã khắc phục hậu quả, nên có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tòa tuyên phạt bị cáo 15 năm tù về tội Giết người, 3 năm tù tội Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Tổng hình phạt bị cáo Phước phải chấp hành là 18 năm tù.

    Ngoài bản án hình sự, Phước còn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 850 triệu đồng. Đối với hành vi của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp phát, quản lý khẩu súng rulo cho Nguyễn Tấn Phước, do vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều người, diễn ra trong thời gian dài nên HĐXX thống nhất với các cơ quan tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai tách vụ việc này ra, tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Công Thư

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Tháng số 50

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/18-nam-tu-cho-nguyen-trung-uy-csgt-ban-chet-ban-trai-cua-con-nguoi-tinh-a304510.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan