+Aa-
    Zalo

    13 cô gái can trường chuyên săn lùng “thần chết giấu mặt”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại Quảng Trị, có 13 cô gái trong đội rà phá bom chùm số 19 (MAT19) đã đảm nhận việc phá bom mìn.

    Việc rà phá bom mìn, tưởng rằng đó là công việc của những người đàn ông khỏe mạnh, từng kinh qua nhiều thử thách với vật liệu nổ; thế nhưng, tại Quảng Trị, có 13 cô gái trong đội rà phá bom chùm số 19 (MAT19) đã đảm nhận rất thành công. Chỉ sau một năm, 13 cô gái can trường ấy đã phát hiện và tiêu hủy hơn 300 vật liệu nổ các loại, làm sạch 640.000m2 đất.

    Công việc đối diện với nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng các chị đều yêu nghề và làm rất tốt nhiệm vụ của mình.

    Đối diện với "thần chết"

    Đều đặn trước 6h mỗi buổi sáng, chị Trương Thị Thu Vân (25 tuổi), trú xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cùng 12 cô gái của đội Rà phá bom chùm số 19 (MAT19) đã có mặt tại văn phòng dự án Nhóm cố vấn bom mìn MAG, tại huyện Hải Lăng, để kiểm tra và bốc xếp trang thiết bị làm việc trong ngày lên xe ô tô.

    Khâu chuẩn bị hoàn tất, lái xe bắt đầu đưa toàn đội đến hiện trường làm việc. Đó là một khu rừng tràm phòng hộ rộng hơn 570.000m2 , ở thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong. Với công việc đặc thù, sáng đi sớm, tối muộn mới về nhà, nên một ngày của chị Vân phải bắt đầu từ lúc 3h30 sáng. Chị dậy sớm, dành 1 tiếng đồng hồ để chuẩn bị đồ ăn cho cô con gái 2 tuổi, sau đó gửi con cho mẹ ruột của mình rồi lên xe đến trụ sở văn phòng, nơi cách nhà 45km. Nhiệm vụ của đội MAT19 là rà phá các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh bằng máy móc chuyên dụng để trả lại đất an toàn cho người dân canh tác.

    Là thành viên mới nhất của đội, nhưng Vân đã có kinh nghiệm trong công việc vô cùng nguy hiểm này. Những người phụ nữ trong đội MAT19 làm việc trực tiếp dưới điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt tại mảnh đất Quảng Trị, không kể nắng nóng đến đỉnh điểm, hay mưa gió lạnh căm, hàng ngày, các chị phải giáp mặt với “tử thần ẩn nấp dưới lòng đất”. Công việc vừa nặng nhọc, vừa đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, bởi chỉ một chút sơ sẩy, hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. Với chị Vân, sau một năm làm việc, chị tìm thấy nhiều "thần chết giấu mặt" như bom bi Blu26, lựu đạn, bom chùm M35... Quả đạn to nhất Vân tìm thấy là đạn pháo 105mm. Đây đều là những vật liệu nổ nguy hiểm, có thể gây sát thương cho người dân khi làm nông nghiệp.

    Tạo môi trường sống tốt cho quê hương

    Việc rà phá bom mìn, nếu nhắc đến thì với nam giới, nhiều người vẫn lạnh sống lưng; nhưng với những người phụ nữ trong đội MAT19, họ đều thể hiện sự kiên trì với công việc ấy. Lý giải việc xin vào làm việc ở dự án rà phá bom mìn nhân đạo, Vân trả lời, đây là công việc liên quan đến ngành học công nghệ kỹ thuật môi trường của chị. Ngoài ra, chị cũng "thấy yêu thích vì góp phần tạo ra môi trường sống tốt hơn cho bà con quê hương mình".

