TikTok thuộc thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, ra mắt phiên bản quốc tế lần đầu tiên vào tháng 9/2016 và nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới. Hiện mạng xã hội này có hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
Những năm gần đây, chính phủ nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại mạng xã hội này bị sử dụng như một công cụ gián điệp, có thể thu thập thông tin, sở thích và thói quen người dùng. Chính vì vậy, đến nay có đên 17 quốc gia đã ban hành lệnh cấm hoạt động đối với TikTok.
Mỹ
TikTok trong nhiều năm qua đã nằm trong tầm ngắm của chính quyền Mỹ. Nền tảng này với công ty mẹ là công ty ByteDance được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với Chính quyền Bắc Kinh và không an toàn cho bảo mật thông tin của người dùng Mỹ. Ngay từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã nhiều lần đe dọa sẽ ra lệnh cấm với TikTok vì những cáo buộc mạng xã hội này được sử dụng cho mục đích tình báo, thu thập thông tin và thói quen của người dùng tại Mỹ.
Đầu tháng 3/2023, chính quyền tổng thống Joe Biden yêu cầu các cơ quan chính phủ phải xóa TikTok ra khỏi các thiết bị liên bang vì lo ngại vấn đề bảo mật dữ liệu. Lệnh cấm chỉ áp dụng với các thiết bị của chính phủ, mặc dù một số nhà lập pháp tại Mỹ đang ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn TikTok khỏi quốc gia này.
Ngày 23/4 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua dự luật buộc TikTok phải thoái vốn khỏi chủ sở hữu của Trung Quốc và bán lại cho một pháp nhân được chỉ định tại Mỹ, nếu không nền tảng mạng xã hội này sẽ bị cấm hoạt động ở Mỹ. Dự Luật này cũng đã được Tổng thống Joe Biden ký thi hành một ngày.
Luật mới được thông qua này sẽ cho phép ByteDance, công ty mẹ của TikTok, thời hạn tối đa một năm để bán TikTok cho một công ty có trụ sở tại Mỹ, nếu không mạng xã hội này sẽ bị cấm và xóa bỏ khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google ở Mỹ. Trong khi đó, Đại diện TikTok cho biết sẽ gửi đơn kiện chính quyền Joe Biden lên Tòa án Liên bang với lý do lệnh cấm TikTok là vi phạm quyền tự do của người dân tại Mỹ.
Trung Quốc
TikTok thuộc sử hữu của hãng công nghệ ByteDance có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) nhưng mạnh xã hội này cũng phải đối mặt với lệnh cấm ngay cả ở “sân nhà”. ByteDance đã phát triển một phiên bản TikTok dành riêng cho thị trường Trung Quốc, mang tên gọi Douyin.
TikTok và Douyin đều có giao diện, các tính năng và cách thức hoạt động của tương tự nhau nhưng cơ sở dữ liệu của 2 nền tảng này là hoàn toàn riêng biệt. Nội dung trên Douyin sẽ được ByteDance điều chỉnh để phù hợp với luật pháp tại Trung Quốc.
Vì vậy người dùng Trung Quốc không thể sử dụng và xem nội dung trên TikTok. Những du khách quốc tế đã cài đặt TikTok trên smartphone nhưng khi đến Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục truy cập vào mạng xã hội này vì bị chặn.
Anh
Quốc hội Anh vào tháng 3 năm ngoái cho biết sẽ chặn ứng dụng TikTok trên tất cả các thiết bị của cơ quan, tương tự động thái cách đó không lâu của chính phủ nước này. Người phát ngôn của TikTok khi đó đã gọi hành động này là “không phù hợp” và dựa trên những quan niệm sai lầm cơ bản về công ty.
Trước đó, chính phủ Anh cũng đã cấm TikTok khỏi điện thoại di động của các bộ trưởng và quan chức chính phủ. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức. Cùng thời điểm, Scotland cho biết đã cấm TikTok khỏi các thiết bị chính thức của chính phủ và lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức.
Afghanistan và Iran
Tháng 4/2022, người phát ngôn của chính quyền Taliban tuyên bố sẽ cấm ứng dụng TikTok tại quốc gia này vì mạng xã hội chứa các nội dung đánh lừa thế hệ trẻ và không phù hợp với luật Hồi giáo.
Trong khi đó, chính phủ Iran đã ban hành lệnh cấm TikTok vì mạng xã hội này chứa các nội dung vi phạm luật Hồi giáo tại Iran.
Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Canada, Úc, New Zealand
Kể từ tháng 3 năm ngoái, chính phủ các quốc gia này đã đồng loạt cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ sở hữu vì lo ngại các vấn đề về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin sai lệch.
Kyrgyzstan và Nepal
Chính quyền Kyrgyzstan đã cấm TikTok từ tháng 8/2023, với lý do lo ngại mạng xã hội này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của giới trẻ.
Trong khi đó, chính phủ Nepal đã ban hành lệnh cấm TikTok với lý do các nội dung trên TikTok gây "chia rẽ sự hòa hợp xã hội" và ảnh hưởng xấu đến giới trẻ từ tháng 11/2023.
Ấn Độ
Vào năm 2020, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm đối với TikTok và hàng loạt ứng dụng khác của Trung Quốc, bao gồm ứng dụng nhắn tin nổi tiếng WeChat, vì những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật đối với các ứng dụng Trung Quốc.
Lệnh cấm được đưa ra không lâu sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới của 2 nước. Đến tháng 1/2021, chính phủ Ấn Độ tuyên bố lệnh cấm đối với TikTok và các ứng dụng Trung Quốc khác có hiệu lực vĩnh viễn.
Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh lệnh cấm TikTok và các ứng dụng của Trung Quốc nhằm bảo vệ thông tin và sự riêng tư của 1,3 tỷ người dân quốc gia này.
Afghanistan
Người phát ngôn của chính quyền Taliban tuyên bố sẽ cấm ứng dụng TikTok tại quốc gia này vì mạng xã hội chứa các nội dung đánh lừa thế hệ trẻ và không phù hợp với luật Hồi giáo.
Đan Mạch
Tháng 3/2023, Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã đưa ra lệnh cấm nhân viên của bộ sử dụng TikTok trên thiết bị công và yêu cầu xóa ứng dụng ra khỏi thiết bị “càng sớm càng tốt”. Bộ này cho biết lý do của lệnh cấm là vì “những cân nhắc về an ninh” và “nhu cầu sử dụng ứng dụng trong công việc rất hạn chế”.
Pháp
Pháp đã ban hành lệnh cấm cài đặt các ứng dụng giải trí, bao gồm TikTok, Netflix… trên các thiết bị làm việc của 2,5 triệu công chức quốc gia này. Lệnh cấm có hiệu lực từ khi được ban hành vào ngày ngày 24/3 năm ngoái.
"Sau khi phân tích nhiều vấn đề, đặc biệt về mặt bảo mật, chính phủ đã quyết định cấm tải xuống và cài đặt các ứng dụng giải trí trên smartphone được cấp cho công chức nhà nước để phục vụ công việc", chính phủ Pháp cho biết trong một thông cáo đưa ra. Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng cho smartphone cá nhân của các công chức, không được sử dụng cho mục đích công việc.