    Chị tâm sự: “Thế hệ ông nội và cha tôi, đêu đi bộ đội, bảo vệ sự bình yên cho đất nước, dân tộc. Tôi may mắn được sống trong thời bình, nhưng vùng đất này còn tồn dư quá nhiều vật liệu nổ do chiến tranh để lại, do đó, tôi mong mình sẽ góp một chút công sức để đem lại môi trường sống an toàn cho bà con”. Chị Lê Thị Bích Ngọc (41 tuổi), đội trưởng cho biết, MAT19 được thành lập từ ngày 1/10/2018 với 14 thành viên, trong đó chỉ duy nhất một nam giới là lái xe. Người có kinh nghiệm rà phá bom mìn lâu nhất của đội là 19 năm, người mới nhất có một năm.

    Khu rừng tràm phòng hộ, ở thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong là nơi đội làm việc từ đầu tháng Bảy và dự kiến kéo dài đến hết năm nay. Toàn đội phá bom đều là nữ, nên chị em phải đảm nhận tất cả các nhiệm vụ, từ vác cọc, dây bay, xô thước... cho đến rà phá, huỷ nổ bom mìn, vật liệu nổ. Bắt đầu ngày làm việc, nhân viên kỹ thuật đánh dấu các ô làm việc với kích thước 50x50m, rồi chia thành các luống rộng 1,5m bằng dây để rà tìm. Sử dụng thiết bị chuyên dụng, hai nhân viên đi từ đầu đến cuối mỗi luống để tìm kiếm rồi đánh dấu lại.

    Một nhân viên khác sử dụng thiết bị cầm tay để xác định chính xác hơn vị trí, cẩn thận đào tìm và báo đội trưởng, đội phó kiểm tra, phân loại nếu tìm thấy vật liệu nổ. "Với các vật liệu nhạy nổ như bom bi, lựu đạn 40mm, đạn chùm... phải huỷ nổ tại chỗ. Với đạn mất kíp, bom lớn, đạn chưa sử dụng đưa về bãi nổ tập trung", chị Ngọc nói. Việc huỷ nổ tại chỗ do đội trưởng và đội phó đảm nhận. Các vật liệu nổ sau khi phát hiện được đánh dấu, chất bao cát xung quanh chờ đến cuối giờ làm việc mới tiến hành huỷ nổ.

    Sau hơn một năm thành lập, đội MAT19 đã làm sạch hơn 640 nghìn m2 đất, phát hiện 316 vật liệu nổ các loại. Trước khi thành lập đội MAT19, dự án MAG có rất nhiều nhân viên nữ làm việc ở các đội khác nhau. Việc thành lập đội nữ nhằm hướng đến việc nâng cao năng lực và vị thế phụ nữ trong hoạt động nhân đạo bom mìn, có thể đảm nhiệm tất cả vị trí.

    Bà Trần Thị Thảo, cán bộ Tập huấn, giám sát đánh giá quản lý chất lượng dự án MAG đánh giá, sau thời gian hoạt động, đội nữ khẳng định năng suất, hiệu quả làm việc của mình không hề thua kém gì đội nam. Bà Thảo nói: "Ai cũng nghĩ nữ không làm được các công việc rà phá bom mìn, thực tế chứng minh ai cũng làm được, thậm chí nữ cẩn thận, nhẹ nhàng hơn nam".

    Quảng Trị là địa phương ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước với ước tính còn chiếm gần 82% diện tích đất. Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Trị thống kê, hiện còn hơn 100.000 tấn bom mìn trên địa bàn chưa phát nổ. Các chuyên gia quốc tế nhận định, phải mất khoảng 200 năm đến 300 năm nữa, tỉnh Quảng Trị mới có thể rà phá xong lượng bom mìn còn sót lại. Thống kê của trung tâm Điều phối Khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh, từ năm 1975 đến nay, Quảng Trị có 8.540 nạn nhân bom mìn, trong đó 3.431 người chết.

    Ngô Huyền 

    Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật Chủ nhật số 43


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/13-co-gai-can-truong-chuyen-san-lung-than-chet-giau-mat-a299217.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan